Cấp thiết quan trắc môi trường nuôi thủy sản

VIỆT NGUYỄN 01/11/2021 06:15

Nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn tiềm ẩn rủi ro nên công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường đặt ra cấp thiết.

Quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.N
Quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản đặt ra cấp thiết trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.N

Ứng phó với dịch bệnh

Dịch bệnh xảy ra với nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu có nguyên nhân từ hạ tầng sơ sài cộng với giống thủy sản nuôi thiếu kiểm dịch, không đảm bảo chất lượng. Quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế dịch bệnh đối với thủy sản nuôi.

Ông Nguyễn Thành Đoàn (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, Thăng Bình) - chủ hộ nuôi tôm trên diện tích 1.000m2 cho biết, trong tháng 10, ngành thủy sản sau khi đến lấy mẫu nước ở ao nuôi về xét nghiệm đã gọi điện thoại thông báo hàm lượng Amoni, COD (nhu cầu oxy hóa học), chất rắn lơ lửng, vi khuẩn Vibrio đều vượt ngưỡng cho phép.

Ngành chức năng khuyến cáo ứng phó bằng cách tăng tần suất, cường độ quạt nước; bổ sung vitamin, men vi sinh, khoáng chất vào thức ăn cho tôm; năng dùng chế phẩm sinh học để hấp thụ các chất hữu cơ, khống chế các yếu tố gây bệnh cho tôm nuôi.

“Tôi nhanh chóng thực hiện các khuyến cáo của ngành thủy sản. Rất may là tôm nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn, sinh trưởng tốt. Từ đó tôi duy trì ghi sổ nhật ký theo dõi các hoạt động thường xuyên để thuận tiện cho quản lý các yếu tố môi trường và sức khỏe tôm nuôi” - ông Đoàn nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, từ kết quả quan trắc môi trường nuôi thủy sản, cơ quan quản lý có căn cứ đánh giá tác động của hoạt động nuôi thủy sản đến môi trường xung quanh và ngược lại, từ đó có định hướng quy hoạch, phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững. Đây cũng là nguồn dữ liệu quan trọng cho các đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu đến Việt Nam tìm hiểu, đánh giá điều kiện nuôi thủy sản của từng vùng. Các địa phương cần tăng cường quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản, đặc biệt là tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, xác định nguyên nhân tôm nuôi bị chết nhiều, chết bất thường không rõ nguyên nhân, qua đó hướng dẫn người nuôi có các biện pháp xử lý triệt để.

Hiện nay, môi trường nuôi thủy sản bị suy thoái, có chiều hướng gia tăng. Rất khó kiểm soát ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp ngày càng nhiều. Diện tích nuôi thủy sản không ngừng tăng khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

Biến đổi khí hậu với nước biển dâng, xâm nhập mặn khiến nghề nuôi thủy sản đối diện vô vàn khó khăn. Với chương trình quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Nam lấy mẫu nước sông, nước biển, nước hồ thủy lợi, thủy điện, nước ao nuôi tôm để đánh giá các yếu tố môi trường gồm pH, kiềm, NH3, độ mặn, nhiệt độ, DO, vi khuẩn Vibrio...

Từ đánh giá các yếu tố gây bệnh cho thủy sản nuôi như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng..., ngành chức năng khuyến cáo nông hộ ứng phó phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền - chuyên viên Phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết: “Ngoài việc lấy mẫu định kỳ, chúng tôi còn lấy mẫu đột xuất, mẫu tăng cường vào những thời điểm tôm, cá có dấu hiệu bị bệnh để kiểm tra vi khuẩn, vi rút, phát hiện kịp thời, hạn chế lây lan dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường giúp người nuôi chủ động quản lý chất lượng nước, dịch bệnh, mùa vụ, qua đó tổ chức tốt cho quá trình nuôi thủy sản kéo dài”.

Còn nhiều trở ngại

Trong khi việc phân tích môi trường cho tôm nuôi được ngành chức năng thực hiện 2 lần/tháng thì đối với nghề nuôi cá ở các hồ thủy lợi Khe Tân (Đại Lộc), thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My) chỉ được tiến hành 1 lần/2 tháng.

Ông Khương Đình Thương - cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho rằng, tần suất quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường 1 lần/2 tháng là quá ít bởi môi trường nước luôn biến động.

“Ngành thủy sản cần tiến hành lấy mẫu nước cho nghề nuôi cá thường xuyên hơn và nhanh chóng gửi thông báo kết quả đến ngành thủy sản địa phương và các hộ nuôi cá để quản lý chặt, hạn chế phát sinh bệnh trên cá nuôi” - ông Thương đề xuất.

Công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Do không có phòng thí nghiệm để xét nghiệm các yếu tố môi trường nên ngành thủy sản tỉnh phải phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ NhoNho (TP.Cần Thơ) thực hiện. Doanh nghiệp này ở xa nên việc gửi mẫu và nhận kết quả phân tích thường diễn ra chậm, khó đáp ứng yêu cầu xử lý thông tin nhanh trong cảnh báo dịch bệnh.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình không nhiều nên mẫu kiểm tra được ngành chức năng thực hiện còn ít, các chỉ tiêu mới chỉ dừng lại ở các thông số thông thường, chưa đánh giá được tổng thể các yếu tố trong môi trường nước. Quảng Nam cũng chưa có cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường nuôi thủy sản để truy cập, lưu giữ, phân tích, có giải pháp thích hợp.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam nói: “Mong Tổng cục Thủy sản quan tâm, bổ sung thêm kinh phí, hỗ trợ máy móc, thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư phần mềm cơ sở dữ liệu để giúp ngành thủy sản tỉnh thực hiện hiệu quả hơn công tác quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường nuôi thủy sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cấp thiết quan trắc môi trường nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO