Thủy lợi hóa đất màu, xây dựng vùng chuyên canh

NGUYỄN SỰ 12/12/2016 08:40

Những năm gần đây, nhờ đầu tư thi công hàng loạt công trình thủy lợi hóa đất màu và tích cực hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên nông dân trên địa bàn huyện Đại Lộc đã hình thành được rất nhiều mô hình sản xuất các loại hoa màu, rau quả theo phương thức hàng hóa tập trung. Qua đó, giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…

Đại An thành công lớn

Thời điểm này, mặc dù trời mưa rét nhưng gia đình ông Đào Văn Hát ở thôn Hóa Phú (xã Đại An, huyện Đại Lộc) vẫn hối hả xuống đồng phát dọn cỏ dại và tiến hành cải tạo 5 sào đất màu để kịp thời triển khai gieo trồng vụ bắp nếp đông xuân 2016 - 2017. Nghỉ tay uống ca nước chè xanh nóng cho đỡ lạnh, ông Hát hồ hởi nói: “Nhờ nước tưới luôn chủ động nên trong vòng 7 năm trở lại đây vợ chồng tôi có nguồn thu nhập khá từ việc canh tác các loại cây trồng cạn chủ lực theo phương thức gối vụ. Riêng năm 2016 này, với mô hình đông xuân trồng bắp nếp, xuân hè gieo đậu xanh, hè thu tỉa bắp lai, tôi thu về tổng cộng 45 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… còn lại lãi ròng 33 triệu đồng. Như vậy, nếu sản xuất theo hướng đó thì bình quân mỗi năm sẽ kiếm được hơn 130 triệu đồng tiền lời từ 1ha đất màu”.

Những năm tới, Đại Lộc sẽ ưu tiên nguồn lực thủy lợi hóa đất màu nhằm hình thành thêm nhiều vùng sản xuất hàng hóa. Ảnh: N.S
Những năm tới, Đại Lộc sẽ ưu tiên nguồn lực thủy lợi hóa đất màu nhằm hình thành thêm nhiều vùng sản xuất hàng hóa. Ảnh: N.S

Những ngày gần giữa tháng 12 dương lịch, có mặt trên nhiều đồng đất của Đại An, đâu chúng tôi cũng thấy nhà nông tất tả với việc xuống giống các loại cây công nghiệp ngắn ngày và rau củ quả vụ đông xuân. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Đỗ Văn Hòa – Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, ngoài 32ha đất lúa thì hiện nay trên địa bàn 10 thôn của xã có khoảng 270ha đất màu với sự tham gia sản xuất của ít nhất 70% trong tổng số 2 nghìn hộ dân. Theo ông Hòa, nhằm giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế, tăng thêm nguồn thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, mấy năm gần đây chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc mở rất nhiều khóa tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật tiên tiến và tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác ở từng vùng cũng như đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Đặc biệt, để chủ động cung ứng nước tưới cho phát triển sản xuất hàng hóa, thời gian qua bằng nhiều kênh vốn huy động chính quyền cùng nhân dân xã Đại An đã đầu tư 3,5 tỷ đồng kéo 4km đường dây điện ra hàng loạt cánh đồng và lắp đặt hệ thống đường ống dẫn để thủy lợi hóa 200ha đất màu. Số diện tích vừa nêu tập trung chủ yếu tại 5 thôn gồm Quảng Huế, Bàu Tròn, Phước Yên, Hóa Phú, Quảng Yên. Ông Hòa chia sẻ: “Nhờ nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên hiện nay nông dân xã Đại An đã hình thành được hàng loạt mô hình chuyên canh – xen canh – gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực như đậu phụng, bắp lai, khổ qua, bắp nếp, đu đủ, bí đao, dưa leo và một số loại rau ăn lá trên 200ha đất màu đã được thủy lợi hóa đó. Qua khảo sát tại nhiều vùng cho thấy, bình quân mỗi năm 1ha đất người dân thu về 160 - 180 triệu đồng”. Ông Đào Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Đại An cho rằng, trước hiệu quả hết sức thiết thực của mô hình sản xuất ấy, trong thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo phục vụ nước tưới cho 70ha đất màu còn lại và những chân ruộng lúa chuyển đổi sang canh tác hoa màu, rau quả. Theo ông Dương, dự kiến số tiền cần phải bỏ ra để thực hiện công tác này là không dưới 5 tỷ đồng...

Lối mở trong tái cơ cấu nông nghiệp

Ông Trần Văn Bốn – chuyên viên Phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, ngoài xã Đại An thì những năm qua, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên diện rộng, chính quyền và nhân dân nhiều địa phương khác của huyện cũng ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư thi công hàng loạt công trình thủy lợi hóa đất màu nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho những mô hình canh tác cây trồng cạn theo phương thức hàng hóa tập trung. Theo ông Bốn, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác nhưng ước tính từ trước đến nay bằng nhiều kênh vốn huy động Đại Lộc đã chi không dưới 100 tỷ đồng cho công tác này. Nhờ vậy, hiện giờ trong tổng số 2.000ha đất màu trên địa bàn toàn huyện thì có ít nhất 1.200ha đã được thủy lợi hóa.

Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh – Trưởng phòng NN&PTNT Đại Lộc cho hay, nhờ sự tiếp sức từ phía ngành chuyên môn và chính quyền các cấp nên thời gian qua nông dân ở nhiều nơi của huyện đã xây dựng được hàng nghìn mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại hoa màu, rau quả trên 1.200ha đất màu đã chủ động được nguồn nước tưới. Ông Khánh nói: “Thống kê cho thấy, bình quân hàng năm 1ha đất màu sản xuất theo hướng này mang lại cho nhà nông tổng giá trị 90 - 140 triệu đồng, cá biệt có nhiều vùng đạt 150 - 230 triệu đồng/ha/năm. Trong những năm tới, huyện sẽ linh hoạt lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ nông dân thủy lợi hóa 800ha đất màu còn lại và thực hiện bài bản khâu quy hoạch, chuyển giao kỹ thuật nhằm hình thành thêm những vùng sản xuất rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày tập trung. Bởi, đây thực sự là lối mở trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nông dân Đại Lộc nhanh chóng vươn lên làm giàu và góp phần xây dựng thành công mô hình nông thôn mới một cách bền vững”.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủy lợi hóa đất màu, xây dựng vùng chuyên canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO