(QNO) - Sáng nay 21/8, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Nam tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương”.
Luật Thủy sản năm 2017 nêu rõ vai trò quan trọng của tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bà Nguyễn Thu Huệ - Giám đốc MCD cho biết, sau 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 2 tổ chức cộng đồng xã Tam Tiến (Quảng Nam) và xã Vạn Hưng (Khánh Hòa) được công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017.
Cùng với đó, kiện toàn thực hành đồng quản lý tại 4 tổ chức cộng đồng xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, phường Ghềnh Ráng (Bình Định) và tiểu khu Bãi Hương (Quảng Nam) với các hoạt động phong phú như tăng cường năng lực các tổ, giám sát nguồn lợi, truyền thông và phát triển sinh kế bền vững.
Các nỗ lực đồng quản lý đã góp phần bảo vệ 180ha diện tích rạn san hô tại các tỉnh tham gia dự án. Kết quả giám sát rạn san hô năm 2023 cho thấy độ phủ san hô tại các điểm Bãi Dứa (Nhơn Lý), Hòn Khô Nhỏ (Nhơn Hải), Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng), Bãi Hương (Quảng Nam) đạt đến mực độ khá và tốt (từ 30% đến 60%), có nơi lên đến gần 80%.
Các rạn san hô ở điểm Rạn Trào (Khánh Hòa) và Tam Tiến (Quảng Nam) đều có dấu hiệu phục hồi sau các nỗ lực bảo vệ. Đa dạng loài đạt ở mức trung bình về số lượng lẫn chủng loại, một số lượng lớn cá giò và cá thìa non đều được ghi nhận tại các điểm thực hiện đồng quản lý.
Đồng quản lý là một tiến trình diễn ra liên tục, trong quá trình thực hiện luôn xuất hiện những thách thức. Các đại biểu tham gia hội thảo có cơ hội cùng nhau thảo luận cách thức xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động của tổ chức cộng đồng, cơ chế ghi chép và báo cáo thường kỳ của tổ chức cộng đồng với các cơ quan chức năng.
Các đề xuất được nêu tại hội thảo sẽ giúp tăng cường thực hiện đồng quản lý tại Việt Nam cũng như góp phần giúp tăng tính bền vững các mô hình.