(QNO) - Ngày 11/12, Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, thương mại toàn cầu trong năm nay sẽ giảm 2.000 tỷ USD so với năm ngoái.
Thống kê của UNCTAD thể hiện hoạt động thương mại toàn cầu giảm trong quý IV/2023, cho thấy những thách thức vẫn còn tồn tại.
Ước tính kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2023 đạt xấp xỉ 30.700 tỷ USD, giảm khoảng 5% - tương đương 1.500 tỷ USD so với mức năm 2022.
So với năm ngoái, thương mại hàng hóa giảm gần 2.000 tỷ USD - mức giảm 8% nhưng thương mại dịch vụ tăng 500 tỷ USD - mức tăng 7%.
Như vậy, thương mại toàn cầu tăng trưởng âm kể từ giữa năm 2022, phần lớn do thương mại hàng hóa sụt giảm đáng kể và tiếp tục giảm trong 3 quý đầu năm 2023. Ngược lại, thương mại dịch vụ cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn và vẫn tăng trưởng tích cực trong cùng thời kỳ.
UNCTAD lý giải, thương mại toàn cầu trải qua sự suy giảm trong suốt năm 2023 chủ yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm, xuất khẩu kém hiệu quả ở một số nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và giá hàng hóa giảm. Những yếu tố này cùng góp phần dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong thương mại hàng hóa.
Năm nay, giá của nhiều hàng hoá giảm xuống sau khi tăng cao do ảnh hưởng của lạm phát trong năm ngoái, một trong nguyên nhân khiến giá trị thương mại hàng hóa toàn cầu giảm.
Nhìn chung, sự suy giảm thương mại toàn cầu gần đây rõ ràng hơn đối với các nước đang phát triển. Trên cơ sở hằng năm, nhập khẩu của các nước đang phát triển giảm trung bình 6% và xuất khẩu giảm trung bình 7%.
UNCTAD viết, dù tổng giá trị giao dịch giảm, khối lượng hàng hoá trong thương mại toàn cầu năm nay vẫn tăng nhẹ, phản ánh sự vững vàng của nhu cầu đối với các sản phẩm nhập khẩu trên toàn cầu.
Trước đó, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhận định, tình trạng suy giảm thương mại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và nhiều mặt hàng, đặc biệt là sắt, thép, thiết bị văn phòng, viễn thông, các sản phẩm ngành dệt may. Sự sụt giảm về thương mại có thể làm giảm mức sống của người dân trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước nghèo.
UNCTAD dự báo triển vọng thương mại toàn cầu năm 2024 vẫn bấp bênh. Trong khi một vài chỉ số kinh tế cho thấy những tín hiệu cải thiện, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và sự bất ổn kinh tế lan rộng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.
UNCTAD dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc xuống 2,4% trong năm nay, từ mức 3% vào năm 2022, do mức nợ cao ở nhiều nước và quá trình phục hồi không đồng đều ở thời kỳ hậu COVID-19. Xu hướng này sẽ kéo dài năm 2024.