Du lịch và ẩm thực có lẽ không thể tách rời. Đi du lịch vừa khám phá vùng đất, tìm hiểu văn hóa và cũng là cơ hội để thưởng thức món ngon của nơi mình đến.
Tôi mặc định rằng, đến địa phương nào, là cố gắng thưởng thức cho được đặc sản của địa phương đó, dù có thể không hợp với khẩu vị của mình. Kiểu như bạn bè phương xa tới Quảng Nam thì nhất định mình phải đãi mỳ Quảng vậy; hoặc đến Tam Kỳ thì không thể không ăn cơm gà; đến Hội An thì phải nếm thử cao lầu.
Chẳng hạn với mỳ Quảng, trứ danh là vậy, người Quảng quê mình có thể ăn trừ cơm, đi xa nhà đều nhớ về mỳ Quảng, nhưng mỳ Quảng chưa hẳn hợp khẩu vị với người nơi khác, dù ai đến Quảng Nam cũng mong ít nhất một lần được ăn tô mỳ.
Nhớ có lần tôi đãi người bạn ở Hà Nội tô mỳ Quảng nhà làm, bạn khen ngon nhưng vẫn xin thêm chút nước nhưn và chiếc thìa (muỗng) và bạn đề nghị giải thích vì sao ăn mỳ Quảng thì không dùng muỗng. Đơn giản là nhưn mỳ Quảng ít nước, đậm vị, vừa đủ đẫm vị cho sợi mỳ và rau sống, không nhiều nước lèo như phở, bún, hủ tiếu.
Hôm tháng 3 vừa rồi, chúng tôi được mời ăn gỏi lá ở quán Út Cưng nằm trên đường Trần Cao Vân khi đến Kon Tum. “Chưa ăn gỏi lá, chưa đến Kon Tum”, có lẽ vì vậy nên quán khá đông khách.
Gọi là “gỏi lá”, nhưng thực ra đây là món cuốn bằng lá (thay vì cuốn với bánh tráng như ở xứ Quảng quê mình) cùng với thịt luộc, tôm, bì (da) trộn thính và nước chấm sền sệt, màu vàng bắt mắt, được chưng từ giấm, bột gạo nếp, thịt, trứng, tôm và một số gia vị khác.
Cô chủ quán hướng dẫn khách cuốn, vừa quảng bá gỏi lá rất tốt cho sức khỏe vì tất cả loại lá làm món này đều có vị thuốc. Nhưng phải tới tháng Tư, thì các loại lá rừng mới phong phú, với hơn 50 loại, trong đó có những loại lá dường như chỉ có ở vùng cao nguyên như lá tơ-nuy, lá bửa, lá tram…; còn thời điểm chúng tôi đến, đĩa gỏi lá chủ yếu là những loại quen thuộc: cải cay, lá mơ, đinh lăng, sung, tía tô, các loại rau thơm.
Khi dừng chân ở tỉnh Ninh Bình trong chuyến ngược phương Bắc mới đây, chúng tôi có dịp được thưởng thức dê núi với cả chục món: giò dê hầm thuốc bắc, dồi dê, dê hấp, dê nướng tảng, dê tái chanh…
Sở dĩ dê núi Ninh Bình rất đặc trưng so với dê các vùng miền khác và nằm trong tốp 50 món ăn đặc sản người Việt Nam, theo lời giải thích của người bạn ở đây là, “Ninh Bình có nhiều núi đá, dê chạy nhảy nhiều nên thịt săn chắc; vùng đất này cũng có nhiều loại thảo dược làm thức ăn cho dê nên thịt dê trở nên thơm ngon hơn”.
Đến các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang…, ngoài gà đồi, gà đen H’Mông, thịt ngựa; thì cá suối chiên và măng rừng luộc hầu như không thể thiếu trong các bữa cơm.
Cá suối cỡ ngón tay cái, đem chiên vàng giòn cùng với lá chanh hoặc lá lốt xắt nhỏ, cứ thế lai rai với rượu men lá hoặc ăn kèm với cơm. Từng ăn cá suối quê mình, nhưng khi thưởng thức món dân dã này ở vùng địa đầu phương Bắc, tôi cảm nhận rõ hương vị núi rừng: cá chiên giòn nhưng vẫn giữ được vị ngọt, xương giòn tan, thịt cá dai, béo và hầu như không nghe mùi tanh.
Người bạn mới quen ở Hà Giang bảo rằng, đó là nhờ cá tươi, người dân bắt ở các khe suối chung quanh, xong mang đến bán cho nhà hàng. Cá suối nhiều xương nên phù hợp làm món nướng hoặc chiên giòn, chấm với mắm ớt.
Cùng với cá suối là măng rừng luộc. Vùng núi rừng Việt Bắc có nhiều loại măng: măng nứa, măng vầu, măng mai… Măng rừng chế biến được khá nhiều món: canh măng, măng xào, măng độn thịt… nhưng để cảm nhận vị đặc trưng của măng, thì ăn măng luộc chấm mẻ là phổ biến nhất. Chúng tôi đến đúng lúc măng vầu đang vào mùa, nhưng vị rất đắng.
Người bạn quê Tuyên Quang bảo: “Măng vầu đầu mùa thường có vị ngọt, hơi nhẫn một chút. Nhưng rất lạ, khi trời có sấm, măng trở nên có vị đắng. Nhưng dù măng ngọt hay đắng thì người dân quê mình cũng rất trân quý, vì đó là món quà dân dã của núi rừng dành cho người nghèo”.