Khó kiểm soát tàu cá ra vào cảng

VIỆT NGUYỄN 11/11/2022 09:43

Khu vực phía bắc của tỉnh chưa có cảng cá chỉ định; ngư dân giữ thói quen cập bến cá ở bãi ngang; Quảng Nam chưa truy xuất nguồn gốc hải sản; hạ tầng hệ thống cảng cá chưa đảm bảo... là những bất cập khiến việc kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng theo quy định gặp nhiều khó khăn.

Ngư dân cập bến cá An Lương (xã Duy Hải) để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân cập bến cá An Lương (xã Duy Hải) để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Né… cảng cá chỉ định

Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ năm 2019 quy định rõ tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải cập cảng cá chỉ định để bán hải sản. Tuy vậy, nhiều chủ tàu không tuân theo quy định này.

Ngư dân Phạm Lão (xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu cá có chiều dài 17m cho biết, thường xuyên cập bến cá Thanh Hà (Hội An) hoặc bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) để bán hải sản.

“Ở khu vực phía bắc của tỉnh chưa có cảng cá chỉ định, muốn vào cảng cá chỉ định để bán hải sản phải đưa tàu vào cảng cá Tam Quang (Núi Thành) tốn kém thời gian, tốn thêm dầu lại không biết bán có được giá không. Ngư dân chúng tôi giữ những mối bán hàng lâu nay” - ông Phạm Lão nói.

Từ đầu năm đến nay, ngành chức năng giám sát tổng sản lượng hải sản bốc dỡ qua các cảng cá chỉ định là 13.723 tấn, trong đó tại cảng An Hòa 8.937 tấn, tại cảng cá Tam Quang là 4.786 tấn.

“Con số báo cáo là 90 nghìn tấn hải sản ngư dân Quảng Nam khai thác được mỗi năm nhưng thực tế giám sát ở các cảng cá chỉ định chỉ là chưa đến 14 nghìn tấn, quá thấp. Các ngành chức năng cần kiểm soát chặt tàu cá khai thác trên biển, giám sát, thống kê kỹ khi tàu cá cập bờ bán hải sản” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

Theo ngư dân Trần Mão (phường Cửa Đại, TP.Hội An), có nhiều lý do để ngư dân không cập cảng cá chỉ định. Chẳng hạn, trước khi vào cảng cá chỉ định, phải thông báo trước 1 giờ. Khi cập cảng, phải cung cấp đầy đủ giấy tờ, thủ tục nghề cá, nếu thiếu sót sẽ bị phạt.

Hơn nữa, ngành chức năng sẽ đối chiếu, kiểm tra kỹ hành trình khai thác hải sản, ghi trong nhật ký với dữ liệu giám sát hành trình, nếu không đúng cũng bị phạt.

“Chúng tôi bán hải sản ở đâu cũng được, miễn là được giá và không có nhu cầu truy xuất nguồn gốc hải sản nên không nhất thiết phải vào cảng cá chỉ định để gặp nhiều… rườm rà” - ông Mão nói.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào liên hệ để thực hiện các bước chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản. Đó cũng là nguyên nhân khiến chủ tàu cá né cập cảng cá chỉ định để bán hải sản.

Theo ông Long, ở các bến cá tại vùng bãi ngang trên địa bàn tỉnh sôi động là do ngư dân dễ vào, dễ ra, không phải nộp giấy tờ và không chịu kiểm tra thủ tục.

“Quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng cá chỉ định để dễ quản lý, kiểm soát và nhất là chuyên nghiệp hóa nghề cá. Tuy vậy, từ quy định đến thực tiễn có khoảng cách, không dễ thực hiện” - ông Long nói.

Đầu tư và kiểm soát chặt

Cơ sở hạ tầng ở các cảng cá chưa đảm bảo khiến việc quản lý tàu cá cập cảng, rời cảng bất cập. Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá cho rằng, thiếu mái che và hệ thống điện chiếu sáng là thiếu sót rất lớn ở cảng cá Tam Quang. Vì không có mái che nên hải sản khi bốc dỡ khó đảm bảo chất lượng trong điều kiện trời nắng gắt. Vì không đủ điện chiếu sáng ở khu vực lên cá nên rất khó hoạt động vào ban đêm.

“Mong UBND tỉnh quan tâm và chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh khảo sát, đầu tư kiện toàn các thiếu sót trên để giúp ngư dân thuận lợi trong việc cập cảng cá chỉ định và giúp quản lý, kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng thuận tiện hơn” - ông Định nói.

Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng cá Tam Quang để bán hải sản. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Võ Văn Long cho biết, ở khu vực phía bắc của tỉnh đã có âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đầu tư khá kiên cố nên cần đầu tư thêm cảng cá loại II để Bộ NN&PTNT công nhận cảng cá chỉ định, giúp việc kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng được suôn sẻ.

“Việc này thuận lợi đôi đường, vừa giải quyết tình trạng thiếu cảng cá chỉ định ở khu vực phía bắc vừa phối hợp, kết nối cảng cá với khu neo đậu tàu, giúp lộ trình phát triển nghề cá bền vững ngắn lại” - ông Long nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu ngành thủy sản phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, các xã tuyến biển chú trọng tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về cập cảng cá chỉ định, khẩn trương khắc phục tình trạng ngư dân có tàu cá chiều dài từ 15m trở lên cập các bến cá ở bãi ngang, bến cá không chỉ định.

“Nghề cá hướng đến bền vững phải công khai, minh bạch. Tàu cá xuất, nhập cảng thì ngư dân phải khai báo các thông tin theo quy định, còn lực lượng chức năng phải thống kê, kiểm tra, ghi chép đầy đủ, đảm bảo nguyên tắc rõ ràng và chính xác” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó kiểm soát tàu cá ra vào cảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO