Chủ động bảo vệ cá lồng bè trước mùa mưa lũ

NGUYỄN QUỲNH - BÙI HUÂN 20/08/2021 15:29

(QNO) - Để bảo vệ cá nuôi lồng bè khi mùa mưa lũ sắp về, các hộ dân trên địa bàn Núi Thành đã chủ động nhiều giải pháp nhằm giảm nguy cơ rủi ro và tăng hiệu quả trong sản xuất.

Các chủ nuôi cá lồng bè trên sông Trường Giang thường nuôi cá gần bờ để giảm lượng nước chảy mạnh. Ảnh: H.Q
Các chủ nuôi cá lồng bè trên sông Trường Giang thường nuôi cá gần bờ để tránh dòng nước chảy mạnh. Ảnh: H.Q

Hằng năm, vào khoảng tháng 9 âm lịch, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Núi Thành thường có mưa lớn kéo dài, nước trên các nhánh sông Trường Giang dâng cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngập lụt, sạt lở bờ đập, trôi lồng bè các hộ nuôi cá, tôm ven sông.

Nhiều năm nuôi cá lồng bè, ông Nguyễn Tiến Vân (65 tuổi, thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải) cho biết, thường vào tháng 7 - 8 hàng năm, người dân ở đây hầu như thu hoạch gần hết lượng cá nuôi trong lồng bè và chuẩn bị cho vụ thả mới. Song, vì sắp bước vào mùa mưa lũ nên để giảm thiểu rủi ro, ông luôn kiểm tra lưới, gia cố bè cá để đảm bảo an toàn, cũng như sẵn sàng di chuyển bè cá vào bờ khi có nước chảy xiết.

“Gia đình tôi có 9 lồng cá, vụ này tôi thả nuôi khoảng 6-8 tấn cá/bè, chủ yếu nuôi cá chang cu. Từ khi thả nuôi đến khi thu hoạch tầm 6 - 7 tháng. Giá bình quân 110 ngàn đồng/kg cá, mỗi vụ cá đem lại lợi nhuận hơn 30 triệu đồng” – ông Vân chia sẻ.

Tương tự, ông Mai Văn Định (57 tuổi, thôn Long Thành, xã Tam Tiến) có nhiều năm nuôi cá diêu hồng trên sông Trường Giang cho hay: “Mùa mưa thì dòng nước chảy rất mạnh, vì vậy cho dù tôi gia cố kỹ lưỡng lồng bè nhưng cũng khó tránh khỏi bị đứt dây, trôi lồng làm cá thoát ra ngoài. Rút kinh nghiệm từ những đợt nuôi trước, tôi không làm lồng bè cố định trên sông mà mỗi ô lồng có khớp nối với nhau để dễ dàng tháo gỡ sau khi thu hoạch và di chuyển lồng cá vào gần bờ trước mùa mưa bão, giảm hư hỏng lồng và bảo toàn đàn cá”.

"Để thả nuôi đạt hiệu quả và mang ổn định lâu dài, tôi thiết kế khung lồng, bè kiên cố bằng sắt không rỉ, trên lót ván, dưới dùng thùng phuy nhựa để nâng và dây giữ cố định lồng, bè chắc chắn. Đồng thời làm mũi nỏ 2 đầu (vật cản rác thải và lục bình), hạn ô nhiễm môi trường nước mặn và dịch bệnh xảy ra cho cá" - ông Định cho biết thêm.

Người dân thường thiết kế lồng bè kiểu di động để bảo vệ cá và lồng của mình. Ảnh: H.Q
Người nuôi cá lồng bè thiết kế lồng bè di động, dễ tháo lắp. Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Xuân Uy – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Toàn xã có 5 hộ nuôi cá lồng bè với nhiều loại cá như chang cu, hồng, chẽm… với khoảng 60 lồng. Để giảm thiệt hại cho người dân, chính quyền xã thường xuyên dùng loa phát thanh nhắc nhở, tuyên truyền về tình hình thời tiết. Khi mùa mưa tới, lực lượng xung kích của xã tích cực giúp dân gia cố lồng bè, đưa người và lồng cá vào gần bờ”.

Hầu hết những hộ nuôi lồng bè trên sông Trường Giang đều cho biết vào lúc cao điểm mưa bão, dòng chảy các nhánh sông rất lớn, cuốn theo rác thải khó phân hủy như túi ni lông, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật… tiềm ẩn mầm bệnh lây lan cho cá. Vì vậy, ngoài việc kiểm tra, gia cố thường xuyên lồng bè người dân còn tăng cường xử lý thuốc, vôi bột định kỳ, trộn Vitamine C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.

Theo ông Lê Văn Hiệp – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Núi Thành, hiện nay toàn huyện có 12 – 15 hộ nuôi cá lồng bè với hơn 300 lồng nuôi. Vì cá lồng bè chỉ thích hợp ở nơi có độ mặn nhất định nên để tránh nước ngọt xâm nhập vào các hồ nuôi trong mùa mưa bão sắp tới, huyện đã khuyến cáo người dân ngoài việc thường xuyên theo dõi và nên thu hoạch hết cá vào cuối tháng 9. Cạnh đó, 2 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè trong huyện bán ra thị trường chậm hơn so với các năm trước, chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ động bảo vệ cá lồng bè trước mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO