Tín dụng chính sách theo Nghị định 28: Kịp thời tiếp sức người dân miền núi

VIỆT NGUYỄN 25/11/2022 08:31

Chưa đầy 3 tháng triển khai chương trình cho vay theo Nghị định 28 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã giải ngân đạt 97,5% vốn bố trí cho năm 2022. Tín dụng ưu đãi đang giúp người dân vùng cao phát triển sinh kế, vươn lên trong cuộc sống.

Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My phát triển trồng rừng gỗ lớn nhờ vốn vay theo Nghị định 28. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Bắc Trà My phát triển trồng rừng gỗ lớn nhờ vốn vay theo Nghị định 28. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Giải ngân vốn nhanh

Được trợ giúp về hồ sơ, thủ tục của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bắc Trà My, gia đình ông Nguyễn Văn Khang (dân tộc Cor, thôn 1, xã Trà Giang) đã được giải ngân 100 triệu đồng vốn vay theo Nghị định 28 để đầu tư trồng 20 nghìn cây keo trên diện tích 5ha vùng đồi núi. Đến thời đểm này, keo trồng của ông Khang sinh trưởng tốt.

“Cây keo rất phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này. Nhiều người dân ở đây trồng keo hiệu quả, 5 năm thu hoạch. Tôi trồng keo theo phương thức rừng gỗ lớn, dự kiến thu hoạch sau 7 năm, tăng thời gian trồng để nâng cao giá trị của cây keo” - ông Khang nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho rằng, cho vay theo Nghị định 28 tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn có nguồn lực để làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Vốn ưu đãi theo Nghị định 28 sẽ từng bước xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Quảng Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến người dân, đồng thời chỉ đạo phòng giao dịch cấp huyện giải ngân kịp thời nguồn vốn.

Bà Nguyễn Thị Thẩn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm & vay vốn thôn 1 (xã Trà Giang) cho biết, trên địa bàn hiện có 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn theo Nghị định 28 với tổng dư nợ 2,2 tỷ đồng.

Hầu hết các hộ vay vốn có cuộc sống khó khăn, trước đây chủ yếu đi làm thuê bằng nghề phát cỏ, dọn rẫy. Nay có nguồn vốn vay đầu tư trồng keo, họ rất quyết tâm, chăm sóc cây trồng rất kỹ.

“Nguồn vốn cho vay theo Nghị định 28 đã trở thành “bà đỡ” giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Vốn vay 100 triệu đồng, thời hạn 7 năm trả nợ gốc, lãi suất chỉ hơn 3%/năm là ưu đãi rất lớn” - bà Thẩn nói.

Ông Nguyễn Dương Quang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Bắc Trà My cho biết, đơn vị được cấp trên phân bổ hơn 11,5 tỷ đồng để triển khai chương trình cho vay theo Nghị định 28. Triển khai từ ngày 29/8 đến nay đã hoàn thành giải ngân 100% vốn.

“Chúng tôi chờ ngân hàng chính sách bố trí vốn năm 2023 để tiếp tục triển khai cho vay theo Nghị định 28. Hiện nay mới cho vay chuyển đổi nghề, sang năm dự kiến sẽ mở rộng thêm” - ông Quang nói.

Triển khai đồng bộ

Ông Hoàng Thanh Lân - Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng (Ngân hàng CSXH Quảng Nam) cho biết, tổng nguồn vốn trung ương phân bổ để Ngân hàng CSXH Quảng Nam triển khai cho vay theo Nghị định 28 trong năm 2022 là hơn 46 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân hơn 45 tỷ đồng (đạt 97,5%).

Cho vay theo Nghị định 28 gồm 5 chương trình là cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề; cải tạo, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ đất sản xuất; cho vay phát triển vùng trồng dược liệu quý và hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa triển khai cho vay theo chuỗi và trồng dược liệu vì còn chờ UBND tỉnh phê duyệt.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Bắc Trà My giải ngân vốn vay theo Nghị định 28 đến người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Bắc Trà My giải ngân vốn vay theo Nghị định 28 đến người dân. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ở huyện miền núi Nam Trà My, đến nay có 140 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề với doanh số hơn 7,6 tỷ đồng; 21 hộ được vay hỗ trợ đất sản xuất với doanh số hơn 1 tỷ đồng. Tổng dư nợ triển khai cho vay theo Nghị định 28 ở Nam Trà My là 8,7 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My nói: “Huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển vùng trồng dược liệu nên dự kiến sẽ triển khai thêm chương trình này sau khi UBND tỉnh phê duyệt”.

Ở các huyện vùng cao Đông Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức có nhiều “ngôi nhà 28” khang trang được ngươi dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng nhờ vào vốn tích lũy và vốn vay theo Nghị định 28. Ở Đông Giang là 24 hộ vay, Hiệp Đức có 8 hộ, Phước Sơn có 90 hộ; tổng dư nợ cho vay cải tạo, sửa chữa nhà ở gần 11 tỷ đồng.

Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho biết, cho vay theo Nghị định 28 được triển khai hiệu quả, thiết thực trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này. Để thực hiện đồng bộ, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của trung ương, đơn vị đã khẩn trương tham mưu Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, các huyện miền núi đồng loạt tổ chức triển khai, thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng chính sách theo Nghị định 28: Kịp thời tiếp sức người dân miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO