“Thương nhớ biền dâu” là tập sách gồm 35 bài viết được chắt lọc từ rất nhiều bài viết trong hơn 20 năm làm báo của nhà báo Huỳnh Phước Lê (hiện công tác tại Trường Đại học Duy Tân - Đà Nẵng) vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Tôi đã đọc hầu hết các bài trong tập sách này từ 5-10 năm trước, khi nhà báo Huỳnh Phước Lê (bút danh Cẩm Châu) đang công tác ở Báo Quảng Nam. Nhưng khi đọc lại trong một chỉnh thể mới, một hình thức xuất bản khác - in sách, tôi có dịp hiểu thêm về anh và cũng hiểu vì sao anh lấy tựa bài viết “Thương nhớ biền dâu” làm tên chung cho tập sách. Gần như suốt mấy chục năm làm báo, anh luôn gắn bó với nông thôn và nông dân xứ Quảng. Anh đi nhiều, viết nhiều, nhưng mảng đề tài chính, mối quan tâm thường trực của anh vẫn là những con người bình dị, những người nông dân chân lấm tay bùn ở làng quê Quảng Nam. Họ rất bình thường mà lấp lánh. Mỗi trang viết của anh cũng bình thường như thế, nhưng lấp lánh, và rất có tình. Đúng như nhà nghiên cứu Tần Hoài Dạ Vũ cảm nhận về “Thương nhớ biền dâu”: “Đem lòng mình ra để đo độ ấm lạnh của cuộc đời gần như là điều bất khả, nhưng Huỳnh Phước Lê, bằng những bài viết tràn đầy trăn trở nhân sinh của mình đã phần nào thể hiện được ý thức liên đới với quê hương, với số phận Con Người, ở mọi ngả đời”.
Trước khi ấn hành tập sách, nhà báo Huỳnh Phước Lê đã lặn lội tìm về những “chốn xưa”, để gặp lại những người cũ, để xem nhân vật của mình bây giờ ra sao. Đó là cái tâm của người làm báo, là sự chỉn chu với nghề, là tinh thần trách nhiệm với từng trang viết, là cái tình của anh đối với nhân vật. Có lẽ nhờ vậy mà tập sách của anh dù tập hợp những bài viết được viết từ những năm 2005-2010 nhưng đến nay vẫn còn tính thời sự. Và nữa, những bài viết ấy của anh không cũ có lẽ còn do cách thể hiện của một nhà báo có nghề, có văn, câu chữ gẫy gọn, mạch lạc, chân thật nhưng mềm mại và lay động...
BẢO LÂM