Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Tăng cường kiểm soát từ các tuyến

XUÂN HIỀN 22/04/2022 12:33

Chọn chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình mới”, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15.4 - 15.5) vừa được triển khai rộng rãi.

Các sản phẩm chủ lực của tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP. Ảnh: X.H
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP. Ảnh: X.H

Nhiều khó khăn

Tại hội nghị trực tuyến triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) vừa diễn ra, nhiều khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát thực hiện ATTP tại các địa phương được nêu ra.

Ông Nguyễn Ba - Trưởng phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, tại TP.Tam Kỳ cán bộ chuyên trách về lĩnh vực quản lý ATTP tại địa phương đang thiếu người nên công tác quản lý còn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể điều kiện về trang thiết bị, xét nghiệm để phục vụ công tác kiểm tra ở xã, phường hầu như chưa được phân bổ.

“Thức ăn đường phố khó kiểm soát, quản lý vì không có địa điểm kinh doanh ổn định, như các xe đẩy lưu động. Cùng với đó, hiện nay các dịch vụ nấu ăn lưu động tại đám cưới, tiệc... rất khó kiểm soát về chất lượng thực phẩm.

Việc xử lý sau kiểm tra có lúc không kịp thời, thiếu kiên quyết làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra về ATTP. Các cơ sở thực phẩm trên địa bàn thành phố chủ yếu nhỏ lẻ và phân tán rộng, trong khi đó đội ngũ cán bộ chuyên trách ATTP từ thành phố đến xã, phường còn ít và kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được triển khai mạnh mẽ” - ông Nguyễn Ba nói.

Kiểm soát nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở sản xuất là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: X.H
Kiểm soát nguyên liệu đầu vào từ các cơ sở sản xuất là điều cần thiết hiện nay. Ảnh: X.H

Đây cũng là vấn đề mà các ngành ở cấp tỉnh quan tâm. Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết kinh phí vận hành các hoạt động kiểm soát, quản lý ATTP hiện rất ít. “Để nâng cao trách nhiệm đảm bảo ATTP, ngoài vai trò của người sản xuất cần tạo điều kiện đảm bảo cho người quản lý.

Ngoài ra, tôi nhận thấy hiện các sản phẩm rượu thủ công vẫn chưa được các địa phương quan tâm. Đây là lĩnh vực các địa phương cần tăng cường con người giám sát, nhắc nhở và động viên người sản xuất đáp ứng các yêu cầu về sản xuất sạch” - ông Hường Văn Minh nói.

Trong năm 2021, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 người, trong đó có 1 người tử vong.

Ông Nguyễn Đây - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP nhìn nhận, nhân lực làm công tác ATTP tại các tuyến còn thiếu, việc xử lý ngộ độc nhiều khi không lấy được mẫu thức ăn lưu, do đó việc xác định nguyên nhân ngộ độc rất khó.

Ngoài ra, vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hóa chất bảo quản trong nông sản thực phẩm như rau, quả, thịt gia súc gia cầm, hải sản vẫn còn nhiều khoảng trống chưa kiểm soát được.

Việc chế biến thực phẩm do trình độ, quy mô ở tỉnh đa số là chế biến tự phát, thủ công, hộ gia đình, cá thể nên điều kiện đảm bảo ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như chưa đạt yêu cầu. Ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng chưa cao…

Xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp

Ông Huỳnh Thuận - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong Tháng hành động vì ATTP, các hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ được tổ chức thường xuyên. Trong đó, đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, loại hình phục vụ cho nhiều người như bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn tập thể, cơ sở nấu ăn lưu động... sẽ được tăng cường kiểm tra.

“Ngành y tế sẽ thiết lập hệ thống giám sát ô nhiễm thực phẩm tại các tuyến, chủ động phối hợp với các ngành liên quan giám sát các chỉ tiêu ATTP đối với những sản phẩm chủ lực của tỉnh cũng như triển khai những biện pháp can thiệp phù hợp và kịp thời” - ông Huỳnh Thuận nói.

Các sản phẩm chủ lực của tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP. Ảnh: X.H
Các sản phẩm chủ lực của tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP. Ảnh: X.H

Bảo đảm ATTP là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Năm 2022, Quảng Nam đặt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái.

Do vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, công tác ATTP càng cần được chú trọng để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho nhân dân trong tỉnh cũng như có cơ hội để mở rộng thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Theo ông Tân, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cải cách thủ tục hành chính trong quản lý ATTP và cần thiết xây dựng hệ thống quản lý ATTP khoa học, chuyên nghiệp từ tuyến xã, tuyến huyện và tỉnh.

“Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo phát triển các vùng sản xuất an toàn, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm thủy sản an toàn. Thực hiện nghiêm túc Quy định phân công, phân cấp và phối hợp quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trong quản lý nhà nước. Hạn chế thấp nhất số vụ ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng.

Quản lý chặt chẽ tình trạng hoạt động quảng cáo thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Không để tình trạng quảng cáo trái pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm: Tăng cường kiểm soát từ các tuyến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO