(QNO) - Sau đợt Covid-19 hoành hành, tôi đã thay đổi suy nghĩ về nồi lá xông, bởi những loại dược liệu từ nồi lá đã tạo sinh lực và giúp tôi có niềm tin diệu kỳ rằng, trong cơn hoang mang những ngày thành phố rệu rã vì bệnh tật, có biết bao người nương tựa vào mớ lá xông…
Những ngày cao điểm dịch bệnh Covid-19, nhóm chúng tôi vẫn miệt mài tham gia công tác xã hội. Mỗi ngày gặp gỡ, tiếp xúc nhiều người, thậm chí rất nhiều lần vào ngay ổ dịch để trao quà, san sẻ khó khăn với đồng bào mình, tưởng chừng rồi sẽ có lúc trở thành F0.
Vậy mà, đến giờ này nhiều người vẫn khỏe mạnh, bình yên. Thật ra, chẳng phải bỗng dưng Covid-19 “chê” tôi và nhóm bạn. Là bởi vì trên xe, chúng tôi luôn treo tòng teng chai xịt khuẩn, là cam, chanh uống đều đặn mỗi ngày, và đặc biệt vài ba hôm lại nấu nồi lá xông.
Chúng tôi ở vùng ven, việc tìm nồi lá xông không khó. Vùng ven TP.Hồ Chí Minh nhiều nhà vườn rộng, người vùng ven giữ thói quen trồng gì thì trồng, nhưng sả, chanh, bưởi, kinh giới, tía tô, hương nhu... vẫn luôn có trong vườn, như một kho thuốc quý, nguồn dược liệu dự trữ vô thời hạn của mỗi gia đình, dễ trồng, an toàn và tiện dụng.
Tôi từng không có thói quen xông lá. Mỗi khi bị cảm là ra tiệm thuốc tây mua vài ngày thuốc về uống. Tôi cho rằng, xông lá vừa không nhanh gọn lẹ như uống thuốc, vừa có chút nghi ngờ về hiệu quả.
Thế nhưng sau đợt Covid-19 oanh tạc mạnh mẽ, tôi đã thay đổi suy nghĩ, bởi vì, những mớ lá xông đã tạo sinh lực cho tôi trong những ngày thành phố rệu rã vì bệnh tật. Trong cơn hoang mang, nó giúp tôi có một niềm tin diệu kỳ, rằng, đợt dịch này có biết bao người nương tựa vào mớ lá xông mà không mắc bệnh, mà thoát chết.
Khanh ơi, tầm này mà chảnh chọe với lá xông thì mi là con người bội bạc. Chẳng phải ông bà cha mẹ cả đời gói niềm tin vào mớ lá xông này, từng gửi thân phận mình vào những nắm dược liệu đủ đầy hương vị hay sao? Mi còn nhớ cái tết năm lên 13, bị cảm dài ngày, đã nhờ những nồi lá xông của mẹ mà lướt bệnh. Những lúc xông, mẹ đứng bên ngoài cái mền màu xanh áo lính mà... nhắc tuồng “Khanh ơi, coi chừng phỏng nước sôi nghe con, nếu nóng quá thì ngồi xích ra nghe con...”. Rồi sau đó, mi được ăn tô cháo trứng với lá tía tô, có rắc ít tiêu, cũng có khi ăn bát cháo hành, rồi nhẹ nhàng lướt qua cơn bệnh.
Lớn lên, xa nhà, nồi lá xông dần nhạt nhòa, thay vào đó là những viên thuốc nhỏ gọn trong lòng bàn tay, chỉ cần cho vào miệng, hớp ngụm nước là khỏi bệnh. Đến khi dịch Covid-19 hoành hành, mớ dược liệu ấy mới “đánh thức” tôi sau hơn 30 năm “ngủ yên”.
Những ngày dịch giã, mỗi tuần tôi xông toàn thân một lần, cách ngày chỉ xông mặt để tránh mồ hôi ra nhiều, mất nước. Hôm nào cảm thấy khang khác trong người, lo sợ nhiễm Covid, liền đi tìm lá xông.
Nồi lá xông vừa chớm sôi, đã tỏa hương thơm quanh căn bếp. Cảm giác thu mình trong chăn, mặt cúi xuống hít bao tinh túy của cây lá, để rồi sau xông, người nhẹ hẫng, dễ chịu vô cùng, đầu bớt đau, mũi bớt nghẹt, tay chân cũng bớt rã rời, và đặc biệt tôi có niềm tin không dễ gì dính Covid, vì đã có mớ lá xông che chở.
Có phải khi con người ta “có tuổi”, mới biết trân quý những giá trị xưa cũ, còn năm tháng tuổi trẻ cứ hồn nhiên với những “cái tôi”, những chủ quan, sự bất cần? Để hôm nay, khi mùa xuân ban cho tuổi mới, tôi nhận ra chung quanh mình biết bao những giá trị ngày cũ tưởng chừng sắp khai tử, vẫn có chỗ đứng trong thời hiện đại với những biến đổi chóng mặt.
Tôi đang sinh sống ở một huyện ngoại thành TP.Hồ Chí Minh, nơi đất đãi người, cho lá hoa tơ mượt. Những chanh, sả, bưởi, tía tô, kinh giới, hương nhu vườn nhà nào cũng mướt mờ. Còn xứ tôi đất đai cằn cỗi, những cây thuộc họ lá xông khép nép dọc hàng rào, nhưng mùi thơm đặc biệt, một mùi thơm rất... dược liệu.
Chừng như bao ân tình cây lá rút ruột để chữa lành những ngày cơ thể con người bị mệt mỏi vì nhiều tác động. Thương lắm những ngày Sài Gòn bệnh. Thương lắm những nồi lá xông từng hòa nhịp vào bản hòa tấu cứu người.