Cần đa dạng đầu ra hải sản

VIỆT NGUYỄN 28/04/2020 12:10

Giá hải sản bấp bênh, lên xuống thất thường do phụ thuộc lớn vào đầu nậu, tư thương. Bởi vậy, tạo nhiều kênh bán sản phẩm, đa dạng đầu ra hải sản, ổn định thị trường là giải pháp hữu hiệu.

Ngư dân cần tạo nhiều kênh bán hải sản, như đưa vào siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân cần tạo nhiều kênh bán hải sản, như đưa vào siêu thị Co.opMart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bấp bênh đầu ra

Tàu cá QNa-91259 có công suất 420CV hành nghề lưới vây của ngư dân Phan Tấn Vỹ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) vừa cập bờ bán hải sản sau 16 ngày sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa. Với 4 tấn cá nục đuôi xanh và 4 tấn cá ngừ sọc dưa, anh Vỹ bán được 320 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hết 160 triệu đồng, chủ tàu thu được hơn 80 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia xấp xỉ 5 triệu đồng.

“Những ngày qua biển giật mạnh, ngư dân ít bám biển nên nguồn cung hải sản không dồi dào. Giá hải sản có tăng lên, ngư dân chúng tôi rất mừng. Tuy vậy, so với năm ngoái thì năm nay giá hải sản đã giảm đi 1/3” - anh Vỹ nói.

Ngư dân Phan Tấn Vỹ cho biết thêm, anh còn 1 tàu cá đang sản xuất với nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa là QNa-90589 có công suất 718CV, nên khẩn trương mua nhiên liệu tiếp tục ra khơi. Do bấp bênh đầu ra hải sản, sản xuất ngày càng khó khăn nên anh Vỹ đã áp dụng mô hình tàu lớn - tàu bé cùng phối hợp sản xuất. Qua mùa trăng, cả 2 tàu cùng ra biển đánh bắt hải sản, sau đó tàu bé về bờ bán hải sản và thu mua các nhu yếu phẩm cần thiết, tiếp tục ra khơi phối hợp sản xuất.

“Ngoài áp dụng tàu lớn - tàu bé để giảm chi phí chuyến biển và tăng khả năng phát hiện đàn cá, chúng tôi còn nâng cấp hầm bảo quản để nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, tránh bị tư thương ép giá đầu ra” - anh Vỹ nói. 

Ngư dân Trần Văn Dồn (khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP.Hội An) - chủ tàu cá QNa-92224 hành nghề câu cá hố cho biết, giá cá hố giảm mạnh, từ 200 nghìn đồng/kg hồi đầu năm đến nay chỉ còn 110 nghìn đồng/kg. Tư thương cho rằng, do dịch bệnh Covid-19, chưa thể xuất khẩu cá hố sang Trung Quốc được nên giá cá hố giảm mạnh. Không thể để cá lâu được nên ông Dồn phải bán. Sản xuất không có lãi nếu giá cá hố cứ lên xuống thất thường. 

Đa dạng kênh bán hàng

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, tiêu thụ hải sản luôn là khâu khó khăn của ngư dân. Do phụ thuộc lớn vào đầu nậu, tư thương nên ngư dân hầu như bị bắt buộc phải bán cho họ khi cập bờ. Sở NN&PTNT đang phối hợp với UBND huyện Núi Thành và các sở, ngành liên quan khẩn trương thi công, hoàn thiện khu hậu cần nghề cá Tam Quang. Khi đi vào hoạt động, với giá niêm yết rõ ràng, ngư dân sẽ ổn định đầu ra hải sản, khắc phục tình trạng tư thương, đầu nậu ép giá. Ở phía bắc của tỉnh, Sở NN&PTNT cũng đang khảo sát để đầu tư trung tâm hậu cần nghề cá tương tự khu hậu cần nghề cá Tam Quang.

Từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hải sản ngư dân khai thác được hầu như không được doanh nghiệp chế biến hải sản thu mua mà chỉ bán ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó nhà hàng, khách sạn, quán ăn đóng cửa nên thị trường nội địa hầu như chỉ tồn tại ở kênh chợ truyền thống...

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Điều quan trọng là trên cơ sở các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân cần thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nghề cá. Đó là cơ sở ra đời các chuỗi giá trị hải sản, khép kín từ khai thác, bảo quản, sơ chế cho đến cung ứng ra thị trường”.

Theo đó, ngư dân có thể ký hợp đồng cung cấp hải sản với doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu hay cung cấp hải sản đến nhiều kênh phân phối hiện đại như nhà hàng, khách sạn, đưa vào siêu thị, trung tâm thương mại. Ngư dân cũng có thể mở cửa hàng hải sản sạch để cung cấp đến người tiêu dùng. 

Ở chợ Tam Quang, cá nục đuôi đỏ, cá nục gai - vốn  hoạt động ở tuyến lộng, có giá trị thấp hơn cá nục đuôi xanh nhưng được bán với giá 70 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi giá bán cá nục đuôi xanh. Còn cá ngừ sọc dưa được bán với giá 90 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với giá bán của ngư dân cho tư thương.

Tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, cá nục có giá 65 nghìn đồng/kg, cá trác: 80 nghìn đồng/kg, cá đù: 70 nghìn đồng/kg, cá khế: 169 nghìn đồng/kg, cá hố: 180 nghìn đồng/kg. Các loại hải sản đó đều được ngư dân xã Tam Quang đánh bắt, cung cấp.

Nghịch lý tồn tại bấy lâu nay là giá các loại hải sản ngư dân bán trực tiếp cho các chủ nậu, tư thương rất thấp nhưng khi đến tay tiểu thương bán ở chợ hay đưa vào siêu thị thì có giá rất cao. Chị Lê Thị Nguyệt - phụ trách quầy thủy, hải sản của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ cho biết, hàng hải sản đang được bán rất chạy. Siêu thị thiếu nguồn cung nên rất đón nhận hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh đưa đến.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần đa dạng đầu ra hải sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO