Giúp nông dân làm kinh tế

VIỆT QUANG 13/12/2022 06:26

Các mô hình khuyến nông được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành triển khai thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao, giúp người dân có nguồn thu nhập khá.

Hỗ trợ nuôi ghép cá dìa với tôm sú, cua xanh giúp người dân Núi Thành phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT QUANG
Hỗ trợ nuôi ghép cá dìa với tôm sú, cua xanh giúp người dân Núi Thành phát triển kinh tế. Ảnh: VIỆT QUANG

Tháng 4/2022, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành hỗ trợ hộ ông Đỗ Tiến Sỹ (thôn Phú Quý 1, xã Tam Mỹ Đông) nuôi cá điêu hồng trong bể nổi công nghệ cao bằng phương pháp sinh học.

Bể nổi nuôi cá có khung bằng sắt, thể tích 560m3 có vách thẳng đứng lót bạt HDPE mềm trơn để không làm trầy xước cá, hạn chế chất bẩn, rong bám xung quanh để giảm nguy cơ cá điêu hồng ăn phải mắc bệnh đường ruột.

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho biết, quy trình kỹ thuật nuôi cá được nông hộ tiếp cận, vận dụng tốt sau khi ngành chức năng tập huấn. Cá về đến trại nuôi được tắm bằng nước muối 2 - 3% khoảng 5 - 10 phút để loại bỏ ký sinh trùng bám vào.

Lượng thức ăn nuôi cá có khẩu phần phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng của cá. Ngành chức năng hỗ trợ nông hộ 50% chi phí cá giống (28 nghìn con) và 50% thức ăn, vật tư nuôi cá.

Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học hiệu quả giúp phân hủy các chất hữu cơ trong nước, giảm độc tố trong môi trường nước, tăng lượng ô xy, tăng khả năng miễn dịch cho cá. Kết quả là đến cuối năm nay, hộ ông Đỗ Tiến Sỹ thu được 12,6 tấn cá điêu hồng, bán được 693 triệu đồng, trừ chi phí hết 471 triệu đồng, lãi 221 triệu đồng.

“Nuôi cá trong bể nổi cho hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi cá thích nghi, sinh trưởng, phát triển tốt. Cá điêu hồng có đầu ra ổn định, giá cả được đảm bảo nên tôi dự tính mở rộng quy mô. Tôi cũng kỳ vọng sẽ áp dụng với các loại cá khác như đối mục, cá măng để tăng thêm giá trị kinh tế” - ông Sỹ nói.

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành cho hay, toàn huyện có gần 2.000ha ao nuôi thủy sản nước lợ ở vùng triều với đối tượng chính là tôm thẻ chân trắng.

Những năm qua, nuôi tôm thường xảy ra dịch bệnh khiến nhiều ao bỏ hoang. Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành đã hỗ trợ các nông hộ thay thế tôm nuôi bằng nuôi ghép cá dìa, cua xanh, tôm sú... Nhiều hộ đã thu được hàng trăm triệu đồng sau mỗi năm thả nuôi.

“Các loại thủy sản mới phù hợp với điều kiện ao nuôi được cải tạo lại ở vùng triều. Thời gian nuôi ngắn, dễ nuôi, chi phí vừa phải, phù hợp với khả năng đầu tư của đa số hộ gia đình” - ông Quang nói.

Từ kết quả đạt được, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Núi Thành nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản, đặc biệt mô hình ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo đa dạng sản phẩm nuôi có chất lượng, giá trị gắn kết với thị trường tiêu thụ, cụ thể hóa định hướng phát triển nuôi thủy sản bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giúp nông dân làm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO