Giữ bình yên trên biển

VIỆT NGUYỄN 27/12/2022 06:47

Quảng Nam đã xử phạt nhiều tàu cá mất kết nối hơn 10 ngày trên biển để răn đe, từng bước đưa nghề khai thác hải sản đi vào nền nếp, phát triển bền vững.

Câu mực khơi là nghề có nhiều tàu cá vi phạm mất kết nối GSHT hơn 10 ngày trên biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Câu mực khơi là nghề có nhiều tàu cá vi phạm mất kết nối GSHT hơn 10 ngày trên biển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Theo quy định của Luật Thủy sản, tàu cá bị mất tín hiệu giám sát hành trình khi đang sản xuất trên biển phải khắc phục sự cố trong 10 ngày; nếu trong thời gian đó không khắc phục kịp thì ngư dân phải di chuyển tàu vào bờ.

Sợ mất chuyến biển

Trong tháng 12 này, có thêm 2 tàu cá của ngư dân vi phạm mất kết nối giám sát hành trình (GSHT) trên biển hơn 10 ngày là trường hợp của ông Lê Quang Dũng - chủ tàu lưới chụp QNa-90138 và Lê Đức Việt - chủ tàu hành nghề câu QNa-94445 (cùng xã Tam Quang, Núi Thành).

Ông Dũng bị phạt 25 triệu đồng, ông Việt bị phạt 20 triệu đồng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam đã có 21 chủ tàu cá bị phạt do tàu cá mất kết nối trên biển hơn 10 ngày với tổng số tiền xử phạt gần 400 triệu đồng. Các tàu cá mất kết nối trên hoạt động ở hầu hết nghề khai thác hải sản xa bờ, trong đó nhiều nhất là nghề câu mực xà.

Theo quy định của Luật Thủy sản, trường hợp không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng. Trường hợp tái vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt 500 - 700 triệu đồng. Phạt 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động đối với tàu 15 - 24m.

Theo ngư dân Trần Công Thái (xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-91207, việc lắp đặt, vận hành GSHT đem lại nhiều tiện ích cho ngư dân.

Khi thời tiết diễn biến bất thường trên biển, qua GSHT, ngành chức năng thông báo, hướng dẫn tàu cá di chuyển an toàn. GSHT còn giúp ngư dân nhận thông tin cảnh báo từ ngành thủy sản khi tàu cá giáp ranh vùng biển nước ngoài để đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam, tránh bị tàu nước ngoài bắt giữ.

Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, do chuyến biển câu mực khơi kéo dài 2 - 3 tháng, khi xảy ra sự cố mất tín hiệu GSHT, trong 10 ngày không xử lý kịp nếu phải đưa tàu về bờ sẽ mất chuyến biển, lỗ tổn hàng trăm triệu đồng.

“Ngành thủy sản cần phối hợp làm việc với các đơn vị viễn thông cung ứng thiết bị GSHT để bàn cách khắc phục mất tín hiệu giúp ngư dân sản xuất suôn sẻ ở các vùng biển xa gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Thái bày tỏ.

Có trường hợp đặc biệt là ngư dân Nguyễn Văn Bé (xã Tam Giang, Núi Thành) - chủ tàu câu mực khơi QNa-90237 đã bị xử phạt đến 3 lần do mất tín hiệu GSHT trên biển quá 10 ngày. Ông Bé cho biết, do đang thực hiện chuyến câu mực nên đành tiếp tục hoàn thành chuyến biển, chấp nhận nộp phạt khi về bờ.

Vì nghề cá bền vững

Điều 44 Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019 quy định, khi tàu cá mất kết nối GSHT thì chủ tàu phải sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, nhất là máy nhắn tin VX1700 để báo về đất liền và đơn vị cung cấp thiết bị đồng thời tiến hành sửa chữa.

Trong trường hợp không sửa được mà đã 10 ngày thì bắt buộc phải vào bờ. Trách nhiệm của chủ tàu cá khi ra khơi là phải kiểm tra tất cả thiết bị trên tàu để tránh thiệt hại cho mình và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, vì thiết bị GSHT là giải pháp quan trọng để các cơ quan chức năng quản lý chặt nghề cá, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài nên không vì bất cứ lý do gì để không xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm của ngư dân.

Bởi đó là “con đường” không thể khác để đi đến nghề cá bền vững, có trách nhiệm, khống chế khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không đúng quy định. Ngành thủy sản cần làm việc với các đơn vị cung ứng GSHT khắc phục các lỗi thiết bị, kỹ thuật để giúp ngư dân có chuyến biển suôn sẻ, không bị ngắt kết nối với trạm bờ.

Mới đây, Bộ NN&PTNT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ven biển sau khi nhận được thông báo tàu cá mất kết nối GSHT hơn 10 ngày trên biển phải xác nhận qua email “giamsattauca.tcts@gmail.com” và trả lời kết quả xử lý bằng văn bản về Tổng cục Thủy sản để theo dõi, tổng hợp, báo cáo.

Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố báo cáo đầy đủ kết quả xử lý đối với các tàu cá bị mất kết nối hơn 10 ngày trên biển trong 2 năm 2021, 2022. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, xử lý nghiêm đối với tàu cá mất kết nối GSHT trên biển hơn 10 ngày để công khai, minh bạch hoạt động của nghề cá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ bình yên trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO