Ngành thương nghiệp – dịch vụ của Tam Kỳ từng có một thời rất sôi động với chợ Vạn và nhiều hiệu buôn nằm dọc đoạn quốc lộ mà đến nay một số vẫn còn nguyên thương hiệu.
Trang quảng cáo cho một số nhà buôn ở Tam Kỳ vào tháng 7 năm 1970 trên một đặc san địa phương. Ảnh: PHÚ BÌNH |
Từ tư liệu xưa về chợ Vạn
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776 đã gọi vùng chợ Vạn Tam Kỳ (gần chợ chính Tam Kỳ - ở chỗ giáp hai phường Hòa Hương và Phước Hòa, TP.Tam Kỳ hiện nay) là Bàn Thạch man. Man này là một trong 19 man trực thuộc một đơn vị hành chính tập trung nhiều dân cư buôn bán có tên là “Thương nhân hội tân thuộc”. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi chú về chợ Vạn Tam Kỳ như sau: “Chợ Tam Kỳ ở huyện Hà Đông, tục gọi là chợ Man”. Đây là khu trung tâm buôn bán của huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn.
Tư liệu chữ nho hiện còn ở địa phương cho biết khu chợ Vạn được lập từ đầu thời Tây Sơn (1778 - 1802) và liên tục phát triển mãi về sau. Đến thời vua Thành Thái (1889 - 1907) đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ kiện tụng giữa dân xã Tam Kỳ và dân thôn Tứ Bàn (vốn được tách ra từ xã Tam Kỳ không lâu trước đó) về quyền sở hữu ngôi chợ này. Dân xã Tam Kỳ đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh chợ Vạn là do cha ông họ tạo dựng. Dân thôn Tứ Bàn cũng đưa nhiều chứng cứ để phản bác. Do dân thôn Tứ Bàn có số cơ sở buôn bán ở trong và chung quanh chợ Vạn nhiều hơn và do vị trí ngôi chợ này phần lớn nằm sâu về phần đất thôn Tứ Bàn, chính quyền phủ Tam Kỳ và Tòa Đại lý Pháp tại Tam Kỳ lúc bấy giờ đã báo cáo với Công sứ Pháp ở Hội An. Viên công sứ này, sau khi chỉ thị khám đạc cùng điều tra số dân buôn bán phải chịu thuế, đã quyết định giao hẳn ngôi chợ Vạn cho hào lý thôn Tứ Bàn quản lý, thu và nạp thuế chợ trực tiếp cho phủ đường Tam Kỳ.
Vụ kiện giành chợ nói trên thực sự kết thúc vào năm 1916 (Khải Định nguyên niên) khi sổ bộ ruộng đất thôn Tứ Bàn được xác lập và phê duyệt. Trong cuốn sổ bộ hiện còn lưu này, ngoài 66 tên chủ đất người Việt - đa số là dân buôn - còn có thể thấy tên một số hiệu buôn người Hoa và Minh Hương như Trần Hùng Ký, Quảng Nam Hưng, Lâm Du Chánh, Thành Lợi Ký, Hứa Hữu Sanh, Trình Phước Khang, Lâm Toàn Ký, Phước Xương Lợi, Trần Kiên Hiệp, Đường Đạm Ký, Lý An Nguyên. Đặc biệt, trong sổ này, có tên một cơ sở bán dầu hỏa của người Pháp viết bằng chữ nho là “Câu Đa Quý quan hỏa du sở” (俱多貴官火油所) cùng tên một đơn vị ghi chữ nho là “Tích Nam công ty” (錫南公司). Chưa rõ công ty Tích Nam này là của người Hoa hay người Pháp và buôn bán mặt hàng gì? Còn thấy có tên một chủ đất được ghi là “thầy ký Lai” (柴記來). Ở Tam Kỳ, vào khoảng thập niên 1930, có ông chủ đồn điền chè Đức Phú nổi tiếng (nay là vùng xã Tam Trà, Núi Thành và vùng lòng hồ Phú Ninh) có biệt danh là “Ký Lai” mang hai dòng máu Pháp - Việt. Không rõ “thầy ký Lai” nói trên có phải là ông này?
Đến câu đối và trang quảng cáo
Ở Tam Kỳ xưa, gần cầu Tam Kỳ có vợ chồng ông bà Vĩnh Mậu. Vào cuối thập niên 1930, gia đình này vừa buôn bán tạp hóa vừa sản xuất hai mặt hàng đặc sản là chuối ép sấy khô (bannanes tappeés) và chuối bột (bannanes farines). Hai sản phẩm này đã được chọn trưng bày ở hội chợ năm 1937 tại Huế rồi được chọn trưng bày tại một hội chợ ở Marseille (Pháp) vào cuối năm 1938 và đã giành được Bằng tưởng lệ (Brevet d’invention) tại hội chợ này. Để ghi nhớ việc đó, viên tri phủ Tam Kỳ đương thời đã tặng ông bà Vĩnh Mậu câu đối “Trà cẩm sơn hà phù chánh nghị/ Ba tiêu tâm đức khởi tân tri” (Tạm diễn ý: Uống chén trà mang hương núi sông: sảng khoái bàn điều chính đáng/ Nhấm nháp vị ngọt của trái chuối: biết thêm nhiều điều mới).
Thời kỳ Nhật chiếm Đông Dương, từ khoảng tháng 4 đến tháng 6 năm 1945, vùng chợ Vạn chịu một trận ném bom của máy bay quân Đồng Minh. Để tránh chết chóc và bảo toàn của cải, chủ các hiệu buôn người Hoa ở Tam Kỳ đa số di tản về Hội An. Đến thời Việt Minh, cùng với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, việc buôn bán ở chợ Vạn có phần lắng xuống. Số người Việt ở địa phương vẫn duy trì buôn bán cầm chừng và không tập trung ở chợ Vạn mà tản ra ven quốc lộ.
Sau năm 1954, đội ngũ người buôn bán ở Tam Kỳ được bổ sung thêm lực lượng nhà buôn mới, đó là dân buôn các vùng Điện Bàn, Duy Xuyên tản cư vào Tam Kỳ trong kháng chiến chống Pháp; nay không về quê mà ở lại gầy dựng việc buôn bán trên vùng đất sống tạm lúc tản cư. Họ là những người tháo vát, có tài xoay xở, có tầm nhìn rộng về kinh tế… Cùng với đó là giới tài xế, thợ kim hoàn từ Huế vào Tam Kỳ làm ăn. Cùng với người địa phương, tất cả họ đã mang lại sự khởi sắc cho hoạt động buôn bán và dịch vụ ở Tam Kỳ. Khá nhiều cửa hiệu mọc lên theo chiều dài đường Phan Châu Trinh - cũng là đoạn quốc lộ băng qua thị xã - mà theo mấy trang quảng cáo hiện còn (được đăng vào tháng 7 năm 1970 trong Đặc san Cổ học tỉnh Quảng Tín) có thể kể: các nhà thuốc tây như Thanh Châu, Ngọc Lan, Ngọc Châu; các nhà buôn như Việt Phát, Khải Hoàn, Song Mai, Thành Phát, Nam Thành, Kim Sơn; rồi trà Mai Hạc, nhà may Bảo Toàn, nhà sách Sanh Hưng, nhà ảnh Văn Tôn. Số cơ sở cậy đăng quảng cáo ấy chỉ là một phần nhỏ so với số hiệu buôn và cơ sở làm dịch vụ ở Tam Kỳ vào thời điểm ấy. Danh sách các chủ kinh doanh có đóng góp vào việc xây dựng ngôi Khổng Miếu Tam Kỳ được in trong đặc san nói trên được ghi đến 30 người; trong đó, ngoài các nhà buôn và làm dịch vụ đăng quảng cáo ở trên còn có một số tên một số nhà buôn, mà đến nay nhắc lại, nhiều người Tam Kỳ vẫn còn nhớ như Thống Lợi, Tân Phát Hưng, Phước Thạnh, Phước Thọ, Bảo Hương, Hòa Hòa… Đặc biệt, còn có tên “Lê Nam - Air Việt Nam” mà người Tam Kỳ quen gọi là “hãng Nam Sơn”. Đó là một đại lý bán vé máy bay cho hãng Hàng không dân dụng của miền Nam lúc ấy. Mỗi tuần một hoặc hai chuyến, máy bay Air Việt Nam hạ cánh xuống sân bay Kỳ Nghĩa đưa đón dân Tam Kỳ. Hàng hóa cũng được nhiều nhà buôn địa phương gửi qua đường vận chuyển này.
PHÚ BÌNH