Thương nhau từ thuở hò khoan

PHAN VĂN MINH 07/11/2015 13:15

Hò khoan không phải là một “đặc sản” riêng của xứ Quảng mà xuất hiện hầu khắp địa phương miền Trung và Nam Bộ. Ở Thanh Hóa có hệ thống các làn điệu Hò sông Mã. Quảng Bình có cả một bộ 9 mái Hò Lệ Thủy nổi tiếng xưa nay. Còn ở vùng sông nước Nam Bộ thì khỏi phải bàn. Hò Đồng Tháp không chỉ có ở tỉnh Đồng Tháp mà dường như là một thuộc tính của cả cộng đồng cư dân đồng bằng sông Cửu Long: hò mọi lúc mọi nơi, trò chuyện cũng qua câu hò. Ngoại trừ một số làn điệu có sẵn thường được diễn xướng tập thể với nhịp độ nhanh theo lề lối xướng - xô, phần lớn các điệu hò là những câu hát ứng tác (hát kiến tại, hát bắt quờ) với tiết tấu thong thả, ngân nga tự do; âm điệu, tiết tấu không cố định mà tùy thuộc vào khả năng người hát (hò lơi). Về lời ca, Hò khoan thường sử dụng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát nguyên thể hoặc biến thể, kết hợp với những tiếng “à ơi, hố hợi...” để đưa hơi, giữ nhịp trong khi tìm ý, gieo vần.

Hát hò khoan trên sông - một tour du lịch được Trung tâm VHTT Hội An đưa vào khai thác.
Hát hò khoan trên sông - một tour du lịch được Trung tâm VHTT Hội An đưa vào khai thác. Ảnh: N.K

À... ơi! Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ chớ rượu Hồng Đào chưa nhắm đà say/ Đêm về nằm ngủ gác tay, chớ nơi mô ơn trượng à.../ À ơ...chớ nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta ớ ơ ờ...

Ở làng quê Quảng Nam xưa, hát Hò khoan có thể được tổ chức thành “đám hát” tương tự như hát Quan họ, hát Xoan, hát Trống quân ở miền Bắc hay hát Ví dặm ở Nghệ Tĩnh; cũng có thể xuất hiện dưới hình thức đối đáp trong lao động tạo thành những thể loại “thứ cấp”như hát Giã vôi, hò Đi cấy, hò Giã gạo, hò Chèo thuyền...; kể cả hò Ba lý, hò Đưa linh, hát Vè Vân Tiên... cũng có thể được xem là những kiểu hát Hò khoan.

Về nội dung, Hò khoan Quảng Nam có những mô - típ phổ biến có tên gọi như Hát chào, Hát kết (bạn), Hát nhơn ngãi (Huê tình), Hát hẹn, Hát xa, Hát xạo, Hát ngạo, Hát đố, Hát ghẹo, Hát trách... Về phương thức diễn xướng, do đặc điểm ứng tác nên hát Hò khoan thường mang tính đơn diễn, thể hiện qua những câu đối đáp nối tiếp từng người giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, trong những cuộc hát mang tính “thách thức” giữa các nhóm bạn cũng có sự tham gia của tập thể qua những câu “xô” còn gọi là “hố”, đặc biệt là ở thể loại hò Ba lý. Cho nên dân gian có câu:

Gốc tre khéo nấu cũng ngon
Hò khoan hát dở hố giòn cũng hay.

Trong phạm vi bài này, xin gom nhặt giới thiệu một số câu hát theo những cung bậc tình cảm giao duyên trong một đám hát Hò khoan ở Quảng Nam xưa.

Hát Chào: Theo ký ức các cụ, khi tổ chức một đám hát Hò khoan ở làng người ta thường mời thêm một vài “bọn hát” có tiếng từ làng khác đến tham gia cho lạ giọng, thêm màu sắc. Những khách lạ đó thường mở đầu bằng một đoạn hát chào.

Lời lẽ trong đoạn hát này thường từ tốn, lịch sự, chưa dám trổ những ngón nghề “đấu đá”.

- Người hát: Ông Lê Đình Ba, (Bình Giang, Thăng Bình)

À...ơ... Ở nhà tui đang xắt khoai lang
Tai tui nghe đám hát hò khoan sum vầy
Chớ đi ra sợ mẹ cha ngầy (rầy)
Gắng công tui xắt cho đầy nong khoai
Ra đi chưn bước hẳn hòi
Buông lời tui chào hết từ ngoài chí trong...

Tuy nhiên, nếu nghe bên “bọn hát chủ” có ý “cà khịa” bóng gió thì lập tức “bọn hát khách” cũng không ngần ngại “trả đòn”.

- Người hát: Cụ Sáu Rế (95 tuổi, Bình Phục, Thăng Bình)

Nam: ...Gió phất phơ gió thổi lầu hồng
Trăng trên trời sáng rực, nước dưới sông ngời ngời    
Thuyền ai đem cắm ngoài khơi?
Sóng chao gió giục có hồi lanh đanh...

Nữ:    Bạn chào ta hay chào ai rứa hử?
Sách có câu rằng thục nữ thanh tân
Thượng mã đề kim như hạ mã đề ngân
Biết mấy khi ta gặp bạn, biết mấy lần bạn gặp ta.
Bạn chào ai phải nói cho ra?
Kẻo lòng đây ái ngại vậy mà hồ nghi.

Hát kết: Sau khi “chào” , nếu nhận ra “đối phương” là người đáng tin cậy, hai bên sẽ ướm lời dò ý xin kết bạn bằng những lời lẽ chân tình.

- Người hát: Cụ Sáu Rế

Nam: Em tới đây trước lạ sau quen
Trao mấy lời càng tỏ mặt thuyền quyên anh tài
Hò khoan cho hết đêm dài
Chào người thục nữ chớ chào ai bây chừ?

Nữ:
Bạn chào ta, ta cũng vâng ừ
Ta xin chào lại bạn hiền từ nết na
Chào rồi mời bạn đến nhà
Hỏi thăm quê quán gần xa ít nhiều
Hỏi phụ mẫu nhà tuổi tác bao nhiêu?
Sở sinh sở định đã có chiều mô chưa?
Hay là đang rày kén mai lừa?
Nói cho thiếp biết mà đón đưa đôi lời.

Hát Nhơn ngãi: Từ chỗ “kết” bạn, có khi tình cảm lại trở nên thắm thiết qua những câu hát nồng nàn tỏ ý trao duyên. Các cụ  gọi đó là Hát nhơn ngãi.

Người hát: Cụ Tám Bông ( 87 tuổi, Bình Nguyên Thăng Bình)

- Tay bưng chén cơm, chén đơm chén sớt
Tay cầm đôi đũa, chiếc rớt chiếc nằm
Dẫu mà phụ mẫu có đánh chín chục, một trăm
Đánh rồi cũng ngồi dậy, chí lăm thương bạn hiền
Cổ có mang gông, chưn có đạp lấy xiềng
Nhứt sinh nhì tử em cũng nguyền thành đôi.

Hát xa: Tuy nhiên, những cuộc phải lòng nhau qua câu hát không phải lúc nào cũng thuận chèo mát mái mà nhiều khi loan phượng rẽ cánh lìa đôi. Nếu ngày sau gặp lại trong tình cảnh ai đi đường nấy thì họ đành phải chia tay bằng những câu hát ngậm ngùi, thống thiết.

Người hát: Cụ Sáu Rế
Nam: Nhơn ngãi cách xa nghĩ đà oan ức
Duyên ít tình nhiều sao nỡ dứt tình đi
Chẳng thà hồi xưa đừng quen biết làm chi
Quen biết nhau rồi lại dứt tình đi thêm buồn.
Phải chi đừng biết mặt nhau luôn
Xui chi cho trai biển gái nguồn gặp nhau!

Nữ:    Chẳng thà cậy ba bà Nguyệt lão
Cậy bốn ông Tơ áo đỏ áo xanh
Dẫu mai sau chén bể gương lành
Xe dây chắp múi chỉ mành lại cho
Làm ri đây lỡ hẹn lỡ hò
Lỡ cây da kia còn đó, lỡ con đò còn đây...

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhau từ thuở hò khoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO