“Thượng tiết kiệm”

KỲ SINH 05/01/2013 16:45

Cơ hội đan xen với thách thức đang song hành “gõ cửa” năm mới 2013, sau khi chứng kiến nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội do áp lực suy giảm kinh tế gây nên. Quãng thời gian ngắn trước khi chạm Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chưa bao giờ thấy yêu cầu “thắt lưng buộc bụng” được đặt ra quyết liệt như lúc này, trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều góc độ. Tiết kiệm vốn là phong tục mà cha ông ta từng xiển dương trong quá khứ, lại càng trở nên phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Nói tiết kiệm là phong tục cũ, bởi từ thời Minh Mạng nhà Nguyễn, đây là điều nhà vua huấn dụ sau rất nhiều trăn trở. Theo sử gia Trần Trọng Kim chép trong “Việt Nam sử lược”, những năm cuối đời vua Minh Mạng lo lắng trước hiện trạng giặc giã nổi lên, phong tục thành ra kiêu bạc, dân sự lắm người cờ bạc rượu chè… bèn soạn ra 10 điều huấn dụ. Trong 10 điều ấy, điều thứ 4 là “Thượng tiết kiệm” (chuộng đường tiết kiệm). Năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân 1836), nhà vua tiếp tục xuống chiếu trách cứ các quan địa phương khi có quan Giám sát ngự sử Bùi Mậu Tiên dâng sớ tâu về tình hình hủ bại phong tục ở các làng ngoài Bắc thành, trong đó có chuyện xa xỉ khi tế lễ quỷ thần, xa hoa trong táng thế…

Yêu cầu thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí được đặt ra từ nhiều năm nay đối với việc thi hành công vụ và bao quát cả các mặt đời sống xã hội. Nếu 10 điều huấn dụ của vua Minh Mạng được sử gia Trần Trọng Kim chép ở mục “Việc sửa phong tục”, thì yêu cầu thực hành tiết kiệm, tránh phô trương hình thức đang triển khai không còn bó hẹp trong các điều khuyến cáo của phong tục nữa mà được soi rọi dưới góc độ trách nhiệm thực thi công vụ. Hằng năm, ở thời điểm đầu năm dương lịch - cuối năm âm lịch, thường nảy sinh nhiều vấn đề cần chỉ đạo điều hành như tổ chức vui xuân an toàn tiết kiệm, chuẩn bị điều kiện chu đáo, đảm bảo an toàn… Nhưng lần đầu tiên, UBND tỉnh ban hành chỉ thị (Chỉ thị 24/CT-UBND, ngày 27.12.2012) trong đó giao trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị xử lý tập thể, cá nhân vi phạm chủ trương tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, chống phô trương hình thức, chống lãng phí khi tổ chức tổng kết năm 2012 và triển khai nhiệm vụ năm 2013, đồng thời chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh khi để xảy ra vi phạm ở địa phương, đơn vị. Yêu cầu này cũng nhằm thực hiện nghiêm chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thủ tướng Chính phủ ban hành trước đó.

Sẽ rơi vào tình trạng “đến hẹn lại lên”, qua loa đại khái và hình thức, nếu tinh thần tiết kiệm (thông qua yêu cầu cụ thể vừa dẫn) không được nhìn nhận một cách đúng mức, không khơi gợi được lòng tự trọng trong mỗi cá nhân khi sử dụng lãng phí của công. Ở góc độ rộng lớn hơn, chính năng lực tự biết cách thu xếp, triệt để tiết giảm chi phí, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cũng sẽ là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay, như Thủ tướng Chính phủ có bài viết phân tích về “6 vấn đề trọng tâm” để tháo gỡ khó khăn trong ngày đầu năm 2013.

Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ khía cạnh phong tục đến  trách nhiệm xã hội, từ tích góp cá nhân đến vực dậy nền kinh tế, ở đâu tinh thần tiết kiệm cũng được đề cao.

KỲ SINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Thượng tiết kiệm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO