Thủy sản nuôi suy kiệt vì nắng nóng

VIỆT NGUYỄN 20/06/2023 06:55

Những ngày qua nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao khiến nhiều loại thủy sản nuôi chết, thiệt hại không nhỏ cho nông hộ. Ngành chức năng có nhiều khuyến cáo giúp người nuôi thủy sản thích ứng với thời tiết khắc nghiệt.

Người nuôi tôm bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người nuôi tôm bổ sung vitamin, khoáng chất vào thức ăn để nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cá tôm chết hàng loạt

Nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc về hạ tầng, xử lý nước, con giống nên bấp bênh bấy lâu nay. Nắng nóng với nền nhiệt độ đến 40 độ C kéo dài từ tháng 5 đến nay, môi trường nước biến động, tôm chết hàng loạt ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành.

Ông Nguyễn Hát (thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, Tam Kỳ) nói, từ đầu tháng 6 đến nay tôm chết ở 3 ao nuôi. Đợi đến sang năm mới nuôi tôm trở lại vì nắng nóng dự báo kéo dài đến tháng 8 rồi mùa bão lụt thường bắt đầu từ tháng 10.

“Với hình thức phủ bạt che nắng, tôm còn chết do sốc nhiệt độ cao. Mặc dù tôi quạt nước và thay nước liên tục nhưng tôm cũng chết. Nắng nóng đến 40 độ khiến cho tôm suy miễn dịch, sức đề kháng giảm rồi kiệt quệ” - ông Hát cho biết.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, diện tích nuôi thủy sản nước mặn, lợ đến nay là 1.950ha/3.200ha (đạt 60,94% kế hoạch, trong đó nuôi tôm 1.640ha). Nuôi cá lồng bè trên sông nước mặn, lợ (cá mú, cá dìa, hồng, chẽm) là 1.330 lồng. Sản lượng nuôi thủy sản nước lợ/mặn đạt 11.610 tấn/20.000 tấn (đạt 58,05% kế hoạch); trong đó nuôi lồng/bè hơn 1.600 tấn, nuôi tôm đạt 10.000 tấn.

Từ đầu năm đến nay, bệnh trên tôm nuôi xảy ra gây thiệt hại về kinh tế lớn cho người nuôi, nhất là bệnh do vi rút làm tôm chết rất nhanh. Diện tích tôm bị bệnh là 142,8ha (trong đó, bệnh do đốm trắng 20,8ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 2ha, bệnh do thay đổi các yếu tố môi trường 98ha).

Nhiệt độ nước tăng mạnh ở các lưu vực sông nhỏ cũng nhiều cá lồng bè nuôi bị chết. Ông Trương Công Tưởng (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, Núi Thành) có nhiều cá điêu hồng, cá chẽm chết cho biết nguyên nhân là do sốc nhiệt độ cao.

“Nắng nóng kéo dài lại thêm mưa dông vào chiều tối khiến phân tầng nhiệt độ nước, biến động lớn về nhiệt độ, độ PH, kiềm. Không thể xoay xở để giúp cá nuôi thích nghi biến động nên cá chết hàng loạt” - ông Tưởng nói.

Nhiều hộ nuôi cá trong lồng bè ở các đoạn thuộc sông Thu Bồn qua Duy Xuyên cho biết, các loại cá nuôi đang có biểu hiện kém ăn, nhiễm bệnh, chủ yếu là các loại bệnh do môi trường. Nguyên nhân nắng nóng kéo dài làm biến đổi các yếu tố môi trường nước khiến cá biếng ăn dễ nhiễm bệnh.

Nắng nóng đang là vấn đề nan giải, nhất là đối với các hộ nuôi cá trong lồng bè ở các vùng sông hẹp. Nhiệt độ cao thúc đẩy phân hủy chất hữu cơ mùn bã không có lợi cho sinh trưởng của các loại cá nuôi. Nắng nóng cũng làm thay đổi các yếu tố thủy lý, thủy hóa nằm ngoài ngưỡng thích hợp với cá nuôi.

Linh hoạt để thích ứng

Ông Nguyễn Nam - hộ nuôi cá bớp, cá chẽm, cá măng ở khu vực sông Cổ Cò đoạn qua phường Cửa Đại (Hội An) cho biết, thích ứng với nắng nóng kéo dài bằng cách cho các loại cá ăn với khẩu phần hợp lý tùy theo kích cỡ các loại cá lớn, bé khác nhau.

Nắng nóng kéo dài khiến cho người nuôi cá trong lồng bè trên sông Tam Kỳ gặp khó. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nắng nóng kéo dài khiến cho người nuôi cá trong lồng bè trên sông Tam Kỳ gặp khó. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Định kỳ 7 - 10 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng để tăng sức đè kháng cho cá nuôi. Sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt 5 - 7 ngày để cá phát triển tốt.

Ông Nam sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 ngày/lần để xử lý nước, hạn chế bất ổn nguồn nước, môi trường nuôi cá. “Tôi kéo các lồng bè nuôi cá ra lòng sông để giảm thiểu tác động xấu của nắng nóng” - ông Nam nói.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ nuôi tôm tích cực ứng phó thời tiết bằng các giải pháp cụ thể. Người nuôi tôm ở các vùng trên cát cần sử dụng lưới lan che trên bề mặt ao để hạn chế ánh nắng trực tiếp.

Nông hộ nuôi tôm cần duy trì mực nước hợp lý trong ao để hạn chế phân tầng nhiệt độ, oxy hoà tan trong ao; tăng cường quạt nước nhằm tăng dưỡng khí cho tôm nuôi.

Đặc biệt, nông hộ cần bố trí ao chứa nước, chủ động tích trữ nước sạch bổ sung vào ao nuôi khi cần thiết. Người nuôi tôm cần xi phông đáy ao để loại bỏ chất thải, hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật có hại. Khi tôm nuôi bị chết không được xả thải ra môi trường, đồng thời thông báo cho các cơ quan thú y, thuỷ sản có biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủy sản nuôi suy kiệt vì nắng nóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO