Ai từng ngang qua tuổi học trò, hẳn sẽ nhớ đoạn văn mượt mà và trong veo của Thanh Tịnh, mỗi khi tiết thu chạm ngõ. “Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…”.
Đến trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có gì đó như nỗi nhớ len lén theo gió nhẹ luồn qua vạt áo, ồ thì ra sương thu. Nhưng theo thời gian, không còn con đường làng dài và hẹp nào nữa, không có mẹ dắt tay, không sương thu. Khí trời bảng lảng vẫn còn đó, mà bàn chân rụt rè bước trên con đường “đã quen đi lại lắm lần” như Thanh Tịnh mô tả trong bài “Tôi đi học” hình như tuyệt tích. Lá ngoài đường vẫn rụng nhiều, mây trên trời vẫn bàng bạc, nhưng thứ cảm giác trong sáng nảy nở trong lòng đứa học trò nhỏ như mấy cành hoa tươi nở giữa bầu trời quang đãng… liệu có còn?
Đã vào năm học mới ngót 3 tuần rồi, mà không khí “náo nhiệt” của những ngày dạo phố mua sách vở, dạo tiệm vải chọn đồng phục vẫn chưa vơi bớt. Cặp xách đến lớp mỗi ngày của đám học trò hình như vẫn nặng trĩu phía sau lưng. Mà nào chỉ có mỗi đám trẻ của thế kỷ 21 oằn lưng với sách vở?
Tôi thật không tin vào mắt mình, khi nhìn danh sách dài những thứ cần sắm mà nhà văn J.K.Rowling đành lòng để cho nhân vật Harry Potter phải chuẩn bị để bước vào năm học mới tại Học viện pháp thuật và ma thuật Hogwarts, cho dù cậu ấy là… phù thủy chính hiệu. Để xem: đồng phục cho học sinh năm thứ nhất cả thảy 4 món, sách giáo khoa 8 cuốn, trang thiết bị khác 5 loại. Sau tổng mục mua sắm này, J.K.Rowling viết thêm: Học sinh cũng có thể đem theo một con cú hoặc một con mèo hoặc một con cóc. Lại còn “lưu ý phụ huynh”, rằng học sinh năm thứ nhất không được phép… có cán chổi riêng.
Mỗi năm, cứ vào cuối thu, năm nào cũng thế, những “phụ huynh” như vợ chồng tôi người gò lưng ngồi bao vở sách cho 2 đứa con, người nắn nót viết nhãn. Chả biết sách vở ở đâu ra mà đủ thể loại. Giờ nhác trông dãy “sách giáo khoa” mà cậu nhóc Harry Potter phải theo chân lão Hagrid đến khu phố bí hiểm ở London để mua sắm (ngoài mớ đồng phục và trang thiết bị), mới thấy nỗi khổ không của riêng ai. Sách của Harry Potter nhiều lắm: Thần chú căn bản (lớp 1) của Miranda Goshawk, Lịch sử pháp thuật của Bathilda Bagshot, Lý thuyết pháp thuật của Adelbert Waffling, Hướng dẫn biến hình dành cho người nhập môn của Emeric Switch, Một nghìn thảo dược và nấm mốc có phép thuật của Phyllida Spore, Đề cương phép lạ và độc dược của Arsenius Jigger, Quái vật kỳ thú và nơi tìm ra chúng của Newt Scamander, Những lực lượng hắc ám: Hướng dẫn tự vệ của Quentin Trimble. Đã vào năm học mới thì học sinh bình thường hay phù thủy nhí cũng vất vả như nhau!
May quá, gần đây nhiều trường tiểu học ở Quảng Nam không cho học sinh mang sách vở về nhà, ngoài một vài cuốn có bài tập mới. Đà Nẵng còn “tân kỳ” hơn, khi thí điểm ở vài quận trung tâm chuyện cho học sinh bậc THCS được nghỉ học vào ngày thứ bảy. Cả thập niên nay, “giảm tải” đã là từ khóa quen thuộc nhất mỗi khi thiên hạ nói với nhau về chuyện học hành của trẻ nhỏ. Chiếc ba lô to kềnh trên vai trẻ nhỏ cũng trở thành đề tài của tranh biếm họa. Mỗi buổi đi học không còn nguyên vẹn sự háo hức.
Tôi suýt bật cười khi trang phục của cậu phù thủy nhỏ Potter toàn màu đen (đương nhiên rồi), nào 3 bộ áo chùng thực tập, nón đỉnh nhọn, áo trùm mùa đông…, trong khi cậu bé trong trang văn của Thanh Tịnh cũng hao hao thế, với chiếc áo vải dù đen dài đủ để cậu bé “cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn” trong ngày đầu đi học. Và nữa, lâu nay chúng ta gần như thuộc làu đoạn văn đầu của truyện “Tôi đi học”, nhưng nếu nhớ kỹ hơn, thì ở đoạn sau cậu bé theo chân mẹ lạ lẫm bước vào sân trường Mỹ Lý cũng có… nhắc đến sách vở. Nhưng xem ra, hồi ấy sách vở quá ít. Nhà văn Thanh Tịnh chỉ cho nhân vật của mình mang theo 2 cuốn vở mới trên tay, và cậu nhỏ khi nhìn các bạn khác trạc tuổi trao sách vở cho nhau xem mà háo hức. Chỉ chừng đó thôi, chứ không phải lặt lè túi xách mang sau lưng hay kéo lục khục từ cổng trường vào đến tận phòng học như sắp trẻ bây giờ.
Một cách quyết liệt, nhà khoa học giáo dục - giáo sư Hồ Ngọc Đại từng đưa ra luận điểm “trẻ em là cứu tinh của dân tộc”. ông cũng hình dung phương pháp đào tạo từ mẫu giáo đến tiến sĩ ở nước ta hiện nay đều… giống nhau, và “phương pháp” đó sẽ thủ tiêu sức sống cá nhân. Vậy thì hỡi các vị cứu tinh trẻ, các con không cần cảm nhận sương thu và gió lạnh để viết ra ngay bây giờ theo những bài văn mẫu, đó là chuyện của các nhà văn. Nhưng các con phải được quyền thong dong đến lớp, được quyền “nói không” với sức nặng của sách vở và sức ì của điểm chác. Biết đâu đấy, sau này khi lớn lên, tự nhiên sẽ có lúc các con thấy thèm được nghe cơn gió đâu đó thổi về ngang qua trời thu xanh ngắt, thèm thấy sương thu giăng trắng những cụm cây nhỏ ven đường vào sáng tinh mơ.
Và biết đâu, khi hồi tưởng về thời thơ trẻ, các con sẽ viết dòng chữ ngắn củn nhưng bát ngát một trời kỷ niệm: Thương nhớ sương thu.
HỨA XUYÊN HUỲNH