Thương nhớ miền Tây

NGUYỄN ĐIỆN NAM 02/11/2018 02:42

Miền Tây là định vị vùng hoạt động của những đoàn công tác miền núi, Ban cán sự, Ban Dân tộc, hình thành trong kháng chiến và tồn tại đến ngày nay.

Hôm nay 2.11, tại Nam Trà My khánh thành Bia di tích lịch sử Ban cán sự miền Tây Quảng Nam. Ảnh: TRẦN VĂN TẨN
Hôm nay 2.11, tại Nam Trà My khánh thành Bia di tích lịch sử Ban cán sự miền Tây Quảng Nam. Ảnh: TRẦN VĂN TẨN

Thương nhớ miền Tây là nhớ vùng căn cứ địa trong những năm đánh giặc giữ làng.

Nhớ những bước chân lịch sử in dấu trên đại ngàn Trường Sơn. Nhớ những con người đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hòa xương máu với đồng bào các dân tộc thiểu số…

Phía tây Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trải trên 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh, là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Cơ Tu, Giẻ Triêng, Co, Xê Đăng, Ca Dong… Lưng dựa Trường Sơn, núi rừng hiểm trở, ở đầu nguồn nước, nên miền Tây có vị trí chiến lược mà thời kỳ nào cũng phải quan tâm. Từ tháng 6.1946, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập Phòng Quốc dân thiểu số để định hướng công tác miền núi và dân tộc. Sau nhiều lần đổi tên gọi, rồi hình thành Ban Cán sự miền Tây, Ban Cán sự miền núi, Ban Dân tộc và miền núi, đến Ban Dân tộc… là hành trình lịch sử 72 năm với những dấu ấn khó phai mờ.
Từ bóng tối đến ánh sáng

Ngày xưa cũ, rừng núi thâm u với bóng tối giăng mắc những hủ tục. Trong đó, tục “săn máu”, “trả đầu”, hay quan niệm về những cái “chết xấu”, nạn tảo hôn, mù chữ… làm nên những tiếng thở dài buồn tủi. Rồi đời sống du canh du cư, săn bắt hái lượm, hay đốt rừng làm rẫy, sản xuất tự cung tự cấp, làm cho cái bụng của người miền núi luôn phập phồng lo miếng ăn. Khi giặc giã tràn đến, không những đói cơm lạt muối mà còn thêm cảnh máu đổ đầu rơi càng khiến đồng bào miền núi chìm sâu trong đau thương. Đặc biệt là âm mưu của kẻ thù muốn chia rẽ đoàn kết Kinh - Thượng, chặt đứt “con đường muối” để cô lập vùng căn cứ địa kháng chiến…

Ông Quách Xân (đứng hàng đầu, thứ hai bên trái) cùng cán bộ miền núi luyện tập. ( Ảnh tư liệu)
Ông Quách Xân (đứng hàng đầu, thứ hai bên trái) cùng cán bộ miền núi luyện tập. ( Ảnh tư liệu)

Trước thực trạng đó, sau khi Nha Dân tộc thiểu số ra đời vào tháng 5.1946, Quảng Nam lập ngay các đoàn công tác miền núi và dân tộc, tiếp tục dần định hình tổ chức chuyên trách về công tác này. Trong hai cuộc kháng chiến, cán bộ làm công tác dân tộc đã “3 cùng” để đưa ánh sáng văn hóa lên miền núi, vùng cao. Các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Cái chữ khai minh tri thức, đặc biệt là xây dựng bộ chữ viết của đồng bào Cơ Tu, Ca Dong và truyền bá văn hóa, khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu quê hương, đoàn kết các dân tộc, đánh giặc giữ làng. Từ đó, những người con của núi đã biết đứng lên chống kẻ thù xâm lược, giữ hành lang an toàn cho những đoàn quân cách mạng. Từ đó, những bản làng vùng cao đã trở thành chỗ dựa, nơi đóng chân cả thời kỳ dài của Tỉnh ủy, Liên khu và Quân khu 5 trong cuộc trường chinh kháng chiến. Cũng từ đó, những chiến công đã được lập nên từ Hiên, Giằng, Phước Sơn, Trà My… Ngọn lửa Đồng khởi cũng bắt đầu từ miền núi với khởi nghĩa làng Ông Tía, Hiệp Đức (1960); mùa xuân giải phóng năm 1975 cũng khởi sự từ Trà My, Tiên Phước. Không có núi chở che làm sao có đường dây 559, đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho miền Nam. Không có những già làng, a mế đùm bọc làm sao có được hậu phương khiêng thương, tải đạn, làm đường ra mặt trận...

Mang ơn núi nên đến thời hòa bình chính sách dân tộc vẫn luôn là mục tiêu ưu tiên của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Những chương trình giảm nghèo, hỗ trợ an sinh, định canh định cư, bảo tồn văn hóa, phát triển y tế, giáo dục,… luôn dành những nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Con em miền núi được hỗ trợ học hành, đào tạo lao động. Già làng trưởng bản, nghệ nhân văn hóa được tôn vinh để giữ truyền thống đoàn kết máu thịt của cộng đồng.

Tri ân những ngọn lửa…

Đồng bào miền núi quý lửa và giữ lửa. Bếp lửa mỗi nhà và của làng khơi sáng bao câu chuyện truyền đời. Hẳn kể về một thời kháng chiến sẽ không thể nào quên những con người đã mang ánh sáng đến miền núi.

“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
(Thư Hồ Chủ Tịch gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam, 19.4.1946).

Cán bộ làm công tác dân tộc qua các thời kỳ có hơn 1.100 người (theo kỷ yếu 70 năm của Ban Dân tộc tỉnh), làm sao kể hết bao chuyện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hòa xương máu với đồng bào miền núi? Những cán bộ lãnh đạo đặt nền móng và kế tục sự nghiệp công tác miền núi qua các thời kỳ thường được nhắc đến như Trần Học Giới, Phan Trấp, Trương Chí Cương, Hoàng Trọng Dĩnh, Phan Côn, Vũ Văn Quỳnh, Nguyễn Nhĩ, Hồ Văn Điều, Hồ Văn Reo… Đặc biệt hơn nữa là những đứa con của đồng bằng lên núi được đồng bào miền Tây quý hơn ruột thịt, gắn với nhiều huyền thoại như Quách Xân, Tường Tự, Vũ Văn Đoàn, Trịnh Trâm, Hai Non, Ba Đen, Sáu Do (Phạm Xuân Thâm), Bảy Nùng, Tám Tố... Trong đó, không ít tấm gương hòa mình vào đời sống đồng bào, đã đóng khố, mình trần, “cà răng căng tai”, ăn trầu, để tóc dài, tay cầm đong, lưng đeo tà léc, nói tiếng dân tộc không khác người bản địa.

Lớp lớp cán bộ gắn bó với đồng bào đã khơi dậy ngọn lửa của tình yêu với đất và người miền Tây. Có người góp công khai sáng giáo dục văn hóa, được trọng vọng như thầy Quách Xân (sinh năm 1916), từng là cán bộ tiền khởi nghĩa, suốt hai cuộc kháng chiến đã gắn bó với Tây Nguyên và miền núi Quảng Nam. Nhiều bản làng đồng bào còn nhớ hình ảnh thầy Trợ Xân, anh Bảy Thảo, ông A-xốp, A-ma-hoa. Ông là người có công lớn trong việc phiên âm và biên soạn chữ Cơ Tu, rồi chỉ đạo phát triển thêm chữ Ca Dong, hình thành 2 bản tin Gưng Dưr và Pru Dương (Vùng lên) bằng tiếng dân tộc, đồng thời mở nhiều lớp dạy chữ cho con em đồng bào. Người Cơ Tu đã đặt tên cho ông là Loong A Xơơp, nghĩa là “cây lau” gần gũi bên sông suối, mang biểu tượng thân thuộc và cố kết cộng đồng. Thầy Quách Xân cùng những cán bộ ở Ban cán sự miền Tây đã tuyên truyền giáo dục đồng bào đoàn kết thương yêu nhau, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, xóa nạn “giặc mùa” với tục săn máu, trả đầu. Có người như ông Trịnh Trâm sẵn sàng lấy thân mình làm “con mồi” để một bản làng có máu cúng Giàng trước khi xuất quân đi làm “giặc mùa”, cuối cùng đã thuyết phục được người dân bỏ tục ấy. Câu chuyện ông Trịnh Trâm được đồng bào đặt tên là ông Áp Lò (tiếng Cơ Tu nghĩa là tro bếp), thể hiện tình cảm ấm áp, góp phần giữ bếp lửa yêu thương, đoàn kết.

Tri ân những cán bộ công tác dân tộc và miền núi qua các thời kỳ, công trình Bia di tích lịch sử cách mạng Ban Cán sự miền Tây Quảng Nam đã được dựng lên ở Tắc Pỏ, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, khánh thành hôm nay 2.11. Đó sẽ là nơi lưu dấu ngọn lửa truyền thống yêu nước và cách mạng, là biểu tượng đoàn kết các dân tộc qua hành trình lịch sử từ năm 1946 đến nay.

Còn hơn bia đá bảng vàng là khao khát về nguồn, là nhớ thương và tri ân đồng bào các dân tộc miền núi. Bức tranh miền Tây đã có nhiều khởi sắc, kinh tế khá lên nhiều, nhưng vẫn còn bao lo toan về chuyện giữ rừng, giữ nguồn nước, sắp xếp dân cư ổn định đời sống, đẩy lùi cái nghèo đeo bám, hỗ trợ an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống… Và từ những thế hệ cha anh đi trước, cần ghi nhớ rằng đường lối, chính sách dù có tốt mà không có những cán bộ tốt, hiểu cái bụng đồng bào, ăn ở như anh em với dân làng thì cũng không thể nào thực hiện được. Đội ngũ cán bộ ở miền núi và làm công tác dân tộc ngày nay hãy tri ân lịch sử bằng hành động thiết thực, tiếp tục giúp cho đồng bào được no cơm, ấm áo, làm giàu và sống an vui, đầy nghĩa tình.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhớ miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO