Trở về sau chuyến đi huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để dự lễ đặt viên đá xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, ông Trần Hòa (62 tuổi, khối phố Long Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) - người cựu binh Hoàng Sa đã trải lòng mình về nỗi nhớ Hoàng Sa.
Ông Hòa (bìa trái) giao lưu tại lễ đặt viên đá xây khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ảnh: LINH PHẠM |
Những ngày ở Hoàng Sa
Tháng 9.1973, ông Hòa lúc đó 21 tuổi, là lính quân y duy nhất, cùng với 34 đồng đội lên đường thực hiện nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa (huyện đảo Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng) với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám và điều trị bệnh cho sĩ quan, binh lính Trung đội Hoàng Sa và các sinh viên khí tượng trên đảo. Xuất phát từ cảng Tiên Sa (TP.Đà Nẵng), trên con tàu Hương Giang 404 của Hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sau 2 ngày, trung đoàn cập đảo Hoàng Sa (thuộc quần đảo Hoàng Sa). Nhiệm vụ của ông Hòa cùng đồng đội tại Hoàng Sa kéo dài từ tháng 9 đến 12.1973. “Lúc bấy giờ, tôi quan sát chưa thấy có sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc. Nhưng sau đó mới biết, tàu chiến Trung Quốc ngụy trang bằng tàu cá” - ông Hòa nhớ lại.
Những ngày ở Hoàng Sa, ông Hòa có 2 kỷ niệm đối với tàu của người Trung Quốc. Lần đầu là bắt tàu Trung Quốc xâm nhập đảo Hoàng Sa trái phép; lần 2, cứu cả một gia đình 3 thế hệ người Trung Quốc. Tháng 9.1973, vài ngày sau khi đến Hoàng Sa, mọi người phát hiện một người Trung Quốc dùng thuyền nhỏ vào chân đảo Hoàng Sa để đánh cá; phía ngoài xa, là chiếc tàu lớn đang thả neo. Phát hiện sự việc, 2 người lính giỏi bơi lội được cử thực hiện nhiệm vụ. Gần đến nơi, sau phát súng chỉ thiên, những người Trung Quốc này giơ tay ra hiệu đầu hàng. Lính VNCH tiếp tục dùng thuyền nhỏ mà người Trung Quốc dùng đánh cá để ra chiếc tàu lớn. Trên tàu lúc này có khoảng 7 người, sau khi khống chế lái tàu, họ tiến hành lục soát. Nhờ vậy mới biết đây thực chất là tàu chiến đội lốt tàu cá, nên đưa tất cả vào đảo. Trên đảo có người bên trung tâm tiên đoán khí tượng biết nói tiếng Trung. Người này nói cho chủ tàu biết là đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam; buộc xin lỗi và cam kết không tái phạm. Trước khi trả tự do cho số người này, lính VNCH dùng tàu Trung Quốc để đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải của Việt Nam.
Phối cảnh khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Ảnh: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam |
Tháng 10.1973, bão nổi lớn đột ngột, từ đảo nhìn ra biển chỉ thấy sóng cuồn cuộn và mây đen vần vũ. Những người lính VNCH phát hiện một tàu cá nhỏ đang quật lộn với bão ở chân đảo Hoàng Sa, bèn ra ứng cứu. Đó là một gia đình 3 thế hệ, gồm 5 người Trung Quốc (gồm đôi vợ chồng già, đôi vợ chồng trẻ và 1 đứa cháu nội), không kịp chạy về đảo Phú Lâm (lúc này đã bị Trung Quốc chiếm giữ) để tránh bão. “Khẩu phần ăn lính đảo đã ít, nay có thêm 5 người, anh em phải san sẻ nhau để nhường cho gia đình ấy. Vài ngày sau bão tan, anh em và cả gia đình họ xúm nhau câu cá ăn. Đồng thời vẫy tay ra hiệu cho tàu Trung Quốc ghé vào cứu cả gia đình họ. Nhưng tàu Trung Quốc không dám vào vì sợ mình bắt. Mười ngày sau, sửa chữa lại thuyền nhỏ xong, gia đình họ ra xa đảo Hoàng Sa thì các tàu cá Trung Quốc mới dám đến cứu” - ông Hòa kể.
Khắc khoải…
Ngày 17.1, tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã diễn ra lễ đặt viên đá, khởi công xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa. Toàn bộ khu tưởng niệm được đặt trên đỉnh núi Thới Lới, phía đông bắc đảo Lý Sơn, có diện tích 1,5 - 2ha, tổng kinh phí dự kiến khoảng 70 tỷ đồng. Khu tưởng niệm có tên “Người mẹ thắp lửa” do KTS. Trần Văn Dũng - Công ty CP Tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín thực hiện, được chọn từ 100 bản vẽ, 5 mô hình, 21 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 21 đơn vị, tập thể và cá nhân tham gia trong cuộc thi phác thảo đồ án thiết kế xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa cách đây một năm, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động. |
Hoàn thành nhiệm vụ, Trung đội Hoàng Sa trở về đất liền. Nào ngờ đâu, mười mấy ngày sau, Trung Quốc gây nên cuộc Hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19.1.1974, khiến dư luận lên án. “Có nào ngờ, chỉ cách đó hơn một tháng, mình còn cứu tàu cá họ. Ở đất liền, mấy anh em buồn rười rượi khi biết đồng đội của mình, dù mới gần nhau vài ba tháng, hy sinh oan uổng. Nên nghe tin mình sẽ mở trận đánh nhằm chiếm lại Hoàng Sa, anh em ai cũng hăng hái đăng ký. Tiếc là kế hoạch đó bị hủy” - ông Hòa cho hay. Những diễn biến sau đó càng khiến nỗi nhớ của ông về Hoàng Sa thêm khắc khoải, nhất là những lần ông nghe tiếng chim cuốc kêu. Hồi mới ra Hoàng Sa, nghe tiếng chim cuốc mà nhớ nhà. Giờ ông ở nhà, nghe tiếng chim cuốc mà thương nhớ dải cát vàng khôn nguôi.
Chuyến đi vừa rồi là lần thứ 2 ông Hòa đặt chân đến quê hương Hải đội Hoàng Sa. Lần đầu, ông đến Lý Sơn cách đây vài năm, theo lời mời của đạo diễn Minh Chuyên ở Đài Truyền hình Việt Nam để thực hiện bộ phim tài liệu về chủ quyền biển đảo. Ông kể lại xúc cảm ngày ấy: “Từng là lính Hoàng Sa, nhưng khi đến Lý Sơn, nhất là tại nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nhìn thấy những hiện vật, những mô hình mà người lính thủy binh dùng để đi Hoàng Sa từ hàng trăm năm trước, tôi không khỏi xúc động và cảm phục sự hy sinh của các bậc tiền nhân. Rồi khi đứng trên núi Thới Lới, nhìn xuống biển, lúc nước đang cạn, thấy rõ từng chân san hô, tôi nhớ đến chân đảo Hoàng Sa”.
Hỏi chuyện đặt viên đá xây dựng khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa, ông Hòa cho đó là việc nên làm, mà đúng ra là phải làm từ lâu. Đó vừa là hành động tri ân tiền nhân, vừa là thể hiện trách nhiệm đối với chủ quyền của đất nước. Phải lưu giữ những hiện vật, những chứng cứ, tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Khu tưởng niệm sau này sẽ trở thành nơi hun đúc tình yêu biển đảo của lớp trẻ. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đối với 2 quần đảo trên. “Thật hợp lý khi khu tưởng niệm được xây ở Lý Sơn. Ra đó mới thấy nhiệm vụ của mình 42 năm trước chẳng là gì so với những mất mát, hy sinh của bao lớp người dân Lý Sơn” - ông Hòa xúc động nói.
XUÂN THỌ