Tín dụng tăng trưởng cùng kinh tế phục hồi

VIỆT NGUYỄN 22/04/2022 10:29

Đẩy vốn ra thị trường giúp kinh tế phục hồi, tín dụng đã có đà tăng trưởng khá mạnh ở thời điểm này.

Vietcombank Quảng Nam áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, góp phần đưa vốn đến người dân, DN. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Vietcombank Quảng Nam áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng, góp phần đưa vốn đến người dân, DN. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Tập trung vốn để phục hồi kinh tế

Trong quý 1.2022, bức tranh kinh tế - xã hội của Quảng Nam có nhiều chuyển biến nhờ chính sách mở cửa, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh. Dòng vốn của các tổ chức tín dụng lưu thông mạnh trên thị trường.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, dù lãi suất thấp nhưng các ngân hàng thương mại mạnh dạn đưa tín dụng chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, tính đến hết tháng 3, cho vay nông nghiệp, nông thôn có dư nợ 24.000 tỷ đồng, xuất khẩu 1.300 tỷ đồng, DN vừa và nhỏ 15.200 tỷ đồng, cho vay công nghiệp hỗ trợ 2.170 tỷ đồng.

“Nguồn vốn ngân hàng đã chảy mạnh vào các DN, người sản xuất, kinh doanh. Từ nay đến cuối năm, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vốn cho DN, đặc biệt là hỗ trợ những DN gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên” - ông Phạm Trọng, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam nói.

Cùng với triển khai nhiều chương trình khuyến mãi và điều chỉnh lãi suất huy động, tổng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng thương mại ở Quảng Nam đến quý 1.2022 đạt 64.451 tỷ đồng, tăng 3,54% so đầu năm, tăng 9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm 76,47% trong tổng nguồn vốn, tiền gửi thanh toán chiếm 22,74%, tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu chiếm 0,0,79% tổng nguồn.

Ông Huỳnh Văn Phong - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nấm công nghệ cao miền Trung (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc, Tam Kỳ) cho biết, từ nguồn vốn vay 500 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam, HTX đã đầu tư mạnh cho sản xuất sạch các loại nấm bào ngư, linh chi, lim xanh. Đến nay, các sản phẩm nấm đã đạt OCOP 4 sao, có thị trường rộng mở ở nhiều tỉnh, thành.

“Vốn vay của các tổ chức tín dụng là nguồn lực lớn giúp các DN, HTX làm ăn. Tín dụng càng khẳng định vai trò khi giúp các DN, HTX vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Kinh tế phục hồi, du lịch hồi phục càng giúp quá trình khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN thuận lợi hơn” - ông Phong nói.

Các ngân hàng cũng tiếp tục hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thông qua cơ chế quy định tại Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp.

Đó cũng là đòn bẩy duy trì, ổn định và tăng năng lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, tổng giá trị nợ được các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi là 4.624 tỷ đồng cho 1.588 khách hàng. Đến nay, doanh số cho vay mới đạt 55.097 tỷ đồng cho 7.048 khách hàng còn dư nợ.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh trong quý 1.2022 đạt 89.562 tỷ đồng, tăng 4,75% so với đầu năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ. Theo đại diện Vietcombank Quảng Nam, ngân hàng chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát quy mô tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.

Nguyên tắc hoạt động của ngân hàng là tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của tỉnh, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Tính chung toàn hệ thống ngân hàng ở Quảng Nam, đến cuối quý 1, tổng nợ xấu là 403 tỷ đồng (tỷ trọng 0,46% tổng dư nợ, tăng 4,9% so với đầu năm). Nợ xấu tăng do khách hàng gặp khó khăn về tài chính vì ảnh hưởng của dịch Covid, doanh thu giảm sút, không có khả năng trả nợ đối với những khoản vay đến hạn.

Nợ xấu phát sinh làm tăng chi phí trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng. Tuy nhiên, nhìn chung chất lượng tín dụng vẫn đang được kiểm soát tốt, đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa hỗ trợ DN, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế, đồng thời bám sát vào chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ.

Về phía Quảng Nam, ông Phạm Trọng cho biết, tín dụng trong quý 2.2022 sẽ hướng vào hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát. “Mấu chốt của hoạt động ngân hàng trên địa bàn là tăng trưởng tín dụng lành mạnh” - ông Phạm Trọng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tín dụng tăng trưởng cùng kinh tế phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO