(QNO) - Cơn ác mộng đối với người dân vùng hạ du thủy điện Đak Mi 4, nhất là xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang), đã xảy ra cách đây hơn 2 tháng. Thiệt hại là vô cùng nghiêm trọng. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền địa phương phối hợp với Công ty CP Thủy điện Đak Mi khẩn trương khảo sát, thống kê, đánh giá, xác định mức độ thiệt hại cụ thể; trên cơ sở đó, đề nghị Công ty CP Thủy điện Đak Mi hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, đến nay, việc hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện, vì sao?
Lũ dị thường
Nhận định về cơn lũ ngày 28.10.2020 do ảnh hưởng của bão số 9, gây ra “sự cố thủy điện Đak Mi 4” và thiệt hại nghiêm trọng đối với huyện Nam Giang, khu vực hạ du hồ chứa thủy điện, Văn bản số 266 ngày 3.11.2020 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu cứu nạn tỉnh thông tin, sau 17 giờ thực hiện vận hành giảm lũ cho hạ du, hồ Đak Mi 4 đã vận hành cắt được đỉnh lũ 13.398,39m3/s (vượt lũ thiết kế 11.400m3/s) và điều tiết về hạ du với lưu lượng trung bình bằng 56,09% lưu lượng đến và nhờ đó đã giảm lũ cho hạ du được 43,91%. Tuy nhiên, với việc vận hành quá khẩn cấp như vậy nên việc thông báo cho chính quyền và nhân dân cũng có phần khẩn cấp, gây ảnh hưởng cho người dân là không thể tránh khỏi.
“Đây là cơn lũ đặc biệt lớn, rất dị thường, hầu hết con sông suối trên thượng nguồn đều xuất hiện lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất. Chỉ trong thời gian ngắn, một lượng nước rất lớn đã đổ dồn về hồ chứa Đak Mi. Lúc 5 giờ sáng 28.10, lũ bắt đầu xuất hiện, nhưng đến 15 giờ 45 chiều cùng ngày, lũ đã đạt đỉnh với mực nước hồ lên đến 256,94m; tổng lượng nước lũ về hồ trong ngày 28.10 là 242,72 triệu mét khối.
Trước diễn biến rất bất thường và nghiêm trọng của cơn lũ, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành liên hồ, do Chính phủ phê duyệt và thường xuyên báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tỉnh về điều tiết xả lũ, bảo đảm an toàn hồ đập và góp phần cắt bớt lũ cho hạ du. Nếu không có hồ chứa Đak Mi 4 điều tiết giảm lũ cho hạ du thì nguy cơ dọc sông Đak Mi từ sau đập đến thị trấn Thạnh Mỹ sẽ bị lũ quét đặc biệt lớn càn quét đến mức xảy ra thảm họa. Đây là tai họa thiên tai rất dị thường, không ai lường trước được” - ông Đinh Hữu Tấn, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đak Mi thông tin.
Chậm hỗ trợ là do khách quan
Trả lời Báo Quảng Nam vì sao đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng kể từ khi xảy ra sự cố thiên tai nêu trên, Công ty CP Thủy điện Đak Mi vẫn chưa hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, như đã cam kết tại cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì ngày 4.11.2020, ông Đinh Hữu Tấn cho rằng, việc chậm hỗ trợ là do yếu tố khách quan, bởi công tác thống kê, xác định mức độ thiệt hại khá phức tạp và mất nhiều thời gian.
“Không phải đến bây giờ, mà trong những năm qua, công ty chúng tôi luôn nỗ lực đồng hành với chính quyền và người dân địa phương; nhất là hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các hộ nghèo, bà con trong vùng dự án. Cơn lũ vừa qua, gây thiệt hại nặng đối với công ty và nhiều hộ dân huyện Nam Giang là ngoài dự báo. Dù công ty đã tuân thủ nghiêm quy trình vận hành, điều tiết hồ thủy điện, góp phần nhất định giảm bớt lũ cho hạ du; song, trước thiệt hại quá lớn của người dân, chúng tôi đã cam kết hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con. Tuy nhiên, đến ngày 1.2 vừa qua, UBND huyện Nam Giang mới có báo cáo chi tiết về việc xác định thiệt hại” - ông Tấn nói.
Cụ thể, ngay sau chỉ đạo của UBND tỉnh tại cuộc họp ngày 4.11.2020, UBND huyện Nam Giang đã thành lập tổ công tác với sự tham gia của đại diện Công ty CP Thủy điện Đak Mi, các ngành liên quan của huyện và chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng để khảo sát, xác định cụ thể mức độ thiệt hại đối với từng hộ dân. Theo Báo cáo số 35/BC-UBND, ngày 1.2.2021 của UBND huyện Nam Giang, công tác kiểm kê, đánh giá, xác định thiệt hại kéo dài đến ngày 28.1; tuy nhiên quá trình này rất khó khăn, phức tạp. Số hộ dân bị ảnh hưởng quá nhiều, phải kê khai bổ sung nhiều lần; mặt khác, các thôn, xã không sàng lọc, tổng hợp bằng máy mà gửi về tổ công tác tổng hợp (viết tay) nên việc thống kê thiệt hại cập nhật vào máy tính mất rất nhiều thời gian; nhiều hộ dân bổ sung, sửa đổi danh mục thiệt hại nhiều lần; việc nộp các bảng thống kê thiệt hại của các hộ dân diễn ra nhiều đợt nên phải tổng hợp thống kê nhiều lần, bổ sung nhiều hạng mục.
Báo cáo của huyện Nam Giang cũng nêu rõ, nhiều hộ dân kê khai và xác định con số thiệt hại theo ước tính, nên không chính xác; một số hạng mục không có đơn giá do UBND tỉnh quy định, nên rất khó khăn trong việc xác định giá trị cụ thể. Vì vậy, tổ công tác mất rất nhiều thời gian tổ chức hội họp, đánh giá, xác định mức độ và giá trị thiệt hại đối với từng hộ dân. Kết quả cuối cùng, theo Báo cáo số 35 của UBND huyện Nam Giang ngày 1.2, vừa qua, có đến 823 hộ dân của xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ bị thiệt hại; tổng giá trị thiệt hại là hơn 19,28 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại tài sản của dân là hơn 12,48 tỷ đồng và thiệt hại các công trình dân sinh hơn 6,8 tỷ đồng.
“Con số thiệt hại cụ thể mới được UBND huyện Nam Giang xác định. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh để thực hiện việc hỗ trợ cho người dân như đã cam kết” - ông Đinh Hữu Tấn khẳng định.