Kỳ vọng gỡ “thẻ vàng” thủy sản

ĐĂNG CAO 24/03/2020 08:39

Sau hơn 2 năm bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt “thẻ vàng” thủy sản, cùng với cả nước, Quảng Nam đang tích cực chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước còn dài, toàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện tốt các khuyến cáo để góp sức cùng cả nước được EC gỡ “thẻ vàng” trong thời gian đến.

Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện tiêu chí truy xuất nguồn gốc hải sản để góp sức cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quảng Nam đang nỗ lực thực hiện tiêu chí truy xuất nguồn gốc hải sản để góp sức cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản của EC. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Được và chưa được

Tháng 10.2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với nghề cá nước ta sau khi hải sản được khai thác không tuân thủ các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Việc này đã tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu hải sản. Châu Âu từ chỗ là thị trường lớn thứ 2 của nước ta đã tụt xuống thứ 5. Kết quả nổi bật sau một thời gian nỗ lực gỡ “thẻ vàng” thủy sản của nghề cá cả nước nói chung, Quảng Nam nói riêng là đã giảm từ 9 khuyến nghị của EC xuống còn 4 khuyến nghị sau lần kiểm tra hồi năm 2018. Đến nay, trong 4 khuyến nghị đó, Quảng Nam đã thực hiện được 3.

Về khung pháp lý, Quảng Nam thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017 (có hiệu lực từ năm 2019). Về hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá, trạm bờ ở Quảng Nam vận hành khá tốt, tiếp nhận, quản lý mọi hành trình sản xuất trên các vùng biển xa của ngư dân. Nhờ đó, trong nhiều năm qua, Quảng Nam không có tàu cá nào vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển không thuộc chủ quyền của Việt Nam. Về thực thi pháp luật, đến nay cả 57 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên của ngư dân Quảng Nam đều hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, hoạt động xuyên suốt trong quá trình bám biển. Các lực lượng kiểm ngư của tỉnh cũng thường xuyên có mặt trên các vùng biển để phát hiện, xử lý nghiêm trường hợp đánh bắt hải sản không đúng quy định. 

Thiếu sót là hạ tầng nghề cá của tỉnh đang trong quá trình đầu tư nên chưa đáp ứng được quy định truy xuất nguồn gốc hải sản sau đánh bắt. Cụ thể, cảng cá Tam Quang đang khẩn trương thi công, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10 năm nay, theo đó sẽ thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Cảng cá An Hòa (xã Tam Giang) được Bộ NN&PTNT chỉ định kiểm tra, kiểm soát khi tàu cá cập cảng, lên cá, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản theo khuyến cáo của EC, tuy nhiên việc này còn bỏ ngỏ. Nguyên do là tàu cá cập cảng này hành nghề câu mực khơi, lưới chụp với sản phẩm mực xà xuất khẩu sang Trung Quốc không cần truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, các sản phẩm hải sản xuất khẩu sang châu Âu là cá ngừ, cá nục, mực, bạch tuộc... lại không được chủ tàu đưa vào cảng này. 

Nhiều việc cần làm ngay

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến nay, Việt Nam có 13.150 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 2.372 tàu có chiều dài trên 24m (đạt 92%) và 10.778 tàu từ 15m đến dưới 24m (chỉ đạt 37%). Công tác kiểm soát tàu nước ngoài cập cảng Việt Nam để nhập khẩu sản phẩm hải sản sau chế biến còn yếu. Trong công tác theo dõi tàu cá, khả năng của cơ quan chức năng trong việc xác định tàu cá đang khai thác hải sản ở vùng biển nào còn hạn chế.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT sau khi cùng đoàn công tác của tỉnh vào tỉnh Bình Định dự hội nghị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chống IUU (do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây) cho biết, dự kiến tháng 5 và tháng 6, đoàn công tác của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực hiện các khuyến nghị về IUU. Nếu kết quả kiểm tra không đáp ứng yêu cầu, EC có thể nâng phạt “thẻ vàng” lên “thẻ đỏ”, lúc đó sẽ càng khó khăn cho xuất khẩu thủy sản. Bởi ngoài EC, các nước khác cũng có thể sẽ cấm thủy sản xuất khẩu của doanh nghiệp nước ta. 

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, “thẻ vàng” thủy sản là dịp để nghề cá Quảng Nam nhìn lại mình mà tái cơ cấu hoạt động đánh bắt hải sản, hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, Sở NN&PTNT cần khẩn trương phối hợp với lực lượng biên phòng, các địa phương ven biển khắc phục ngay hạn chế, tồn tại, nhất là kiểm soát chặt tàu cá của ngư dân khi ra vào cảng và quán xuyến chặt việc khai báo 1 giờ trước khi vào cảng của các chủ tàu cá. Thời gian qua, đôi lúc có xảy ra tình trạng gián đoạn tin nhắn về bờ của ngư dân khi sản xuất trên các vùng biển xa.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu ngành chức năng thường xuyên bảo dưỡng, nâng cấp trạm bờ để tiếp nhận thông tin của ngư dân. Đồng thời hỗ trợ các chủ tàu thay thế máy Movimar - thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng bằng máy khác để thông tin bờ - biển được cập nhật liên tục.

Ông Ngô Tấn cho biết, Quảng Nam đang nỗ lực để đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng hải sản cập bến tại các cảng cá chỉ định và thu hồi 100% nhật ký khai thác hải sản của các tàu cá cập cảng. Đó là nhiệm vụ quan trọng để truy xuất nguồn gốc hải sản, tạo thuận lợi xuất khẩu hải sản sau chế biến sang thị trường châu Âu. Đến ngày 1.4, toàn tỉnh sẽ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng gỡ “thẻ vàng” thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO