Thương nhớ tằm tang

HOÀNG THÁI 01/02/2022 08:43

(Xuân Nhâm Dần) -  Chú Út gửi cho một ký tằm. Thế là cuối tuần có tí mồi để tán gẫu với bè bạn. Xào sơ qua với ít dầu, lá chanh, tằm co mình, săn lại; ngồi nhâm nhi với ly rượu dâu ngâm sẽ cảm cái mằn mặn, ngai ngái của vị cần lao… Bỗng quặn cơn đau nhớ làng!

Mô hình trồng dâu - nuôi tằm thương phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Sự
Mô hình trồng dâu - nuôi tằm thương phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm ở xã Duy Châu (Duy Xuyên) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Sự

Cuộc sát hạch cây trồng con vật nuôi qua dặm dài thời gian đã tiễn con tằm ra khỏi thế giới của làng. Chẳng còn đâu những biền dâu xanh ngút mắt. Tiếng cười râm ran bên luống dâu xanh ngắt đã im bặt từ mấy chục năm rồi.

Những đũi, nong, bó rang, kẹp chân chống… đã không còn trong góc nhà; những buồng tằm lẩn khuất ở mé vườn cũng biến mất từ lâu. Tất cả giờ chỉ còn trong chuyện kể của những lão nông ngoài 80 nặng nợ với nghề gia truyền của ông cha. Ba tôi bảo, từ ngày tằm tang dần biến mất, làng chẳng còn hồn vía như xưa.

Không riêng gì làng tôi, những tên gọi mỹ miều, danh tiếng của nghề tằm tang, ươm tơ dệt lụa mà tôi biết như Thi Lai, Mã Châu, Xuân Đài, Bến Đền, Tư Phú… bên bờ nam sông Thu Bồn cũng tàn lụi.

Bao giờ trở lại?

Cách đây mấy năm, ngồi trò chuyện với anh em ở UBND huyện Duy Xuyên mà lòng khấp khởi mừng, làng Lệ Bắc của tôi được ghi tên vào một trong những dự án khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm.

Chính quyền địa phương xem đây là một trong những chương trình trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, nếu khôi phục thành công thì người dân có công ăn việc làm, thu nhập ổn định đồng thời cây dâu sẽ góp phần chống sa bồi, thủy phá vùng ven sông, bảo vệ môi trường sinh thái.

Cũng từng ngao du đây đó, tôi thầm nghĩ, nếu cuộc “phục sinh” này thành công thì cây dâu, con tằm, cái kén sẽ mang về nguồn thu nhờ du lịch chứ chẳng chơi. Điều gì sẽ xảy ra khi trên tỉnh lộ 610, mỗi ngày những chuyến xe dập dìu du khách ngược xuôi Hội An, Đà Nẵng hướng về Mỹ Sơn - Trà Kiệu sẽ dừng chân ghé làng để mục sở thị một nghề truyền thống lâu đời nhứt nhì xứ Quảng, đôi khi dân làng lại kiếm được đô la chứ chẳng chơi. Ấy là tôi trộm nghĩ vậy, còn việc biến ước mơ ấy thành cơm áo gạo tiền thì chắc chắn không chỉ mỗi dân làng làm mà được.

 Ký ức lại lôi tôi về ngày xưa, cái ngày buổi đi học, buổi ra đồng hái dâu bằng mấy đôi giỏ, tính rợ một nong tằm là sẽ cần bao nhiêu giỏ dâu trong một ngày. Bây giờ nghe tính lá dâu bằng đơn vị tấn, tấn tương ứng bao nhiêu hộp trứng, rồi sẽ nuôi được mấy mí tằm trong năm.... thậm chí có thể tính ra ngay được tiền.

Nghe chuyện làm ăn như thế hỏi sao không vui cho được. Thằng em tôi cũng háo hức, dự định soạn sửa lại đồ nghề, nào là kiếm chỗ rèn cái lưỡi mai để đào lỗ trồng dâu, tính toán chặt cái bụi tre đầu hồi để đóng đũi, đan nong.

Người dân Lệ Bắc của tôi hăm hở một cuộc hồi hương… tại làng.

Những hình dung về cuộc hồi sinh nghề trồng dâu nuôi tằm trong tôi lại càng có cơ sở rõ ràng hơn vào năm 2018 khi chính quyền cấp tỉnh ban hành hẳn một “Dự án khôi phục và phát triển nghề dâu tằm và tơ lụa”. Nhiều địa phương dọc sông Thu Bồn và Vu Gia, đổ từ Nông Sơn xuống Đại Lộc, chạy qua Duy Xuyên, ngang Điện Bàn sẽ có dịp hồi sinh nghề truyền thống.

Ngồi trong quán cóc giữa làng, nhâm nhi ly cà phê cùng cựu thôn trưởng Nguyễn Phê - giờ là Giám đốc HTX Nông nghiệp Lệ Bắc. Anh Phê cho biết Công ty Cổ phần Nông lâm An Phú đang liên kết với bà con thực hiện mô hình trồng 13,5ha dâu chuyên canh, có 30 hộ đang hăm hở trở lại nghề nuôi tằm.

Với tôi đây không chỉ là thông tin mà là niềm vui. Tôi bắt đầu mơ mộng, một hôm nào đó về làng sẽ ra đồng hái dâu, rồi giữa khuya nhìn thấy bóng ba tôi lồm cồm thức dậy cho tằm ăn… Rồi lò ươm của cô Chín xóm trên lại đỏ lửa, tôi sẽ không quên ghé lại xin một ít xác nhộng về gỡ, cắn nhẹ để nghe cái mằn mặn như mồ hôi đang tan chậm trên đầu môi…

Con tằm chưa chịu… nhả tơ

Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên khá tự tin về định hướng của huyện nhà. Từ năm 2018 đến nay địa phương đã trồng được 47ha dâu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, có sự tham gia của 5 hợp tác xã. Riêng năm 2019, người làm tằm cũng le lói hy vọng khi kén bán khá được giá, từ 140 - 160 nghìn đồng một ký.

Thế nhưng, ngày vui chẳng tày gang, giọng ông Anh chùng xuống tiếc rẻ: “Ai dè năm 2020 tới nay, con Covid-19 ập tới làm con tằm chết theo”. Theo ông, kén làm ra đã ít lại còn không tiêu thụ được, ngay cả nguồn cung trứng tằm cũng đứt đoạn, dâu đã cuối lứa thì trứng mới về.

Năm 2021, 5 hợp tác xã mà chỉ vỏn vẹn 250 hộp trứng, với đà này khó mà phục sinh nghề của ông bà. Bình quân mỗi hộ tham gia dự án nhận được vài hộp trứng thì làm sao sản xuất hàng hóa, chỉ đủ nuôi tằm lấy thịt, nuôi theo kiểu chạy chợ, bán cho dân nhậu là chính. Một người cả đời sống chết với nghề tằm tơ thốt lên vậy đủ thấy mọi thứ vẫn còn quá ngổn ngang.

Người nuôi tằm đã gặp khó thì nghề dệt cũng chẳng thể thoát ra khỏi ma trận của sợi tơ. Nếu ai về ghé làng Mã Châu nức tiếng một thời sẽ thấy “vận hạn” chưa buông tha xứ lụa. Đại diện Công ty TNHH lụa Mã Châu - ông Trần Hữu Phương trăn trở khi công nhân lâm vào cảnh thất nghiệp dài dài do không đủ nguồn nguyên liệu.

Quả thật, với tình trạng mỗi ngày gom vài chục cân, trong khi công suất dây chuyền ươm tơ muốn bật cầu dao nhà xưởng phải cần đến 2 tấn kén. Đây là lý do đời con tằm dừng lại tại đây mà không thể ráng thêm dăm ba ngày để hóa thành con nhộng chăng? Vâng, làm sao trở thành nhộng khi con tằm đã “quyên sinh” góp phần tạo thu nhập ngay tức thì cho người nông dân vốn thiếu trước hụt sau!

Vĩ thanh

Chiều nay, trong cái rét ngọt cuối đông, nhấm nháp con tằm dèo dẻo nhựa tơ, tôi chợt nghĩ và cảm phục người dân nơi mình chôn nhau cắt rốn. Mấy năm gần đây, những người nhớ nghề vẫn tìm mọi cách để nuôi tằm. Ừ thì không nuôi lấy tơ hãy nuôi tằm thịt, giá bán không hề rẻ chút nào, cả trăm nghìn  đồng một ký tươi - một món ăn dân dã, thấm đậm hương đồng gió nội mà ai đó một lần nếm sẽ khó mà quên.

Ly rượu dâu chao chát lại đưa tâm trí tôi ngược về những năm 80 của thế kỷ trước. Ở năm tháng đó, có thằng bé là tôi theo chân ba mẹ trong những ngày hái dâu từ làng này sang biền khác, men theo dòng Thu Bồn sẽ gặp những miền tơ lụa rực rỡ, ấm áp.

Cho nên ý tưởng của doanh nhân Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam là hoàn toàn có lý khi ước mơ phục hưng một dáng hình xứ sở... Và trong cuộc trở về ấy, tôi gặp lại nội tôi với gương mặt đầy vết chằng níu thời gian ngồi trong bóng chiều lặng lẽ, nhẫn nại, tỉ mẩn chuốt mấy sợi thao càng…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thương nhớ tằm tang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO