Hồi mới về định cư ở Tam Kỳ, theo thói quen, mỗi năm tôi lại tìm lên thôn Ao Lầy, xã Tam Vinh (Phú Ninh) để mua một ít vật dụng bằng tre.
Đây là nơi có truyền thống làm nghề đan tre lâu đời, từ thúng mủng giần sàng đến nong nia phên liếp. Các vật dụng bằng tre của làng nghề này vừa rẻ vừa đẹp, mua về vừa sử dụng cho sinh hoạt hằng ngày vừa để trang trí nhà cửa, để nhắc nhớ về một thời sống ở quê với rất nhiều vật dụng từ tre, bằng tre...
Nhưng từ khi Ao Lầy trở thành một khối phố của thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh), những bờ tre xanh ở đây đã dần biến mất, và nghề đan tre truyền thống cũng không còn mấy người theo. Bây giờ, mỗi khi ngang nơi này, chợt thấy tiếc nhớ mông lung, chợt thấy như mình vừa mất đi một cái gì gụi gần, thân thuộc...
Mà đâu chỉ riêng Ao Lầy. Cơn lốc đô thị hóa và những tính toán thực dụng về giá trị kinh tế đã khiến cho cây tre ở nhiều làng quê bị phá bỏ. Ngay như ở làng tôi, hồi chưa quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, chưa cải tạo đồng ruộng, loại cây được trồng nhiều nhất là tre. Như để cho cái làng nằm giữa đồng khỏi trở nên... chơ vơ, nhà nào cũng trồng tre.
Tre trồng bao quanh vườn, thay cho hàng rào. Tre trồng thành bụi um tùm, tạo nên khoảng không mát rượi bên dưới để làm chuồng gà, chuồng trâu. Tre trồng thành cụm ở đầu ngõ, được tỉa lá dọn gai, tạo hình cẩn thận, bên trên làm thành mái vòm tươm tất, bên dưới làm chỗ chơi đùa cho con trẻ... Ấy là tre riêng của từng nhà. Còn tre chung của cả làng thì được trồng dọc theo trục đường chính chạy từ đầu tới cuối làng; được trồng trên mấy doi đất cao ở rìa làng để phân định ranh giới với làng khác...
Nhưng bây giờ, chính xác là từ 20 năm trước, sau khi được sắp xếp, quy hoạch lại, những hàng tre ken dày ở làng tôi không còn nữa. Không ai trồng tre, mà đúng hơn là không có đất đủ rộng để trồng tre. Khoảng không gian xanh thao thiết, hiền từ, gần gũi của tre chỉ còn trong ký ức... Mỗi khi làm việc gì cần đến tre, người làng tôi lại phải tìm sang các làng bên - nơi tre pheo vẫn còn ít nhiều, để mua. Mà đâu phải lúc nào cũng mua được ngay đâu. Như vụ gặt đông xuân năm nay, khi tính chuyện thay trụ cho cây rơm cũ, người nhà tôi phải mất gần một buổi sang làng bên nài nỉ hết nhà này đến nhà khác mới mua đủ 5 khúc tre gộc mang về.
Làng không còn tre nữa nên mỗi khi đi đâu, nhìn thấy tre xanh là tôi lại cảm thấy nôn nao, nghe chao chát nhớ thương làng cũ một thời. Mấy lần cùng bạn bè văn nghệ đi thuyền ngược sông Thu, ngoài các bãi bắp, đậu xanh mướt, chúng tôi cũng thường “dừng chân” bên những rặng tre ven sông, những bến thuyền nằm chen giữa những hàng tre xanh nghít để hít hà, nhìn ngắm.
Nhiều lần lên chơi làng Đại Bình ở Quế Trung (Nông Sơn), lại thấy nhiều người khác có vẻ cũng... giống mình, bởi sau khi xem hoa ngắm quả thỏa thích ở các khu “vườn Nam Bộ” thì lại ra bến sông ngắm... tre. Tre ở đây đan vào nhau vững chãi nhưng vẫn không quên xõa bóng ra sông làm dáng! Cái sự “làm điệu” ấy của tre tôi cũng từng bắt gặp mỗi khi về xóm Gò thăm người cô ruột. Cái xóm Gò ấy là một ốc đảo nằm giữa một nhánh sông từ Bà Rén chảy xuống, đến bây giờ tre vẫn đang là “đặc sản”: Tre ken dày quanh bốn mặt sông, tre hiện diện trên tất cả con đường trong xóm. Để vào xóm Gò, từ phía Duy Thành (Duy Xuyên) sang hay từ phía Mộc Bài (Quế Phú, Quế Sơn) xuống, phải qua mấy lớp tre mới có thể thấy làng.
Mấy năm gần đây, nhiều xã ven sông Vu Gia và Thu Bồn ở huyện Đại Lộc như Đại Cường, Đại Thạnh, Đại Hòa, Đại Phong, Đại Minh... đã phát động phong trào trồng tre trong nhân dân. Đất bãi bồi giàu phù sa, lại được chăm sóc cẩn thận - “đặc ân” xưa nay chưa từng có đối với cây tre, nên tre ở những nơi này sinh trưởng rất nhanh.
Năm ngoái về ăn giỗ bên nhà ngoại của vợ ở Quảng Đại (Đại Cường), thấy bà con đem gốc tre ra trồng dọc theo mấy đoạn kè đá hộc chống sạt lở và nắn dòng chảy ở đây. Năm nay lại về ăn giỗ, đi dạo ra sông thì đã thấy xanh um, một số lùm tre đã bắt đầu cho bóng mát. Trên trục đường chạy dọc bờ sông từ phía Đại Cường lên Đại Thắng, tre cũ, tre mới chen chúc nhau. Nhiều đoạn, tre đã khép tán, mát rượi, tạo nên khung cảnh nên thơ, lãng mạn, yên bình...
Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội facebook lại thấy có người khoe ảnh selfie được check-in ở một bờ tre nào đó, tôi lại nghe lòng nôn nao, chân lại rục rịch muốn đi. Đi, để được hân hoan khi biết ở một xóm thôn nào đó, tre vẫn còn xanh, tre vẫn được nhân trồng... Đi, để được ngắm nhìn, để thấy tre vẫn đang bền bỉ và lặng lẽ thực hiện sứ mệnh điểm tô cái đẹp thôn dã, gìn làng giữ xóm, dưỡng nuôi ký ức yêu thương...