Thăng Bình nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi

VIỆT QUANG 03/02/2023 09:55

Tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thăng Bình đã phát huy hiệu quả, giúp người dân phát triển kinh tế; tuy nhiên hiện công tác cho vay vốn vẫn còn nhiều bất cập.

Người dân xã Bình Nam phát triển kinh tế nhờ vào tín dụng chính sách.
Người dân xã Bình Nam phát triển kinh tế nhờ vào tín dụng chính sách.

Tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Thăng Bình ở thời điểm này hơn 702 tỷ đồng. Nguồn vốn chủ yếu được ủy thác đến các hội, đoàn thể như nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên để cho vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (tổ TK&VV).

Bà Tăng Thị Lang - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phương Tân (xã Bình Nam, Thăng Bình) cho biết, từ nguồn vốn vay gần 2 tỷ đồng, các hộ vay vốn trên địa bàn đã đầu tư nhiều mô hình kinh tế như nuôi tôm thẻ chân trắng, bán hàng tạp hóa, buôn bán nhỏ, khai thác hải sản, nuôi cá trong lồng bè...

“Sinh kế từ vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Vốn chính sách cũng giúp người dân đảm bảo an sinh qua đầu tư thiết bị học tập cho con cái, đầu tư các công trình nước sạch, xây mới và sửa chữa nhà ở…” - bà Lang cho biết.

Theo ông Phạm Quốc Doãn Trường - cán bộ phụ trách tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thăng Bình, thời gian qua nhu cầu vay vốn ưu đãi của người dân trên địa bàn tăng cao, tuy nhiên nguồn vốn chưa đáp ứng.

Nguyên nhân là sau đại dịch Covid-19, người dân rất cần vốn để làm ăn, nhất là mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Ở các địa phương bãi ngang ven biển, người dân không còn được vay vốn ưu đãi theo chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.

Đáng nói hơn, công tác xét duyệt cho vay vẫn còn bất cập; việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội chưa chặt chẽ. Vẫn còn tình trạng nợ quá hạn lâu ngày, tình trạng hộ vay vốn chây ỳ trả nợ. Nợ quá hạn của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Thăng Bình đang là 407 triệu đồng (tỷ lệ 0,06% so tổng dư nợ, cao hơn bình quân chung toàn tỉnh là 0,04%).

Để triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, từ đầu năm nay lãnh đạo huyện đã yêu cầu Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tham mưu xây dựng kế hoạch giám sát năm 2023; căn cứ nguồn vốn được giao tham mưu UBND huyện phân bổ cho các xã, thị trấn để giải ngân kịp thời. Về huy động vốn, tập trung huy động hộ vay vốn gửi tiết kiệm qua tổ, huy động vốn trong dân cư.

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói: “Phải củng cố hoạt động của các tổ TK&VV, phấn đấu đưa dư nợ bình quân hơn 2 tỷ đồng/tổ; xử lý nợ quá hạn, nợ đến hạn hiệu quả để nâng chất lượng tín dụng chính sách”.

Ngoài ra, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Thăng Bình giao trách nhiệm chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn quản lý tốt vốn chính sách trên địa bàn; chỉ đạo các hội, đoàn thể, các thôn, tổ khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân để giải ngân, ưu tiên cho vay giải quyết việc làm.

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát ở các thôn; thường xuyên tham gia giao ban tại điểm giao dịch xã để quản lý, điều hành tốt hơn nguồn vốn ưu đãi vì phát triển kinh tế của người dân, góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO