Ổn định hàng hóa thiết yếu

VIỆT NGUYỄN 10/03/2020 13:58

Hôm qua (9.3), người dân đổ xô đi mua hàng hóa dự trữ đã lắng xuống. Hàng hóa tại các địa phương, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống của tỉnh đang dồi dào, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trở lại bình thường

Ở siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, trái với cảnh người đổ xô đi mua sắm các mặt hàng mỳ tôm, gạo, trứng gà, rau quả, dầu ăn, nước mắm... trước đó, ngày 9.3, “làn sóng” mua sắm đã ổn định trở lại. Ở các quầy của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, hàng hóa dồi dào, nhất là các mặt hàng hải sản, thịt gà, thịt heo, lương thực...

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ cho biết, người tiêu dùng không còn sục sôi mua hàng hóa cho bằng được nhờ nhận biết, dịch Covid-19 dù diễn biến phức tạp nhưng chưa tác động mạnh đến địa bàn TP.Tam Kỳ.

“Do luôn tích trữ hàng hóa nên các mặt hàng thiết yếu như gạo, mỳ tôm, nước, sữa, nước rửa tay… được chúng tôi bổ sung liên tục, không thiếu hàng. Từ ngày 9.3, hàng hóa ở các kho hàng của hệ thống Saigon Co.op gấp rút vận chuyển về các địa phương, trong đó có Quảng Nam nên chúng tôi cam đoan, dư dôi nguồn hàng cung cấp đến người dùng” - bà Lai nói.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đang chỉ đạo các lực lượng giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để thu gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa thiết yếu bất hợp pháp. Đặc biệt, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả...

Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đến từng khu dân cư nên người dân đã bớt tâm lý hoang mang dịch Covid-19 lây lan mạnh. Nhờ đó, nhu cầu mua sắm của người dân trở lại quỹ đạo vốn có.

“Chúng tôi khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa theo nhu cầu tiêu dùng, không nên dự trữ quá nhiều vì không cần thiết, gây bất ổn thị trường. Tụ tập đông người để mua sắm cũng là tác nhân gây lây lan dịch bệnh Covid-19” - ông Nguyễn Đạt nói.

Chính quyền thị xã Điện Bàn khẳng định hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa y tế phục vụ chống dịch Covid-19 không thiếu trên thị trường nên người dân yên tâm.

Nguồn cung dồi dào

Theo bà Trần Thị Như Lai, thông tin từ hệ thống Saigon Co.op cho biết, đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa cho tình huống dịch Covid-19 lan rộng từ tháng 2 nên hàng hóa luôn dồi dào, nguồn cung đa dạng. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng gạo, mỳ tôm, nước tinh khiết, đồ hộp, sữa, gel rửa tay, khẩu trang vải, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa…

Trong nhóm này, các mặt hàng đặc thù dành riêng cho phòng chống bệnh về đường hô hấp được đặc biệt chú trọng và luôn sẵn sàng tăng cường cho các điểm bán hàng, trong đó có Quảng Nam. “Chúng tôi khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng chứ không tăng giá hàng hóa ngay cả khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng đột biến” - bà Trần Thị Như Lai nói.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, ngay sau khi Báo Quảng Nam đăng bài “Đổ xô mua hàng dự trữ vì dịch Covid-19: Hoàn toàn không cần thiết!”, UBND TP.Tam Kỳ đã tổ chức họp gồm ngành kinh tế, doanh nghiệp, quản lý thị trường, các siêu thị, ban quản lý chợ..., đi đến nhất quán chủ trương không để người dân thiếu thốn hàng hóa. Hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn không chỉ chủ động điều phối nguồn hàng, bảo đảm hàng lên kệ liên tục mà còn cam kết đồng hành, bảo đảm nguồn cung, bình ổn, không tăng giá hàng hóa tại các điểm bán. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cam kết sẽ ưu tiên cung ứng hàng hóa cho hệ thống phân phối trên địa bàn. Mặt hàng thịt heo cung ứng ra thị trường vẫn ổn định, lượng thực phẩm chế biến rất dồi dào, đủ phục vụ nhu cầu tiêu dùng đến hết quý II với giá ổn định.

Ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho biết, đang tổng hợp số liệu từ các hệ thống bán lẻ, các chợ truyền thống cũng như 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh để đánh giá toàn diện nguồn cung, nhu cầu mua sắm của người dân, qua đó tham mưu UBND tỉnh về hướng phân phối hàng hóa, đảm bảo tối đa nhu cầu của người dân, ngay cả trong trường hợp dịch bệnh phát tán tiêu cực nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ổn định hàng hóa thiết yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO