Thương nhớ Huyền Trân

PHÙNG TẤN ĐÔNG 24/01/2017 12:16

(Xuân Đinh Dậu) - Bài ca Huế theo điệu Nam Bình ngợi ca đức hy sinh của công chúa Huyền Trân tương truyền là của ông Võ Chuẩn. Ông vốn người Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), là con Thượng thư Bộ Lễ Võ Liêm. Ông Võ Chuẩn từng giữ chức Tổng đốc Quảng Nam. Bài ca được viết vào những năm 20 thế kỷ XX - lúc đó thành Tỉnh tọa lạc ở Vĩnh Điện hiện nay. Chỉ chừng 20 năm sau, tác giả Võ Chuẩn đã trở thành “vô danh” khi trong bài báo “Huyền Trân công chúa và lời than vãn của bà, phổ theo điệu hát “nam bình”, tác giả Ưng Ân viết trên tạp chí B.A.V.H (Những người bạn cố đô Huế tập 29 – năm 1942) cho rằng, bài hát ấy do bà Huyền Trân tự soạn (?).

Tranh họa Huyền Trân công chúa. Ảnh: Internet
Tranh họa Huyền Trân công chúa. Ảnh: Internet

Đây có lẽ là bài ca hay nhất viết về nỗi niềm một công chúa sắc nước hương trời vì non vì nước mà phải hy sinh xuân sắc với cuộc hôn nhân Chăm - Việt “đổi đất lấy giai nhân” của vua Chế Mân vào năm 1306.

“Nước non nghìn dặm ra đi

Cái tình chi

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô Ly

Đắng cay vì

Đương độ xuân thì

Độ xuân thì

Cái lương duyên hay nợ duyên gì

Má hồng da tuyết

Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết

Vàng lộn theo chì

Khúc ly ca sao còn mường tượng nghe gì

Thấy chim hồng nhạn bay đi

Tình lai láng, bóng dương hoa quỳ

Dặn một lời Mân quân

Nay chuyện đà như nguyện

Đặng vài phân

Tình đem lại mà cân

Đắng cay muôn phần”.

Đã tròn 710 năm kể từ năm “đám cưới Huyền Trân”. Cuộc hôn nhân ấy đã được người đời thêu dệt bao nhiêu là giai thoại. Nổi tiếng nhất là câu chuyện bà có mối tình sâu nặng với vị tướng Trần Khắc Chung. Sau khi vua Chế Mân chết, theo tục lệ Chiêm Thành, bà phải hỏa táng theo. Vì vậy, vua Trần lệnh Trần Khắc Chung nhân cơ hội phía Chiêm “tang sự bối rối”, lén đưa bà về bằng đường biển. Và trong hành trình trở về, tình xưa nghĩa cũ lại nồng nàn. Giai thoại ấy vào thơ, vào kịch, vào những tiểu thuyết lịch sử, được diễn giải như một mối tình duyên trải dâu bể trái ngang, qua khổ tận rồi cam lai với cái kết có hậu như một đền bù tương xứng với đức hy sinh của công chúa Huyền Trân. Thế nhưng giới sử học đã đặt ra nhiều điểm “bất khả” của mối duyên tình ấy cho dù sách sử đã viết. Thứ nhất, về tuổi tác, công chúa và tướng Khắc Chung chênh lệch khá lớn - hơn kém 20 tuổi. Thứ đến, việc “chung chạ” trên thuyền giữa “ba bên bốn mặt” quân binh rất khó xảy ra. Sau rốt, câu chuyện không được bàn thảo gì nữa bởi khi về cố quốc, hoàng hậu Chiêm Thành – công chúa Huyền Trân “xuống tóc đi tu” cho đến khi mất.

Cuộc “đền nợ Ô, Ly” của Huyền Trân được nhiều thi sĩ chạnh lòng. Người viết bài ca Nam Bình dường cũng đã lén gửi vào khúc ca tiếng thở dài thân phận của người dân nhớ nước (vì mất nước); thân phận người trí thức vì sự “sống còn” của thân xác phàm trần - dưới ách thực dân - phải “đành lòng vậy, cầm lòng vậy” mà thốt lên câu “đắng cay vì…”. Năm 1940, nhà thơ Nguyễn Bính viết: “hôm nay là xuân, mai còn xuân/ xuân đã sang đò nhớ cố nhân/ người ở bên kia sông cách trở/ có về Chiêm quốc như Huyền Trân?/ hôm nay là xuân mai còn xuân/ phơi phới mưa sa nhớ cố nhân…” (Nhạc xuân), như đồng nhất thân phận cố nhân của mình với nàng Huyền Trân thuở nọ. Những năm 90 thế kỷ trước,  nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi sông Hương là “con sông huyền thoại”, bởi: “con sông đám cưới Huyền Trân/ bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn/ hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ” (Dòng sông huyền thoại).

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (Bình Định) thì “bức xúc” về sự kiện vua xứ Chà Bàn - Chế Mân “dâng miền Ô, Lý rước nàng vu quy”, nên “tôi mang rượu đến biên thùy/ hắt lên mây trắng biệt ly cả cười”. Và cho dù thân phận thi sĩ không gia sản, gia tài chi cả, chỉ có “bể sông thi phú, trăng trời phong sương”, đành “cắn răng nhường bậc đế vương/ gươm cùn quẳng xuống vệ đường nhân duyên”, nhưng vẫn đưa ra một thề bồi: “thôi nàng hãy tạm nguôi quên/ tôi chàng trai Việt còn trên đời này/ quyết thâu trăm họ về tay/ binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau” (Đám cưới Huyền Trân). Còn nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn bị ám ảnh về “một thuở xanh” của dòng Hương, khi ông viết trong tập bút ký “Lời tạ từ gởi một dòng sông” rằng:  “Thuở Huyền Trân công chúa qua đây, chắc sông cũng xanh như vậy? Vâng, thuở ấy sông đã xanh như bây giờ, như đã xanh từ thuở Việt Thường. Tôi người thư sinh đất Thăng Long theo đám cưới Huyền Trân qua đây giữa một ngày dòng sông bồi hồi son phấn kinh thành…”.

Riêng “thi sĩ đười ươi” xứ Quảng - Bùi Giáng lúc nào cũng thương nhớ Huyền Trân như hằng thương nhớ những bóng dáng “cô em gái núi ”, những “cô em mọi nhỏ”, “nàng con gái” ,“em”… Những em có tên,  những em không tên là “đối tượng trữ tình” trong thơ ông, vì những nhan sắc ấy đã làm ông “chết từ sơ ngộ màu hoa sim ngàn”. Bùi Giáng có bài thơ về Chế Mân, qua đó tôn vinh vẻ đẹp huyền hoặc của Huyền Trân: “Bây giờ tôi rất yêu ngài/ bởi vì ngài rất yêu nàng  Huyền Trân/ yêu từ cổ xuống tới chân/ suốt miền thân thể như gần như xa…”. Khi hỏi về việc sính lễ, thì thi sĩ mượn lời vị vua thưa rằng: “có chi mô, có chi mô/ nàng tuy nhỏ bé mà to bằng trời”; rồi vin vào lẽ vô thường của đời sống mà biện biệt: “trăm năm trong cõi người ta/ thân còn chẳng tiếc lọ là Ô, Ri”. Cuối cùng,  chắc chắn chính là thi sĩ bày tỏ mối tình si “thâm hậu” của kẻ hậu sinh thi sĩ: “riêng công chúa nọ ly kỳ/ là tôi tiếc suốt li bì càn khôn” (Chế Mân).

Một điều cần “giải định kiến”, là lâu nay, do ám ảnh việc phân biệt “kinh - thượng” nên nhiều người cứ khăng khăng câu ca dao “tiếc thay cây quế giữa rừng/ để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo” là thoát thai từ sự kiện Huyền Trân, mà chẳng có một sở cứ khoa học bằng sử liệu, văn liệu nào cả, và suy diễn như thế là quên mất đặc điểm “võ đoán”, “vô danh” của văn học dân gian.

Điệu hát Nam bình ngày nay luôn vang vọng hằng đêm ở những chiếu ca Huế trong nhà, ngoài sân hay trên những con thuyền du lịch dọc sông Hương ở Huế. Hơn bảy thế kỷ đã trôi qua, mảnh đất phía nam châu Hóa xưa, phía nam đèo Hải Vân và những địa phương địa đầu Ô, Lý ngày ấy như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã có những “thực hành văn hóa” để tri ân công đức của bà, như việc Huế đã xây đền thờ bà khá quy mô, ở Đà Nẵng ngành văn hóa đã trùng tu miếu thờ Huyền Trân tại quận Liên Chiểu… Riêng Quảng Nam, nhiều địa phương đã đặt tên đường để lớp hậu sinh biết đến công tích “mở cõi về phương Nam” của cha ông, trong đó có công lớn của bà.

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhớ Huyền Trân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO