Thích ứng với thương mại điện tử

VINH ANH - LÊ QUÂN 05/09/2021 06:47

Theo các báo cáo đánh giá, thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam liên tục tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tại Quảng Nam, với quyết tâm “nhanh gọn” trong lộ trình chuyển đổi số (CĐS), các sở ngành, địa phương đã tạo nhiều điều kiện rất thuận lợi về hạ tầng để xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường sản phẩm đặc trưng thông qua kênh TMĐT…

XU HƯỚNG TRỰC TUYẾN

Từ sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, xu hướng trực tuyến trở nên phổ biến, không chỉ trong trao đổi công việc, học tập… mà cả việc mua bán hàng đều trở nên thuận lợi hơn.

Ngày nay, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm trực tuyến chỉ với một vài thao tác trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Ảnh: A.Q
Ngày nay, người tiêu dùng dễ dàng mua sắm trực tuyến chỉ với một vài thao tác trên điện thoại thông minh hoặc máy tính. Ảnh: A.Q
Nở rộ mua sắm online

Sau hai ngày đặt hàng tại ứng dụng Lazada, chị Hoàng Oanh (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đã có một chiếc ghế ăn tiện dụng cho con gái của mình. “Tôi là tín đồ của trang mua sắm này. Hầu như các sản phẩm gia dụng, thời trang, thậm chí những đồ dùng cho bé tôi cũng đặt mua online” - chị Hoàng Oanh nói.

Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam 2021 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) dẫn báo cáo TMĐT Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, cho biết: năm 2020 TMĐT Việt Nam tăng 16% và đạt quy mô hơn 14 tỷ USD. Trong đó lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%; gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%; tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%; riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%. Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020 - 2025 là 29% và đến năm 2025 quy mô TMĐT nước ta đạt 52 tỷ USD.

Mua sắm trực tuyến đã không còn xa lạ và ngày càng được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ. Hình thức này ngày càng nở rộ, đặc biệt khi dịch Covid-19 bùng phát.

Anh Tú (nhân viên giao hàng của dịch vụ GHN) cho biết, không phải chỉ có các sản phẩm từ những thành phố lớn, ngay cả các cửa hàng tại địa phương cũng đang đẩy mạnh bán hàng qua kênh online. Lượng hàng nhận và giao tại TP.Tam Kỳ gần đây tăng lên đáng kể, sau khi các thành phố lớn có lệnh giãn cách.

Chị Trịnh Kim Hoàng (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Từ khi có yêu cầu không tụ tập nơi đông người, nhà nào ở nhà đó nhằm phòng chống dịch bệnh thì việc mua sắm hàng ngày của tôi cũng thay đổi theo, từ trực tiếp sang trực tuyến.

Bây giờ tôi chỉ cần ngồi tại nhà, lựa chọn mặt hàng mình muốn mua trên các trang của Co.opMart, Big C hay ứng dụng Shipping Men, chờ thanh toán và chờ nhận hàng. Trước đây ít sử dụng thì thấy bất tiện, nhưng càng dùng nhiều, càng thấy sự tiện lợi của dịch vụ này”.

Tăng trưởng ấn tượng

Với doanh nghiệp (DN), việc tiếp cận TMĐT là một trong những giải pháp tốt nhất nhằm tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Duy Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Bảo Trân cho biết, ngày nay khi tất cả chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh đều tăng cao (từ mặt bằng, nhân sự, chi phí quản lý, logistics…), nếu DN không áp dụng công nghệ thì sức cạnh tranh sẽ giảm sút.

Nhận thấy điều đó, nhiều năm qua, Bảo Trân đã áp dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất kinh doanh. Đặc biệt DN đã tận dụng triệt để lợi thế công nghệ để triển khai bán hàng trên các ứng dụng online và trang TMĐT. Điều này đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhờ tiết giảm nhiều chi phí về thuê mặt bằng, nhân công...

Theo Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 4104 ngày 18.11.2016 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, đến nay TMĐT đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, có 90% DN sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch, trao đổi thông tin; 10% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm; 20% DN tham gia các website TMĐT để mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN; 40% cơ sở kinh doanh các lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng. Hạ tầng phục vụ TMĐT được quan tâm đầu tư nhằm từng bước tiếp cận và khai thác việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hướng đến thị trường rộng lớn cả nước và thế giới.

LOAY HOAY LÊN SÀN   

Cơ hội kinh doanh, tiêu dùng online đang là tiềm năng cần khai phá. Tuy nhiên, làm gì để DN, hộ sản xuất tại Quảng Nam không còn loay hoay với chuyện... lên sàn, là việc cần được quan tâm.

 

Kinh nghiệm... lên sàn

Ông Võ Duy Nghĩa - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông dược xanh Tiên Phước cho biết, khi là nhà cung cấp bán hàng trên sàn Postmart, HTX đã có thêm kênh phân phối hàng hóa hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả bởi lượng khách hàng phủ rộng.

Theo ông Nghĩa, lợi thế của sàn Postmart.vn là mạng lưới trải rộng đến từng thôn, xã, hàng hóa được vận chuyển nhanh lại bảo đảm an toàn. “Sử dụng dịch vụ của VNPost, HTX không mất nhiều thời gian để đem hàng đi gửi mà nhân viên của VNPost đến tận nơi để lấy hàng, sau đó giao tận tay cho khách” - ông Nghĩa nói.

Nhận định mỗi kênh mua bán sẽ có các tiềm năng và rủi ro khác nhau, ông Phạm Văn Huệ - Giám đốc HTX Sản xuất dầu thực vật Bảo Tâm (TP.Tam Kỳ) cho biết, các kênh TMĐT hiện nay rất đa dạng và phân chia theo nhiều phân khúc về chất lượng, uy tín, điều kiện mua - bán - thanh toán, nhập hàng - gửi hàng… tương tự như các phân khúc chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi – siêu thị mini, siêu thị, đại siêu thị.

“Việc hiểu rõ đặc tính cụ thể của từng kênh TMĐT sẽ giúp người bán lựa chọn được kênh bán hàng phù hợp. Sản phẩm được bán tới thị trường toàn quốc, do vậy, số lượng người bán trên đó rất lớn và mức độ cạnh tranh cũng rất cao.

Hiện nay, hầu hết sàn TMĐT đều hỗ trợ tối đa người bán trong việc đăng ký gian hàng trên đó cũng như đăng ký sản phẩm để bán. Các công cụ, phương thức tăng doanh số bán hàng được các sàn hỗ trợ. Tuy nhiên, không thể cứ đăng sản phẩm lên đó nghĩa là bán được hàng, mà đòi hỏi người bán phải hiểu rõ các chính sách của sàn, có kiến thức về TMĐT, về sản phẩm, xu hướng tiêu dùng” - ông Huệ nói.

Đẩy mạnh cung cấp  dịch vụ

Theo Nghị quyết số 13 ngày 20.7.2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch, mục tiêu được đặt ra đến năm 2025 đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% dân số thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT; đến năm 2030 đạt 75% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 70% dân số thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT.

Để phát triển TMĐT hiệu quả, Sở Công Thương cho biết, bên cạnh các sàn TMĐT lớn đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam như Lazada, Tiki, Sendo, Shoppee..., tỉnh đã triển khai xây dựng, nâng cấp sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ www.quangnamtrade.com.vn do Sở Công Thương chủ trì nhằm xây dựng một môi trường giao dịch trực tuyến cho cộng đồng DN của tỉnh. Đến nay có hơn 100 DN tham gia sàn giao dịch TMĐT của tỉnh.

Ngoài việc nâng cấp sàn TMĐT Quảng Nam, cần đến sự kết nối cung - cầu giữa DN, hộ sản xuất, các sản phẩm OCOP Quảng Nam, cơ sở làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, kể cả kết nối cung cầu hàng hóa giữa các DN trong, ngoài tỉnh và nước ngoài. Điều này đòi hỏi câu chuyện phát triển kinh tế số ở khu vực nông nghiệp nông thôn cần được quan tâm, ngoài tiếp cận công nghệ còn phải mở rộng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua kênh phân phối mới, hiện đại, trên nền tảng số…

QUẢNG BÁ VÀ TIẾP CẬN

Phát triển TMĐT trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Đại diện lãnh đạo tỉnh và nhiều sở ngành, DN chia sẻ những ý kiến nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua kênh TMĐT.

Hạ tầng logistics là mắt xích quan trọng trong phát triển thương mại điện tử. Ảnh: A.Q
Hạ tầng logistics là mắt xích quan trọng trong phát triển thương mại điện tử. Ảnh: A.Q

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Nâng tầm thương hiệu sâm Ngọc Linh qua TMĐT

Hiện Quảng Nam có 206 sản phẩm OCOP, theo dự kiến đến 2025 sẽ tăng thêm khoảng 500 sản phẩm. Do đó, khi làm việc với Công ty CP FPT về chuyển đổi số gần đây, chúng tôi mong muốn sàn TMĐT Sendo của FPT sẽ có kế hoạch hỗ trợ Quảng Nam đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT qua đầu mối Sở NN&PTNT.

Đặc biệt, Quảng Nam đặt kỳ vọng thông qua sàn TMĐT Sendo, các kênh TMĐT khác sẽ tập trung hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ mạnh các sản phẩm dược liệu sâm Ngọc Linh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh lớn mạnh, trở thành sản phẩm dẫn dắt cho nền nông nghiệp của Quảng Nam nói chung và các sản phẩm dược liệu nói riêng.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT: Xúc tiến đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn

Thực hiện Kế hoạch triển khai Quyết định số 1043 của Bộ TT-TT về việc đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) lên sàn TMĐT, Sở TT-TT sẽ phối hợp với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện theo các nội dung: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các chủ thể cung cấp sản phẩm nâng cao nhận thức về TMĐT. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo tập huấn các kỹ năng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT như cách truy nhập, đăng ký tài khoản và thanh toán trực tuyến; thực hiện quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hộ SXNN tác nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn TMĐT.

Ngoài ra, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón, vật tư... có thương hiệu.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ: Nâng tỷ lệ người dân thanh toán điện tử

Hiện nay, nhiều hộ gia đình, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố có sử dụng tài khoản TMĐT và thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng tỷ lệ sử dụng vẫn còn rất thấp.

Tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân vẫn còn; việc đăng ký tài khoản thanh toán điện tử hiện nay thủ tục vẫn còn rườm rà, chưa có sự chủ động, tích cực trong việc hỗ trợ, tư vấn, cài đặt, phát triển các ứng dụng thanh toán điện tử trong nhân dân, nhất là các hộ kinh doanh, DN, các ngân hàng thương mại, làm ảnh hưởng rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử. Đó là những vấn đề TP.Tam Kỳ hết sức quan tâm và quyết tâm cải thiện trong thời gian đến.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương: Xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu đồng bộ

TMĐT là xu thế tất yếu. Nhất là trong lúc dịch bệnh, chúng ta cần phải kết nối cung cầu và không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngay từ đầu năm, sở đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 13, trong các giải pháp thương mại được đề cập, có câu chuyện thúc đẩy TMĐT.

Nhiệm vụ cụ thể là phải tạo nhận thức cho toàn xã hội để người dân thấy được TMĐT là xu thế tất yếu và là những điều kiện thuận lợi nhất là trong điều kiện dịch bệnh. Chúng tôi sẽ tập trung hướng dẫn và tuyên truyền tiến tới giao dịch phi tiếp xúc, không sử dụng tiền mặt. Đồng thời dự kiến tổ chức hội chợ ảo, hội chợ online từ tháng 11 đến tết để tạo điều kiện cho nhà sản xuất và người dân tiêu thụ sản phẩm.

Trong TMĐT, hiện nhiều DN vẫn còn loay hoay về cách làm, tổ chức như thế nào cho bài bản. Sắp tới, sở sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu một cách đồng bộ và có sự vào cuộc từ của các cấp ngành, của huyện, xã cho đến từng cộng đồng. Cái chính nhất vẫn là làm sao để người dân nhận thức được TMĐT sẽ đem lại lợi ích cho việc kinh doanh. Mục đích cuối cùng là để cho người sản xuất bán được hàng hóa với giá tốt nhất.

KHAI THÁC LỢI THẾ   

Nhìn thấy vai trò quan trọng của TMĐT trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng từ trung ương đến địa phương đang cùng DN, hộ sản xuất, kinh doanh triển khai nhiều giải pháp nhằm tận dụng triệt để lợi thế TMĐT mang lại.

Lượng đơn hàng tăng đột biến trong nhiều thời điểm do dịch bệnh Covid-19 buộc cán bộ, nhân viên Bưu điện Quảng Nam phải tăng ca, kíp; thành lập thêm trung tâm khai thác - vận chuyển dã chiến. Ảnh: A.Q
Lượng đơn hàng tăng đột biến trong nhiều thời điểm do dịch bệnh Covid-19 buộc cán bộ, nhân viên Bưu điện Quảng Nam phải tăng ca, kíp; thành lập thêm trung tâm khai thác - vận chuyển dã chiến. Ảnh: A.Q

Đưa sản phẩm lên sàn

Tại Quảng Nam, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT đang được các ngành, địa phương, DN vào cuộc tích cực. Bà Trần Thị Mai Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - kinh doanh Bưu điện Quảng Nam cho biết, đến nay, đơn vị đã phối hợp với nhà cung cấp đưa 64 sản phẩm OCOP 3, 4 sao và 23 sản phẩm vùng miền lên sàn Postmart.

Song song với đó, đơn vị thường xuyên rà soát sản phẩm của nhà cung cấp nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung nội dung sản phẩm, giá bán, giá khuyến mãi để luôn làm mới trên sàn TMĐT.

“Thời gian đến, Bưu điện tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp đưa 99 sản phẩm OCOP lên sàn Postmart, đồng thời phối hợp ngành chức năng tổ chức tập huấn cho các chủ thể hoạt động trên sàn.

Để khắc phục khó khăn trong quá trình triển khai hỗ trợ hộ kinh doanh, người dân đưa nông sản lên sàn TMĐT, Bưu điện tỉnh sẽ phân công cán bộ, công nhân viên hỗ trợ trực tiếp cho các hộ kinh danh, chủ thể OCOP, hộ sản xuất nông nghiệp… đăng ký tài khoản, mở tài khoản thanh toán, đưa nông sản lên giới thiệu, bán trên sàn Postmart” - bà Phương cho hay.

Theo các chuyên gia, sản lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT hiện còn khiêm tốn. Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), đến nay cả nước có khoảng 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn TMĐT.

Ngày 21.7.2021, Bộ TT-TT ban hành Quyết định 1034 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Với kế hoạch này, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Anh Tuấn cho biết, mục tiêu là cố gắng hết năm 2021, đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, còn dài hạn đưa 12 - 13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể lên các sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và kinh doanh.

Đầu tư hạ tầng TMĐT

TMĐT phát triển, hàng loạt sàn giao dịch điện tử hình thành đã tạo động lực cho DN, người tiêu dùng mua sắm và giao dịch nhiều hơn. Hiện nay số lượng khách hàng truy cập, mua sắm trên các sàn tăng trưởng ấn tượng với khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày. Hạ tầng logistics TMĐT được cho là mắt xích quan trọng trong hệ thống hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Tuy nhiên, theo đánh giá, hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ giao nhận trong chuỗi logistics cho TMĐT hiện nay chưa theo kịp sự phát triển.

Thực trạng này cũng thường xảy ra với địa phương có TMĐT phát triển khiêm tốn như Quảng Nam. Bà Lê Thị Kim Chung - Trưởng phòng Kinh tế nghiệp vụ (Bưu điện Quảng Nam) cho biết, trước sự bùng nổ của TMĐT, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều thời điểm bưu điện “trở tay không kịp” do khối lượng bưu gửi tăng đột biến.

Giữa lúc TP.Đà Nẵng và nhiều địa phương trong tỉnh như thị xã Điện Bàn, Đại Lộc thực hiện giãn cách xã hội, trung bình mỗi ngày Trung tâm Khai thác vận chuyển (Bưu điện Quảng Nam) xử lý khoảng 11 tấn bưu gửi cả chiều đi và đến, với trung bình khoảng 1.000 túi gói/ngày. Trong khi thời điểm bình thường số lượng túi gói đi - đến chỉ khoảng 200 - 250 túi. Phần lớn số bưu gửi phát sinh chủ yếu qua kênh TMĐT.

Không chỉ bố trí tăng ca, kíp, ngày 22.8, Bưu điện tỉnh đã đưa vào hoạt động trung tâm khai thác dã chiến đặt ngay tại tầng trệt tòa nhà Bưu điện tỉnh nhằm san sẻ gánh nặng cho Trung tâm Khai thác - vận chuyển. Trung tâm dã chiến này có nhiệm vụ khai thác bưu gửi nội tỉnh, Trung tâm Khai thác - vận chuyển sẽ tập trung nhiệm vụ khai thác bưu gửi liên tỉnh, đảm bảo làm tốt nhiệm vụ Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam giao là thay cho Trung tâm Kho vận miền Trung trong thời gian TP.Đà Nẵng giãn cách xã hội. Lực lượng hỗ trợ tại trung tâm khai thác dã chiến là cán bộ, công nhân viên khối văn phòng tăng cường.

Để phát triển TMĐT, bên cạnh các giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao năng lực quản lý và đấu tranh chống các hành vi gian lận, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong TMĐT…, việc tăng cường hệ thống hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT bao gồm hạ tầng logistics TMĐT, hạ tầng thanh toán TMĐT là những mắt xích cần tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thích ứng với thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO