Hàng trăm hộ dân thuộc thị trấn Thạnh Mỹ và xã Cà Dy, huyện Nam Giang có nhà cửa bị ngập sâu trong nước do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào chiều 28.10, ngay sau khi bão số 9 vừa tan. Việc xã lũ khiến nhà cửa của người dân hư hại, tài sản, vật dụng bị nước cuốn trôi. Đến nay, dù đã qua hơn một tuần nhưng việc xác định trách nhiệm của thủy điện Đăk Mi 4 và các bên liên quan, theo ghi nhận của Báo Quảng Nam, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang: Người dân cần được bồi thường nhanh chóng
Tôi sống ở đây hơn 40 năm nhưng chưa bao giờ thấy một cơn lũ khủng khiếp như vậy. Chiều 28.10, tôi nhận điện thoại báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào lúc 15 giờ 30, đến khoảng 16 giờ dân ở thôn Rô, xã Cà Dy (điểm đầu nguồn) đã cuống cuồng đề nghị huyện ứng cứu. Khi các lực lượng chạy lên đến cầu Xơi (xã Cà Dy) thì không đi được nữa vì nước đã tràn qua cầu. Khoảng 15 phút sau thị trấn Thạnh Mỹ kêu cứu, chúng tôi phải chạy ngược xuống rồi phân chia lực lượng đến ứng cứu vì tất cả điểm này đều bị ngập. Cũng may trước cơn bão số 9 chúng tôi đã sơ tán một số hộ dân về Trung tâm hành chính huyện, một số chỗ chỉ còn vườn không nhà trống cho nên không ảnh hưởng về người.
Tất nhiên, việc xả lũ là bất khả kháng nhưng xả trong giai đoạn chúng tôi đang tập trung chống bão hoành hành là không hợp lý, vì lúc đó đi cứu dân rất nguy hiểm, chưa kể phương tiện tại chỗ rất ít, toàn huyện chỉ có 2 chiếc ca nô của quân sự và công an, còn lại vài chiếc thuyền nhỏ. Hậu quả của đợt xã lũ đột ngột đó gây thiệt hại cho người dân hết sức nặng nề. Bên cạnh nhà cửa bị sụp, rất nhiều tài sản của người dân như tivi, tủ lạnh, bàn ghế, hoa màu… trôi theo lũ dữ.
Quan điểm của huyện là đề nghị Công ty CP Thủy điện Đăk Mi phải có trách nhiệm bồi thường cho dân. Đồng thời đề nghị tỉnh có ý kiến cụ thể, khẩn trương hỗ trợ người dân khắc phục cuộc sống; xem xét việc tài sản của người dân bị lũ cuốn có được hỗ trợ hay không và hỗ trợ như thế nào. Hiện nay, chúng tôi đã nhận được đơn của một số hộ đề nghị bồi thường thiệt hại. Theo đó, đề nghị thủy điện và đơn vị liên quan của tỉnh sớm có phương án bồi thường, hỗ trợ bảo đảm để dân yên lòng. Chưa kể thiệt hại lần này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Riêng trong công tác hỗ trợ người dân, đề nghị tỉnh cho chủ trương lồng ghép nhiều chương trình, bởi theo quy định mức hỗ trợ nhà sập hoàn toàn 40 triệu đồng như hiện nay là không đủ. Về phía huyện, trước mắt sẽ tạm ứng từ các khoản dự phòng và bảo đảm xã hội của mình để chi trả, hỗ trợ dân. Với diễn biến sắp tới, tình trạng tái nghèo chắc chắn sẽ rất cao. Năm nay tỉnh giao Nam Giang phải giảm 350 hộ nghèo nhưng tình hình này chắc chắn không thể giảm được, chưa kể khả năng phát sinh thêm. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh sớm phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ người dân, nhất là liên quan đến phục hồi sản xuất, ổn định đời sống.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi: Công ty sẽ xem xét hỗ trợ người dân bị thiệt hại trong lũ
Mốc lịch sử lượng nước về hồ thủy điện Đăk Mi lớn nhất từ trước đến nay là năm 2013, với lưu lượng nước về hồ khoảng 4.200m3/s, lúc đó thủy điện xả khoảng 3.900m3/s. Nhưng đỉnh lũ ngày 28.10 nước về khoảng 15.571m3/s và chúng tôi xả 7.074m3/s. Theo thiết kế, khả năng của hồ đến mực nước gia cường là 260m, trên cao trình đỉnh đập 262m thì xả với lưu lượng là 11.400m3/s.
Không phải đến ngày 28.10 chúng tôi mới xả mà trước đó, nhận được chỉ đạo của tỉnh về hạ mức điều tiết hồ về mực nước thấp nhất để đón lũ, chúng tôi đã có thông báo lúc 12 giờ 30 ngày 26.10 là hạ mực nước từ 255m xuống 251,5m, tiếp theo đến 6 giờ ngày 28.10 thì chúng tôi đã đạt 251,5m và lưu lượng nước về hồ lúc này chỉ có 781,9m3. Đến 14 giờ chúng tôi có thông báo số 213 khi mực nước hồ lúc này khoảng 253,4m, nước về hồ là 4.381m3 và chúng tôi đang xả khoảng 2.500m3/s bao gồm cả chạy máy và qua tràn. Đến 15 giờ ngày 28.10, mực nước lúc này là 254,85m và lưu lượng nước về hồ là 7.212m3, chúng tôi xả khoảng 3.500m3/s. Tuy nhiên, 15 giờ 45 lưu lượng nước về đạt 15.571m3 và chúng tôi xả khoảng 7.074m3/s, đến 18 giờ chúng tôi vận hành xả lũ là 4.200m3/s trong khi nước về khoảng 4.100m3/s và duy trì mực nước là 257,94m. Trong quá trình này chúng tôi luôn luôn báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Giang bằng email và gọi điện trực tiếp. Tóm lại từ ngày 26.10 chúng tôi đã thông báo xả lũ và xả liên tục đến nay vẫn còn tiếp diễn.
Tôi khẳng định việc xả lũ là hợp lý và đúng quy trình. Bởi vì nước đang về rất nhiều nên không thể thông báo theo quy định trước 4 tiếng mới thực hiện, lúc đó tràn đập vỡ công trình, hậu quả sẽ thành đại hồng thủy về hạ du. Tuy nhiên, công ty cũng sẽ phối hợp với địa phương để hỗ trợ cho người dân sớm ổn định cuộc sống. Hiện tại chúng tôi cũng chưa biết mức độ thiệt hại thế nào nên phải làm việc với tỉnh sau khi huyện Nam Giang thống kê xong thiệt hại.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Thống kê cụ thể thiệt hại để hỗ trợ
Miền núi của tỉnh chịu nhiều thiệt hại trong các đợt bão lũ vừa qua. Cả vệt dưới chân núi Ngọc Linh, từ các xã Trà Vân - Trà Leng (Nam Trà My) đến xã Phước Thành - Phước Lộc (Phước Sơn) bị thiệt hại nặng. Tần suất mưa rất lớn, có khi đến hơn 400mm chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ, một lượng mưa rất kinh khủng. Lượng mưa lớn diễn ra ở một thời gian ngắn nên dễ xảy ra lũ ống, lũ quét ở đầu nguồn. Tại xã Trà Leng, 22 người chết và mất tích, 33 người bị thương là do lũ ống gây ra. Một dòng suối nhỏ 10m nay đã rộng ra đến 150m, cho thấy sự biến đổi của khí hậu đang khốc liệt hơn.
Tỉnh tập trung điều hành mực nước của 4 hồ lớn, có khả năng cắt giảm lũ cho hạ du (hồ nhỏ không tính) gồm Sông Tranh, Đăk Mi 4, Sông Bung 4, A Vương. Việc vận hành liên hồ để hạ du không bị thiệt hại là cả một vấn đề. Theo số liệu thống kê nước về vượt quá số liệu thủy điện đã dự báo thiết kế, vì vậy lưu lượng nước về hồ cực lớn. Tuy nhiên, do UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt nên nhà máy kịp thời điều hành mực nước liên hồ, cắt được đỉnh lũ, làm giảm thiệt hại cho người dân. Mực nước đột biến khiến đỉnh lũ lên 15.571m3/s rồi giảm xuống chỉ trong 30 phút, khi đó mức xả qua tràn nhà máy Đăk Mi 4 là 7.047m3/s nên đã cắt được lưu lượng nước rất lớn cho hạ du. Với lưu lượng nước về hồ và với mức xả tràn như vậy thì tổn thất của người dân chắc sẽ có. Rất may, đã không xảy ra thiệt hại về người là điều đáng mừng.
Việc vận hành xả lũ như vừa qua là đúng quy định, giúp cắt giảm lũ cho hạ du; đồng thời tập trung thống kê cụ thể thiệt hại của người dân để kiến nghị tỉnh hỗ trợ. Đối với Công ty CP Thủy điện Đăk Mi, phải rút kinh nghiệm, thông tin kịp thời hơn nữa, khẩn trương sửa chữa lại hệ thống loa cảnh báo. Cần chung tay cùng với huyện hỗ trợ người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường. Các bên đánh giá vấn đề một cách chuẩn mực để sau này nếu xuất hiện đỉnh lũ cao hơn, chúng ta có những bài học về việc điều chỉnh liên hồ xả lũ, cắt đỉnh lũ cho hạ du.
Về lâu dài, huyện Nam Giang cần có kế hoạch xây dựng nhà tránh lũ tập trung cho người dân theo kiểu nhà khối phố lưỡng dụng. Thực hiện sắp xếp dân cư gắn với giữ rẫy - đề nghị chính sách với tỉnh cấp gạo để dân giữ rẫy và không phá rẫy nữa. Rẫy đó trồng dược liệu dưới tán rừng không trồng lúa, trồng keo. Nhà dùng trụ bê tông thay trụ gỗ. Làm như vậy, khoảng 5 - 10 năm thì rẫy sẽ phát triển thành rừng, giải quyết được các vấn đề an cư, sinh kế cho người dân và chống sạt lở, chống xói mòn ở miền núi.