Thủy chung với ngành da giày

PHẠM THÔNG 16/10/2013 12:40

Năm 1983, tại địa điểm gần đầu cầu Tam Kỳ, một cơ xưởng mới mọc lên với tấm biển “Nhà máy da Tam Kỳ” đánh dấu ngành công nghiệp da giày đã manh nha hình thành trên mảnh đất thuần nông này - tiền thân của Công ty CP Phước Kỳ Nam hiện nay. Phó Giám đốc nhà máy Nguyễn Văn Hạnh là một trong những người khai sinh ra nó.

Công ty CP Phước Kỳ Nam giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Ảnh: ĐIỆN NGỌC
Công ty CP Phước Kỳ Nam giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Ảnh: ĐIỆN NGỌC

Những bước thăng trầm

Cùng lúc với xây dựng cơ xưởng, Ban giám đốc Nhà máy da Tam Kỳ cử 20 người đi đào tạo nghề, nhập dây chuyền công nghệ của Tiệp Khắc, lập kế hoạch xin mua vật tư.  Đầu năm 1984, nhà máy bắt đầu hoạt động. Vừa làm vừa tự đào tạo, nhà máy đã sản xuất được loại da mềm bán cho các cơ sở đóng giày dép tư nhân, mặt hàng da cứng thì cung cấp cho các nhà máy dệt làm tetke con suốt. Sau 3 năm chỉ đạo sản xuất, ông Hạnh được đề bạt làm giám đốc. Chất lượng sản phẩm của nhà máy cũng dần đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Giám đốc Hạnh mạnh dạn liên kết với Cotimex Đà Nẵng xuất khẩu “da xanh ướt” qua thị trường Hồng Kông, Thái Lan, Đài Loan. Lúc này nhà máy làm ăn khá phát đạt, đời sống công nhân được cải thiện rõ rệt. Đây là giai đoạn hoàng kim nhất của Nhà máy da Tam Kỳ.

Từ năm 1989, cơ chế thị trường đã bắt đầu hình hành, da nội địa bị da nhập khẩu cạnh tranh. Chất lượng da của nhà máy không đáp ứng yêu cầu khách hàng. Vốn tự có quá ít, lãi suất ngân hàng lại tăng vọt, nhà máy không đủ nội lực nên không dám vay để thay đổi công nghệ. Ông Hạnh cố duy trì lực lượng công nhân bằng mức lương tổi thiểu; tranh thủ mọi mối quan hệ vay mượn nguồn tài chính nhàn rỗi từ các công ty, xí nghiệp Trung ương với mức lãi suất 4%. Nguồn vốn đó đã vực dậy nhà máy. Thoát được nút hiểm, lãnh đạo tỉnh ủy cho phép nhà máy nhập tiếp thiết bị hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật, mời chuyên gia Ý sang tập huấn kỹ thuật sản xuất da cao cấp (potcan); tìm đối tác liên doanh xuất khẩu. Trong quá trình tìm kiếm đối tác, ông Hạnh lại gặp may mắn: năm 1992, ông Tăng Thượng Hồng - Giám đốc Tổng công ty Công nghệ thực phẩm miền Nam quyết định cho Nhà máy da Tam Kỳ mượn 1 tỷ đồng để tái cơ cấu sản xuất. Có nguồn vốn lớn, Giám đốc Hạnh lại quyết định nhập dây chuyền mới của Pháp. Lúc này cơ chế thị trường đã phát triển, Nhà máy da Tam Kỳ đề nghị thành lập Công ty da giày Quảng Nam - Đà Nẵng để đủ tầm liên doanh với các đối tác lớn. Từ đó nhà máy duy trì được sản xuất mãi tới thời điểm tỉnh Quảng Nam tái lập.

Sau sự kiện chia tách tỉnh, thị xã  Tam Kỳ (cũ) được quy hoạch bài bản hơn. Nhà máy da Tam Kỳ nằm ở nơi dân cư đông đúc, ảnh hưởng vệ sinh môi trường; mặt khác ngành công nghiệp da khó có triển vọng phát triển, lãnh đạo tỉnh cho chủ trương giải thể nhà máy. Giám đốc Hạnh phải thanh lý tài sản, huy động vốn tự có giải quyết sòng phẳng chế độ đối với 150 cán bộ, công nhân về hưu, nghỉ mất sức và thôi việc. Ông Hạnh cố sức cân đối nguồn vốn tự có cho mọi khâu công việc, nhưng vẫn phải dành lại hơn 400 triệu đồng để chuẩn bị cho đề án phát triển sản xuất mới.

Chọn phương hướng sản xuất phù hợp

Đề án thành lập “Nhà máy giày thể thao xuất khẩu” trực thuộc Sở Công Thương được UBND tỉnh phê duyệt. Để thực hiện dự án, Giám đốc Hạnh phải xin vay 10 tỷ đồng xây dựng cơ xưởng tại Khu công nghiệp Thuận Yên (Tam Kỳ); cử 100 công nhân đi đào tạo; nhập thiết bị máy móc từ các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đầu năm 2001, Nhà máy giày thể thao xuất khẩu bắt đầu hoạt động.

Ban giám đốc đã vận dụng nhiều phương thức kinh doanh. Trong đó có phương thức gia công trọn gói với từng đơn giá cố định. Theo phương thức kinh doanh này thì sự điều hành của Ban giám đốc nhẹ nhàng hơn, nhưng lãi suất của nhà máy có thể biết trước chắc chắn, giúp thu hồi vốn nhanh. Sau 3 năm, nhà máy đã trả được 6 tỷ đồng nợ vay, giải quyết được 1.000 lao động tại chỗ, đóng bảo hiểm đầy đủ... Ưu điểm là vậy, nhưng kinh doanh theo phương thức này khá mạo hiểm.  Đến năm 2006, nhà máy bắt đầu thực hiện chủ trương cổ phần hóa, cùng lúc lại nảy sinh khó khăn. Các đối tác nước ngoài rút hết hợp đồng gia công, bao tiêu sản phẩm. Ban giám đốc phải vừa tổ chức thực hiện cổ phần hóa vừa lo chạy kiếm đối tác liên doanh hầu mong duy trì sản xuất. Rủi ro lại phát sinh - đối tác nước ngoài ký hợp đồng gia công rồi ôm luôn hàng biến mất, chạy nợ hết 6 tỷ đồng, trong khi nhà máy còn nợ ngân hàng 5 tỷ đồng và nhà nước 2,5 tỷ đồng. Sau hai năm (2007 - 2009), ông Hạnh với mọi phương cách, đã đòi trọn vẹn được 6 tỷ đồng tiền nợ. Từ đó nhà máy có được khả năng hoàn vốn ngân hàng.

Và chặng đường mới

Cuối năm 2010, Công ty TNHH Phước Bình từ TP.Hồ Chí Minh tìm đến để liên doanh với Nhà máy giày thể thao xuất khẩu Tam Kỳ. Ông chủ của Công ty Phước Bình là nhà doanh nghiệp mạnh đã mua lại toàn bộ cổ phần của nhà máy cũ với tổng giá trị 7,3 tỷ đồng. Như vậy Giám đốc Hạnh có nguồn để trả cả gốc lẫn lãi số nợ cho ngân hàng và các đối tác khác; thanh toán được cổ phần, cổ tức, bảo hiểm và giải quyết chế độ thôi việc cho công nhân một khi nhà máy cũ chấm dứt hoạt động. Từ năm 2011, Công ty CP Phước Kỳ Nam chính thức ra đời. Điều quan trọng là 200 công nhân đang làm việc cho nhà máy cũ được Công ty Phước Kỳ Nam thu nhận trở lại. Đến thời điểm này, công ty đã tái cơ cấu đầu tư ngay trên mặt bằng cũ với tổng giá trị 120 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động tại chỗ, tăng hàng chục lần năng lực sản xuất. Năm 2013, mới hoạt động dưới 3 năm mà Công ty CP Phước Kỳ Nam đã xuất khẩu được mặt hàng giày đến 52 nước trên thế giới với tổng giá trị 20 triệu USD, gấp 20 lần so với thời điểm cao nhất của nhà máy cũ; mỗi năm trả 100 tỷ đồng tiền lương cho cán bộ, công nhân, nộp 10 tỷ đồng bảo hiểm cho người lao động...

Ông Hạnh là lớp người tốt nghiệp đại học đầu tiên trên đất Tam Kỳ sau ngày giải phóng. Trong hơn phần ba thế kỷ qua, ông giữ trọn thủy chung với cái nghề đã chọn. Ý nghĩa lớn hơn cả là ông đã góp phần rất cụ thể để thay đổi cơ cấu kinh tế trên quê hương Tam Kỳ. Ông tâm sự: “Trên cương vị Phó Giám đốc Công ty CP Phước Kỳ Nam (phụ trách nhân sự), từ bây giờ tôi sẽ cố gắng truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức đã thu nhận được trong quá trình công tác cho cán bộ quản lý trẻ. Đặc biệt, tôi luôn nhắc nhở các em rằng để trở thành doanh nhân thành đạt thì trước hết phải lấy chữ tâm làm đầu, quý trọng giá trị lao động và luôn biết thích nghi với mọi biến động của thị trường...”.

PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủy chung với ngành da giày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO