Thủy điện cần tăng dung tích cắt lũ đầu mùa

TRẦN HỮU 25/08/2017 09:45

Hôm qua 24.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả công tác chuẩn bị đối phó với thiên tai, phối hợp trong quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm 2017. Tại cuộc họp, chính quyền các địa phương vùng hạ du và chủ đầu tư nhà máy thủy điện cho biết đang gấp rút chuẩn bị PCTT, triển khai phương án điều tiết lượng nước trong hồ trước mùa mưa đúng quy định.

Các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn cần phối hợp với các địa phương trong thông báo xả lũ để hạ du chủ động ứng phó.
Các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn cần phối hợp với các địa phương trong thông báo xả lũ để hạ du chủ động ứng phó.

Kiểm tra các trạm cảnh báo lũ

Từ năm 2015 đến nay, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thực hiện ký kết quy chế phối hợp thông tin với ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện vùng hạ du như Nam Giang, Đại Lộc, Phước Sơn, Hiệp Đức, UBND TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, đảm bảo thông tin kịp thời đến các địa phương vùng hạ du khi vận hành xả lũ. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, năm 2017 mới có 3 địa phương là thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Trà My xây dựng kế hoạch PCTT&TKCN. Riêng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập ở hồ chứa thủy lợi mới có huyện Duy Xuyên triển khai. Sở NN&PTNT đang thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt 12 phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập thủy điện. Hiện có 6 nhà máy thủy điện (gồm A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5) thực hiện theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo đúng quy trình của Quyết định số 1537/QĐ-TTg ngày 7.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, công tác phối hợp giữa các chủ đập và địa phương trong vận hành các nhà máy thủy điện mang lại hiệu quả, quản lý tốt an toàn đập. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, việc xây dựng phương án phòng chống lũ lụt ở hạ du còn chậm; chưa tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão theo phương án.

 Chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cho biết, đơn vị đã đầu tư 6 trạm cảnh báo lũ vùng hạ du, cắt cử nhân viên trực tiếp quản lý, khi xảy ra hư hỏng là khắc phục ngay. Thời điểm này, chủ đập đã kiểm tra, quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn hồ đập, bảo dưỡng sửa chữa toàn bộ thiết bị, công trình liên quan đến công tác vận hành chống lũ; bảo trì máy phát diesel dự phòng tại nhà máy, cửa nhận nước và đập tràn cũng như lưới điện nội bộ tại các khu vực.  Thường xuyên kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, còi cảnh báo lũ, hệ thống cảnh báo lũ từ xa, hệ thống camera giám sát nhằm đảm bảo hoạt động tốt, liên tục trong mùa mưa bão. Phối hợp với địa phương liên quan kiểm tra nguy cơ sạt lở trên các tuyến đường vận hành, hiện trạng dòng chảy thoát lũ, kịp thời xử lý các sự cố. Đại diện lãnh đạo nhà máy cũng cam kết đến hết ngày 10.9 sẽ kết thúc chiến dịch truyền thông cho cộng đồng dân cư vùng hạ du. Tương tự, nhà máy thủy điện A Vương đang trong quá trình sắp hoàn tất công tác kiểm tra, tu dưỡng máy móc, hệ thống loa cảnh báo. Tuy nhiên, nhà máy này kiến nghị tỉnh cần nghiên cứu triển khai tin nhắn cảnh báo lũ lụt qua số điện thoại cho nhân dân vùng hạ du biết để nắm thông tin kịp thời.  

Cập nhật diễn biến lũ

Kinh nghiệm từ mùa mưa lũ năm 2016 cho thấy, các chủ đập đã phối hợp nhịp nhàng trong điều tiết, xả lũ nên đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Bước đầu khắc phục đáng kể tình trạng lũ chồng lũ ở hạ du. Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Trương Xuân Tý thông tin, mùa mưa năm 2017 dự báo Quảng Nam sẽ có bão xuất hiện, áp thấp nhiệt đới kèm theo xuất hiện nhiều đợt lũ lớn, lượng mưa nhiều khả năng lớn hơn các năm qua. Chính quyền các huyện Nam Giang, Đại Lộc đề xuất, các nhà máy thủy điện phối hợp với các đài khí tượng thủy văn lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn trên lưu vực hồ và vùng hạ du để dự báo lũ chính xác, kịp thời, thông báo rộng rãi xả lũ để người dân chủ động ứng phó.

Hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phối hợp với Trung tâm Thông tin dịch vụ công Đà Nẵng xây dựng hệ thống công nghệ modul theo dõi, cập nhật số liệu vận hành, điều tiết lũ của các hồ chứa thủy điện A Vương, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5. Số liệu mưa và mực nước tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh sẽ được cập nhật, công khai trên trang thông tin điện tử. Liên quan đến vận hành, điều tiết các hồ thủy điện theo quy trình tại Quyết định 1537, các xã Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc), 2 xã Duy Châu và Duy Trinh (Duy Xuyên) và Quế Minh (Quế Sơn) triển khai nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai. Ngoài ra vùng hạ du của 2 huyện Đại Lộc và Duy Xuyên còn được diễn tập về sơ cấp cứu, sơ tán dân. Chủ các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đắc Mi, Sông Bung khẳng định, kiểm tra xong hệ thống camera quan sát được độ mở cửa van, phía hạ lưu các cửa tràn và quan sát được cột đo mực nước hồ ở thượng lưu. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh lưu ý, Công ty CP Thủy điện Đắc Mi (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đắc Mi 4A, B, C), Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 1 (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Bung 5) phải khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du theo quy định của Bộ Công Thương về đảm bảo phục vụ công tác PCTT&TKCN năm 2017.

Về PCTT&TKCN mùa mưa năm nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ. Các nhà máy thủy điện cần phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền vùng hạ du để có thông tin về dự báo mưa lũ tốt hơn, nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, phương án đảm bảo an toàn hồ đập tuyệt đối. Rà soát các khu vực đông dân cư sinh sống, sản xuất, khu vực hạ du các nhà máy thủy điện có người qua lại nhiều khả năng bị ảnh hưởng. Đặc biệt vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống, sạt lở đất cần cắm biển báo để nhân dân chủ động phòng tránh. “Chủ đập thủy điện phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống loa cảnh báo lũ lụt vùng hạ lưu đập, thông tin vận hành điều tiết ở vùng hạ lưu; đồng thời bổ sung nhanh các trạm quan trắc, khí tượng để dự báo chính xác, kịp thời hơn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý. Để công tác vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện trước mùa mưa lũ năm 2017 đúng quy định, lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu Công ty CP thủy điện A Vương, Công ty Thủy điện Sông Tranh 2  báo cáo kế hoạch điều tiết kho nước trong hồ trước mùa mưa lũ năm nay nhằm tăng dung tích cắt lũ trong đầu mùa lũ. Bởi lẽ số liệu mực nước thượng lưu các hồ chứa 2 nhà máy thủy điện nêu trên hiện còn rất cao so với mực nước tối thiểu quy định tại quy trình Quyết định 1537.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủy điện cần tăng dung tích cắt lũ đầu mùa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO