(QNO) - Giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa toàn cầu đạt 5.600 tỷ USD trong quý III.2021, lập kỷ lục tăng trưởng theo quý, dù diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia và khu vực.
Trong công bố ngày 30.11, Cơ quan Phát triển và thương mại của Liên hiệp quốc (UNCTAD) cho biết, thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu sẽ đạt 28 nghìn tỷ USD trong năm nay, tăng 23% so với năm 2020 và 11% so với mức trước đại dịch Covid-19.
Thương mại toàn cầu phục hồi mạnh mẽ chủ yếu nhờ vào hàng loạt quốc gia trên thế giới nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19, các chính phủ tung ra nhiều gói kích thích kinh tế quy mô lớn, gia tăng giá cả hàng hóa, nhất là nguyên liệu thô.
UNCTAD đánh giá, thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 5.600 tỷ USD trong quý III.2021 là một kỷ lục mới mọi thời đại, trong khi dịch vụ ở mức khoảng 1.500 tỷ USD.
Trong số lĩnh vực sản xuất, các sản phẩm liên quan đến năng lượng tăng trưởng mạnh nhất, do nhu cầu cao và giá nhiên liệu hóa thạch tăng khiến chi phí vận chuyển tăng theo chiều hướng xoắn ốc và góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Việc gián đoạn hàng hóa ở các chuỗi cung ứng lớn có thể tiếp tục diễn ra trong năm tới, thậm chí có thể định hình lại dòng chảy thương mại thế giới.
Ngoài ra, hoạt động thương mại ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu, như ngành công nghiệp ô tô và điện tử.
Quý III.2021, dòng chảy thương mại tiếp tục tăng mạnh hơn đối với các nước đang phát triển so với các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng thương mại của Ấn Độ tăng nhanh trong quý III đối với cả hàng hóa và dịch vụ, trong khi của Trung Quốc tương đối ổn định.
UNCTAD cũng lưu ý rằng, nhiều nền kinh tế, bao gồm cả các nền kinh tế ở Liên minh châu Âu tiếp tục đối mặt với sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng trong năm tới.
Tương tự, những nỗ lực hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn về mặt xã hội và môi trường cũng có thể ảnh hưởng đến thương mại quốc tế, bằng cách hạn chế các sản phẩm có mức khí thải CO2 cao.
Trong thời gian còn lại của năm nay, UNCTAD đã dự báo tăng trưởng thương mại hàng hóa chậm hơn nhưng xu hướng tích cực hơn đối với dịch vụ. Dù vậy, tăng trưởng thương mại toàn cầu cho năm 2022 không chắc chắn.
Bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, sự bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin ngừa Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm sự phân hóa về mặt kinh tế giữa các khu vực trên thế giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng 5,6%, tốc độ phục hồi nhanh nhất từ bất kỳ cuộc suy thoái toàn cầu nào trong vòng 80 năm qua. Nhưng thế giới tiếp tục vật lộn với Covid-19, đặc biệt các biến thể nguy hiểm mới xuất hiện có thể là rào cản cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.