Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm

VIỆT NGUYỄN 27/10/2022 08:27

Dịp cuối năm, nhất là thời gian trước tết Nguyên đán, các ngành chức năng chú trọng lập kế hoạch siết chặt quản lý an toàn thực phẩm để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường.

Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát ATTP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, kiểm soát ATTP. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tồn tại nhiều hạn chế

Chợ Tam Kỳ bày bán nhiều thực phẩm thiết yếu từ đồ tươi sống đến thức ăn chín nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn còn xảy ra. Ở khu vực bán hải sản và các loại thịt heo, thịt bò, để tiện bán hàng, các tiểu thương không che đậy nên ruồi nhặng bu bám, không đảm bảo ATTP.

Riêng tại khu vực bán hải sản, hệ thống cấp thoát nước chưa bảo đảm, nhiều người phải xắn quần đi chợ. Việc sắp xếp kinh doanh của tiểu thương ở chợ Tam Kỳ chưa ngăn nắp, có chỗ thực phẩm chế biến sẵn không có nắp đậy lại được bày bán cạnh thực phẩm tươi sống.

Có thực tế, lâu nay người tiêu dùng hiếm khi sử dụng đến quyền của mình khi không may mua sắm, sử dụng hàng hóa mất ATTP dù cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ nhiều năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về ATTP của các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các ngành chức năng cần tuyên truyền, tư vấn người dân để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực sự đi vào cuộc sống.

Bà Vũ Thị Thanh Nga - Trưởng ban Quản lý chợ Tam Kỳ cho biết, đơn vị rất chú trọng giữ gìn trật tự, cái khó là không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm.

“Không thể so sánh chợ truyền thống với siêu thị được, người ta bán mớ rau, mớ cá, ít trái cây qua nhiều trung gian làm sao có thể truy xuất nguồn gốc. Chúng tôi tuyên truyền các tiểu thương nâng cao chất lượng hàng hóa bán tại chợ, nhất là đảm bảo ATTP” - bà Nga nói.

Vào chợ Tam Kỳ dễ nhận thấy nhiều sản phẩm bánh kẹo không có bao bì, nhãn mác, không biết cơ sở sản xuất, không biết hạn sử dụng. Các tiểu thương cho biết, mua hàng về rồi chia nhỏ ra để bán, không thể bố trí nhãn mác, hạn dùng cho mọi gói bánh kẹo bán lẻ.

Ông Trần Bốn - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, qua kiểm tra mới đây, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không cung cấp đủ hồ sơ, thủ tục liên quan; bố trí sắp xếp hàng hóa chưa gọn gàng, nhất là chưa thực hiện vệ sinh định kỳ cho khu vực sản xuất và dụng cụ, trang thiết bị chưa đáp ứng.

“Qua thanh tra, kiểm tra 8 cơ sở thì có đến 5 cơ sở vi phạm ATTP, chúng tôi vừa xử phạt vừa nhắc nhở và yêu cầu tiêu hủy sản phẩm hết hạn sử dụng” - ông Bốn nói.

Còn ông Lương Viết Tịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATTP mới đây phát hiện 24/39 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đáp ứng quy định, xử phạt hơn 50 triệu đồng, tiêu hủy tại chỗ nhiều hàng hóa là sữa, cà phê, nước mắm, mì tôm, bột bánh xèo…

Cao điểm kiểm soát

Ông Trần Bốn cho biết, để giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đi vào nền nếp, đơn vị đã phối hợp với các cấp hội nông dân, phụ nữ tổ chức 20 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP ở các địa phương, qua đó tạo chuyển biến nhận thức và giúp các cơ sở đầu tư bài bản hơn trong thời gian đến.

Buổi tọa đàm về vai trò của phụ nữ với ATTP ở huyện Đại Lộc đã đem lại kết quả tích cực, các ngành chức năng, chính quyền, các hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn trong tuyên truyền, giám sát, xử lý về ATTP.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sôi động hơn vào những ngày này. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Sản xuất, kinh doanh thực phẩm sôi động hơn vào những ngày này. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“Trong thời gian tới, chúng tôi triển khai các chuỗi ATTP đối với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP Quảng Nam. Qua thực hiện phần mềm dữ liệu ATTP sắp tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng liên tục cập nhật sản phẩm, hàng hóa để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Một nhiệm vụ nữa là quản lý các công bố sản phẩm và kiểm nghiệm chất lượng các sản phẩm OCOP” - ông Bốn nói.

Theo ông Lương Viết Tịnh, kiểm tra, kiểm soát ATTP đặt ra cấp thiết hơn vào dịp cuối năm, tết đến. Ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng phổ biến trong dịp tết như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, chả; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cơ sở sản xuất thực phẩm truyền thống.

“Lực lượng quản lý thị trường đặc biệt chú trọng kiểm tra, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP ở các địa bàn, nhất là các chợ đầu mối để bảo vệ người tiêu dùng và ổn định thị trường” - ông Tịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Siết chặt quản lý an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO