Ông giáo Phạm Úc dân Quế Sơn, dạy học môn Toán, làm hiệu trưởng rồi nghỉ hưu, giờ lại đi viết văn. Ông nói sau khi cuốn sách đầu tiên ra mắt, nghe bạn bè “xúi giục” ông hứng chí làm luôn cuốn “Dưới chân đá Tịnh” toàn chuyện quê mùa, kỷ niệm tuổi thơ và thời đi học. Tưởng rứa là thôi. Ai dè, tuần này ông hẹn tôi cà phê và “thò” cuốn sách mới: Thương nhớ quê nhà (NXB Hội Nhà văn, tháng 9.2018), ngót 200 trang.
Sách Thương nhớ quê nhà. |
Đọc văn Phạm Úc cũng y như nghe anh nói chuyện. Chi tiết, chuyện nọ nối chuyện kia, chân tình, không dứt. Nói theo cách phân biệt Chuyện và Truyện của nhà văn tùy bút Võ Phiến thì ông giáo Phạm Úc chỉ viết chuyện. Kể cả 19 cái “truyện ngắn 100 chữ” ngót 90 trang ở cuối tập Thương nhớ quê nhà, ngắn vậy, nhưng vẫn là những chuyện chớ không phải truyện, không thắt mở, không đột biến. Chỉ như một bắt gặp tình cờ một ai đó trên đường đi, thoáng chốc để suy gẫm. Tôi thích anh viết những câu rất văn mà rất lạ trong những truyện trăm chữ này. Chẳng hạn: “Trong phòng khách, đỏ chót một màu khen thưởng” (Sao đâu); Một tay bán vé số chuyên vào phá các thế cờ tướng bắt gặp trên đường, nhiều người nể, nhưng tối lại, nhìn trần nhà, nghĩ: “Ván cờ đời coi ra không dễ phá!” (Ván cờ đời)… Nếu Phạm Úc cứ viết hẳn các truyện ngắn loại này mà in riêng một tập thì hay hơn!
Phạm Úc có thế mạnh của mình: Chuyện quê! Trong Thương nhớ quê nhà, ông viết liền hai chương đầu về Khoai chà và Phở sắn. Viết rất kỹ, nhiều chi tiết công phu. Nhưng trên hết là nó ẩn trong những câu chữ và cách kể chuyện đặc trưng của mình, ông gửi vào đó những tình cảm sâu đậm của ông với quê hương và những kỷ niệm thắm thiết.
Khoai chà thì bắt đầu từ các giống khoai, cách trồng khoai, cách ăn và tập quán chế biến loại khoai này ở vùng cát, vùng đồi Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn. Thấp thoáng trong chuyện khoai chà vẫn là tình cảm của con người. Người ta tặng nhau vài ký khoai chà khi anh về quê. Đó là tình nghĩa và cũng là nhắc nhớ những kỷ niệm “đẹp và buồn” tuổi thơ ấy chớ không “ăn khoai chà đá mủng” kiểu qua cầu rút ván của thế thái nhân tình. Ăn khoai chà để nhớ đến canh bầu, canh rau muống, muối đậu và bát nước chè xanh thì quả là cái nhớ hơi bị… thâm hậu! Phở sắn mành mành cũng là một đặc sản của những vùng đất nghèo, nay đã vào thị trường và mở ra các hàng quán ở tận phố Đà Nẵng. Nếu không đọc Phạm Úc, tôi cũng chưa hiểu vì sao sợi phở sắn đó có hình tượng như tấm mành mành tre! “Cái món ăn ngó thế mà có hồn. Nó cứ vướng vất đâu đó. Khi nghĩ về làng quê thì nó lại hiện ra mồn một. Rồi nó dẫn dắt ta đi quanh, cuối cùng lại về nơi nó có mặt để ăn một tộ cho đỡ nhớ, cho đã thèm!”. Viết rứa mới là thiệt tình!
Thương nhớ quê nhà có ba phần (không kể truyện 100 chữ) gồm Hương quê - Nết đất, Những bóng hình không phai và Những ngày xưa ấy. Đọc Phạm Úc, tôi còn thấy từ những trang viết của ông có nhiều chi tiết khá hay liên quan đến văn hóa, tập quán, phương thức sản xuất truyền thống và cách cư xử trong thân tộc của người Quảng ở vùng nam Thu Bồn mang sắc thái nhân học và dân tộc học vốn chưa được khai thác. Cho nên ngoài tình cảm của người viết, đây là tập sách mà các nhà nghiên cứu có thể tham khảo!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG