Góp ý dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản

Q.VIỆT 27/10/2021 16:56

(QNO) - Chiều nay 27.10, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội thảo trực tuyến toàn quốc góp ý dự thảo “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ở điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.VIỆT
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Q.VIỆT

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nghề cá nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngành thủy sản bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU từ năm 2017 đến nay vẫn chưa gỡ được; suy giảm nguồn lợi thủy sản cả vùng biển và vùng nội địa; cơ cấu nghề khai thác thủy sản chưa phù hợp; số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản lớn, đặc biệt tàu khai thác ven bờ với nghề hủy diệt, khai thác không theo mùa vụ; tổn thoát sau thu hoạch trong khai thác cao; đa dạng sinh học, các hệ sinh thái suy giảm; cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đồng bộ.

Hải sản ngư dân Quảng Nam khai thác được. Ảnh: Q.VIỆT
Thu mua hải sản do ngư dân Quảng Nam khai thác. Ảnh: Q.VIỆT

Bởi vậy, quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cấp thiết. Mục tiêu để Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; bảo tồn đa dạng sinh học với sự phong phú về nguồn gen, các loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Theo đó, đến năm 2030, diện tích vùng biển, ven biển, ven đảo được bảo vệ, bảo tồn đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Tổng sản lượng khai thác thủy sản giảm xuống còn 2,8 triệu tấn; tổng số tàu cá giảm xuống còn 83.600 chiếc; cơ cấu nghề khai thác thủy sản hợp lý hơn với nghề lưới kéo chiếm 14,6%, lưới vây chiếm 6,1%, lưới rê chiếm 37,6%...

Bảo tồn đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: HUỲNH NGỌC DIÊN
Bảo tồn đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Ảnh: HUỲNH NGỌC DIÊN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thống nhất với đánh giá của Bộ NN&PTNT xác định khu vực biển Tam Hải (Núi Thành) có tiềm năng bảo tồn biển; đề xuất Bộ NN&PTNT hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập số liệu, xây dựng quy hoạch chi tiết để thành lập khu bảo tồn biển. Thống nhất đưa vào danh mục khu vực biển cấm khai thác từ 1.4 đến 30.6 đối với vùng ven biển Cửa Đại (TP.Hội An) với diện tích 67km2 và vùng biển phía nam Hòn Ông (Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) diện tích 76km2.

Ông Hồ Quang Bửu cũng đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung vào danh mục thả rạn nhân tạo đối với các vùng biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành); bổ sung dự án ưu tiên điều tra nguồn lợi hải sản ven bờ, qua đó, hỗ trợ tỉnh xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng ven bờ và tuyến lộng cho từng địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Góp ý dự thảo quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO