Giải pháp cho "tàu 67"

VIỆT NGUYỄN 18/06/2022 06:45

Năm 2017, thực hiện chủ trương của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã cho vay đối với 65 chủ tàu (63 tàu đóng mới và 2 tàu nâng cấp máy chính) với tổng số tiền giải ngân hơn 719,42 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động khai thác hải sản của các “tàu 67” không hiệu quả. Nhiều tàu bị các ngân hàng bán thanh lý, thu hồi nợ, đang “mắc cạn” với nguồn vốn vay, đang chờ lực đẩy để vươn khơi.

Ngư dân Bùi Thế Cả phải đi bạn sau khi “tàu 67” của ông bị ngân hàng thu hồi, bán thanh lý. Ảnh: Q.VIỆT
Ngư dân Bùi Thế Cả phải đi bạn sau khi “tàu 67” của ông bị ngân hàng thu hồi, bán thanh lý. Ảnh: Q.VIỆT

Ngư dân và ngân hàng đều thua

Nhớ biển, nhiều khi ông Bùi Thế Cả (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) phải tìm các chủ tàu thân quen trên địa bàn để đi bạn. Tàu vỏ thép QNa-90216 của ông Cả mới đây đã bị ngân hàng thu hồi, bán thanh lý sau thời gian dài đánh bắt không hiệu quả, lâm vào tình trạng  nợ xấu.

Ông Cả cho biết, tàu vỏ thép QNa-90216 được đóng mới từ nguồn vốn tự có 1 tỷ đồng và vốn vay 16 tỷ đồng của BIDV Quảng Nam. Khi đưa con tàu vào hoạt động, ông tự tin sẽ thực hiện những chuyến biển hiệu quả, thế nhưng thực tế lại khác. “Con tàu có thiết kế không đảm bảo cân bằng, dù tôi đã sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn không xong, cứ nhảy lên chồm xuống nên không thuận lợi trong khai thác” - ông Cả nói.

Trước khi đóng tàu vỏ thép, ông Cả khai thác hải sản với nghề lưới vây trên con tàu vỏ gỗ. Khi tham gia dự án “tàu 67”, ông Cả phải bán đi tàu vỏ gỗ. Nay không có tàu ra khơi, ông chỉ biết trách mình. “Nếu cứ giữ tàu vỏ gỗ thì nay vẫn đi biển đàng hoàng. Bám biển không chỉ là nghiệp là nghề mà còn là sự gắn bó, giữ gìn phần biển phần đảo cha ông để lại” - ông Cả nói.

Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam cho biết, nhiều ngư dân không trả được nợ, đành phải thu hồi tàu. Mỗi tàu bán thanh lý chỉ được chừng 1 tỷ đồng, rất thấp so với giá trị đầu tư.

“Ngư dân và ngân hàng không dự lường được các khó khăn. Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện để giúp ngư dân đóng được tàu lớn vươn khơi, hỗ trợ họ khắc phục các sự cố, khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại vốn vay để họ tiếp tục ra khơi. Vậy mà cũng đến lúc bán đổ bán tháo con tàu” - bà Nga nói.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, “tàu 67” vỏ gỗ sản xuất đạt hơn “tàu 67” vỏ thép vì có thiết kế ổn định hơn, chi phí vận hành ít và nhất là phù hợp với tập quán, tổ chức đánh bắt hải sản lâu nay của ngư dân Quảng Nam.

Tàu vỏ thép làm ăn không hiệu quả, bị ngân hàng thu hồi, bán thanh lý là một bài học đau xót. Cần phải thay đổi chính sách phát triển thủy sản để các “tàu 67” chưa bị thanh lý được ra khơi.

Giải pháp nào khả thi?

Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, sở dĩ các ngân hàng thương mại phải bán thanh lý “tàu 67” vì không thể chuyển nhượng cho các chủ tàu mới. Theo quy định, chủ tàu mới khi mua lại “tàu 67” thì ngoài chi phí con tàu, phải gánh luôn các khoản nợ trước đây của chủ tàu cũ.

Theo ông Ngô Tấn, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất nhiều lần với Trung ương tháo gỡ quy định trên. Sắp tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ sửa đổi bằng cách cho chuyển nhượng “tàu 67” mà chủ mới không phải gánh nợ của chủ cũ, vẫn được hưởng các chế độ, chính sách như hỗ trợ về đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho thuyền viên đi biển trên tàu vỏ thép, vật liệu mới; vay vốn lưu động mức lãi suất thấp; hỗ trợ nhiên liệu...

Dự kiến thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ trình Chính phủ xem xét, thông qua nghị định mới để tạo động lực cho “tàu 67”. Dự thảo của nghị định mới sẽ nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.

Theo đó, sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên làm việc trên “tàu 67” và 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu cá từ 15m trở lên. Đối với hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu vỏ thép, sẽ thực hiện hỗ trợ một lần thay cho việc thanh toán như trước đây phải yêu cầu nhiều hóa đơn, thủ tục...

Ông Phạm Trọng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị bổ sung quy định cơ cấu lại nợ, được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp “tàu 67” gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ ngân hàng.

Bộ Tài chính cũng đã chủ động rà soát, nghiên cứu và đang triển khai sửa đổi quy định tại Thông tư 114 về hướng dẫn cấp bù lãi suất khi thực hiện chính sách tín dụng “tàu 67”.

Theo đó, sẽ bổ sung quy định về nguyên nhân khách quan, bất khả kháng khách hàng được cơ cấu lại nợ và được hưởng chính sách cấp bù lãi suất được công bố theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải pháp cho "tàu 67"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO