Tín dụng chính sách xã hội: Kích thích người nghèo vươn lên

VIỆT NGUYỄN 05/01/2023 10:02

Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam vừa tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, chính sách. Trong 20 năm qua, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu về tín dụng chính sách như xây dựng mô hình đặc thù, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn; huy động kịp thời các nguồn lực; triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi…

Hộ nghèo ở huyện Bắc Trà My tiếp cận vốn chính sách phát triển kinh tế rừng hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Hộ nghèo ở huyện Bắc Trà My tiếp cận vốn chính sách phát triển kinh tế rừng hiệu quả, thoát nghèo bền vững. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Quản trị đặc thù, phù hợp

Tín dụng chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam 20 năm qua cho thấy mô hình quản trị có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, gắn kết công tác chuyên môn với triển khai các cơ chế chính sách và giám sát trực tiếp, toàn diện tín dụng cho người nghèo, chính sách.

Vốn CSXH đã giúp gần 163 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho gần 124 nghìn học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; giúp cho 93 nghìn học sinh, sinh viên ra trường có việc làm ổn định; xây dựng hơn 253 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh, hơn 19 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo, hơn 1,2 nghìn căn nhà ở xã hội. Tín dụng CSXH góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 từ 12,9% xuống còn 4,4%; góp sức xây dựng nông thôn mới với 118 xã được công nhận đạt chuẩn.

Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng CSXH cấp tỉnh, cấp huyện do Phó Chủ tịch UBND làm trưởng ban; các thành viên là lãnh đạo Ngân hàng CSXH, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội.

Riêng đối với Ban đại diện HĐQT cấp huyện, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung thành phần là Chủ tịch UBND cấp xã nhằm tăng thêm vai trò quản lý nhà nước trực tiếp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở.

Ngân hàng CSXH Quảng Nam đã ủy thác các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng đối với người nghèo, hộ chính sách; vận động thành lập, quản lý, kiểm tra, giám sát cho vay, quản lý vốn của các tổ tiết kiệm và vay vốn để nâng cao chất lượng tín dụng… Phương thức ủy thác đã phát huy những ưu thế của tổ chức chính trị - xã hội với mạng lưới, cán bộ có mặt ở tất cả các xã, thôn, bản, làng, gần dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam đánh giá, thông qua hoạt động ủy thác, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã vận động, làm thay đổi nhận thức của người nghèo, chính sách. Thay vì trông chờ hỗ trợ vào Nhà nước, họ đã chủ động vay vốn đầu tư sản xuất và thực hiện trách nhiệm trả nợ khi đến hạn.

“Hoạt động ủy thác đã đưa vốn tín dụng CSXH đến các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, quy mô rộng lớn, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ. Đây là hướng đi sáng tạo, phù hợp, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội” - ông Trần Anh Tuấn nói.

Hiệu quả lớn

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, Đảng bộ tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế phải gắn với an sinh xã hội, giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từ đó đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Đảng bộ các cấp tập trung mọi nguồn lực để ủy thác đến Ngân hàng CSXH tỉnh, huyện cho vay ưu đãi đến người nghèo, chính sách. Từ 2 chương trình tín dụng CSXH ban đầu, trong 20 năm qua tỉnh triển khai 19 chương trình với tổng dư nợ đạt 6.399 tỷ đồng.

Vốn ưu đãi được Ngân hàng CSXH Quảng Nam đưa đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vốn ưu đãi được Ngân hàng CSXH Quảng Nam đưa đến người dân vùng đồng bào dân tộc thiếu số và miền núi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, tín dụng CSXH ở Quảng Nam đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo, chính sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, chính sách được nâng lên; tạo chuyển biến mạnh mẽ tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tín dụng CSXH góp phần xây dựng khối đại đoàn kết tại cộng đồng dân cư, tập hợp quần chúng, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng, nhất là giúp chính quyền gần dân hơn, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng.

“Tín dụng CSXH được thực hiện thông qua Ngân hàng CSXH Quảng Nam cho thấy đây là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo, chính sách có điều kiện vay vốn làm kinh tế tốt, vươn lên trong cuộc sống” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Về triển khai tín dụng CSXH trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn theo Chỉ thị số 40-CT/ TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặc biệt là quán triệt về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở.

Quảng Nam đề xuất Trung ương cân đối bố trí nguồn vốn phù hợp giúp tỉnh thực hiện tốt tín dụng CSXH liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình tín dụng mới; xem xét cho vay với hộ có mức sống trung bình; xem xét nâng mức cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; nâng mức cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng chính sách xã hội: Kích thích người nghèo vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO