Thương nhớ khoai ngào đường

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 13/03/2022 07:04

Cho đến cả khi cha mẹ tôi không còn trên cõi đời này nữa, vị ngọt của món khoai lang ngào đường vẫn còn đâu đây…

Vườn quê. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Vườn quê. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Tôi thì vẫn nói như cha tôi ngày xưa: “Khoai măng khô nấu đường”, nhưng các bạn tôi lại bảo: “Khoai lang măng khô ngào đường mới đúng!”. Thôi thì cách gọi mỗi vùng mỗi khác.

Chỉ có điều cần nói rõ: đó là khoai lang khô, xắt thành những mảnh nhỏ, gọi là khoai măng rồi nấu với đường bát xứ Quảng. Đây là món ăn quen thuộc mùa giáp hạt ở quê tôi…

Ngày ấy, mỗi năm xứ tôi chỉ có hai mùa lúa. Lúa tháng 3 và lúa tháng 8 hàng năm. Sau mùa bão lụt, người ta xuống đồng gieo cấy vụ mùa đến tháng 3 năm sau thì gặt, gọi là lúa tháng 3.

Vụ sau là hè thu như ngày nay, gọi là lúa tháng 8. Khoảng trống giữa tháng 8 đến tháng 3 hàng năm gọi là giáp hạt. Các gia đình nông thôn miền Trung với kinh nghiệm sản xuất của họ, thường trồng nhiều loại hoa màu trong vườn hoặc đất thổ, đất vùng cát để trồng khoai sắn làm lương thực dự phòng.

Chính vì vậy, trong bữa ăn của người dân miền Trung, cả ngoài thời gian giáp hạt, họ cũng khá cần kiệm bằng cách “ghế”, “xáo” hay “hấp” một phần sắn khoai, có thể là đã xắt lát phơi khô hoặc nguyên củ vào với một phần gạo trong mỗi bữa ăn để “tự cân đối” lương thực quanh năm.

Và khoai lang khô xắt măng là một sáng tạo của người nông dân miền Trung để ăn khỏi chán hoặc dùng chế biến ra các món ăn hấp dẫn hơn.

Người nghèo Quảng Ngãi có món khoai măng nấu với đậu đen, thêm ít đường, còn ở Quảng Nam thì món khoai măng nấu hoặc ngào đường bát cũng khá thông dụng cho đến những năm bao cấp mới đây…

Món khoai lang khô ngào đường gợi nhiều ký ức tuổi thơ.
Món khoai lang khô ngào đường gợi nhiều ký ức tuổi thơ.

Thuở ấy, từ những năm 1960 cho đến thời bao cấp, mẹ tôi đi bán gạo xuống vùng cát, khi về trong đôi bầu lại là mắm cái hoặc khoai lang khô xắt măng để dành ăn trong mùa giáp hạt hoặc ăn mỗi buổi sáng.

Tinh mơ, lúc mẹ bận lo cho các em nhỏ, tôi học bài dưới ánh đèn dầu, thì cha đã vào bếp nhen lửa. Ông nấu om nước chè lá bên cạnh cái nồi ba bằng đồng là nồi khoai măng. Khoai lấy từ cái vại sành ra, được rửa sạch trước khi bỏ vào nồi lúp xúp nước.

Khi nồi khoai vừa sôi thì ông luôn tay dùng đũa bếp khuấy đảo. Một bát đường đen được đập ra thành nhiều cục nhỏ lần lượt bỏ vào nồi và một miếng gừng tươi giã nát. Chiếc đũa bếp vẫn khuấy đều cho đường tan ra và thấm vào khoai cho đến khi vừa khô hết nước.

Chiếc nồi ba bằng đồng có lẽ là vật gia bảo từ thời ông nội tôi để lại, phần đáy bầu ra và lớn gấp rưỡi phần thân, có lẽ để có sức chứa lớn hơn nhằm giữ cho nồi không ngã đổ.

Cha tôi kể những năm ông nội đau yếu sau đình chiến 1954, chiếc nồi ấy mỗi bữa chỉ nấu khoai sắn và bỏ riêng một nắm gạo vào bên hông nồi. Lúc dọn ăn thì lấy riêng phần cơm cho người yếu, còn lại là khoai lang hoặc sắn lát chỉ còn dính vài hạt cơm. Trở lại với nồi khoai lang xắt măng ngào đường.

Cha tôi bới ta từng chén, đủ phần cho các con và cha mẹ. Rồi ông ăn vội và uống bát nước chè xanh với điếu thuốc lá quấn trước khi lấy xe đạp chở mẹ đi cùng đôi bầu đi xuống phía chợ. Đám em tôi ăn xong thì tự chơi đùa trong sân nhà, trong lúc tôi ôm vở đi bộ đến trường tiểu học cách đó ba cây số.

Nhưng cái điều đáng nhớ về những bữa ăn sáng bằng khoai lang ngào đường đó chính là vài mẩu đường còn sót lại chưa tan, chúng đã lẩn đâu đó ở hông nồi, nơi mà chiếc đũa bếp không thể đụng tới.

Và có hôm mẩu đường ấy lại vào cái chén phần của tôi. Trời ơi là vị đường thần thánh, nó vẫn như ngọt lịm đến ngày nay, mỗi lần nhớ lại. Với tôi, niềm vui và nỗi buồn chung quanh cái nghèo, gắn liền với những chén khoai măng ngào đường một thời cơ cực, cứ ám ảnh mãi trong trí nhớ của tôi cho đến ngày khôn lớn. Cho đến cả khi cha mẹ tôi không còn trên cõi đời này nữa, vị ngọt ấy vẫn còn đâu đây…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhớ khoai ngào đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO