Kỳ vọng mô hình nuôi ghép thủy sản

VIỆT NGUYỄN 10/05/2021 08:51

Hiệu quả bước đầu từ nuôi ghép tôm sú, cua xanh và cá dìa của các nông hộ trên địa bàn huyện Núi Thành và TP.Hội An là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình này với kỳ vọng mới. 

Ông Võ Hồng Hải (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành) nói, nuôi ghép thủy sản vừa tăng giá trị kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường, nên nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển mô hình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Võ Hồng Hải (thôn Bình An, xã Tam Hòa, Núi Thành) nói, nuôi ghép thủy sản vừa tăng giá trị kinh tế vừa giảm ô nhiễm môi trường, nên nông dân cần được hỗ trợ nhiều hơn để phát triển mô hình. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thành quả bước đầu

Nhiều hộ nuôi thủy sản ở thôn Bình An (xã Tam Hòa, Núi Thành) đã đầu tư nuôi ghép tôm sú, cá dìa và cua xanh trong nhiều năm qua. Với diện tích mặt nước gần 2ha, ông Huỳnh Cần đã đầu tư 3 ao nuôi ghép các loại thủy sản nói trên. Ở mỗi ao, ông Cần nuôi 100 nghìn con tôm sú, 5 nghìn con cua và 5 nghìn con cá dìa.

“Tôi ghép 3 loại thủy sản đó lại nuôi chung để vừa bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh. Nhiều năm qua, tôi thu lời trung bình gần 70 triệu đồng mỗi năm” - ông Cần nói.

Cũng ở thôn Bình An, hộ ông Võ Hồng Hải đầu tư nuôi ghép tôm sú, cá dìa và cua xanh trên 8 ao nuôi có diện tích gần 3ha từ năm 2015 đến nay. Ở mỗi ao nuôi, ông Hải đầu tư nuôi 4.500 con cua, 4.500 con cá dìa và hơn 100 nghìn con tôm sú.

Ông Hải cho biết, tỷ lệ hao hụt khi nuôi ghép thủy sản không quá cao, tối đa chỉ đến 40%. Đặc điểm nuôi xen ghép là các loại thủy sản trong ao nuôi sẽ phân tầng tận dụng được thức ăn, chất thải của nhau và sử dụng hết thức ăn trong ao sau mỗi lần cho ăn. Từ đó không chỉ giảm chi phí thức ăn mà còn giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn thức ăn dư thừa dưới đáy ao.

Theo tính toán của người nuôi, các loại thủy sản nói trên đều có giá trị kinh tế cao, tôm sú cỡ 50 con/kg bán được khoảng 250 nghìn đồng/kg, cá dìa được bán hơn 150 nghìn/kg, cua xanh có giá dao động 150 - 200 nghìn đồng/kg. Bởi vậy, nếu thủy sản sinh trưởng tốt, thu hoạch trước mùa mưa bão thì giá trị kinh tế thu được khá, lên đến hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Tương tự, ở các khu vực ven sông, ven biển thuộc xã Cẩm Thanh hay phường Cẩm Châu (TP.Hội An), các hộ cũng triển khai nuôi ghép tôm sú, cá dìa và cua xanh, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế khá.

Còn nhiều việc phải làm

Theo ông Hứa Viết Thịnh - cán bộ phụ trách nuôi thủy sản của Trung tâm Khuyến nông, ghi nhận cách đầu tư nuôi ghép cá dìa, tôm sú, cua xanh của các hộ, nhưng dễ nhận thấy nhiều khiếm khuyết. Đó là việc nuôi chưa theo quy trình kỹ thuật, mật độ giống nuôi, đầu tư thức ăn, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi, phòng bệnh chưa tốt nên hiệu quả dù có nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Trung tâm Khuyến nông triển khai mô hình nuôi ghép các loại thủy sản nói trên để có cơ sở đánh giá hiệu quả, qua đó xây dựng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng và nhân rộng vào sản xuất đại trà.

Theo đó, với nguồn kinh phí hơn 137 triệu đồng, hỗ trợ nông dân thực hiện nuôi ghép cá dìa, tôm sú và cua xanh với mức hỗ trợ là 50% con giống cua xanh, 50% chi phí thức ăn cho cua gồm thức ăn tươi, cá tạp, chế phẩm sinh học, men tiêu hóa, vitamin C, thuốc bổ và tập huấn kỹ thuật. Với cá dìa và tôm sú, người nuôi tự lo liệu. Mô hình được triển khai ở Núi Thành và Hội An với diện tích gần 3ha.

“Kỳ vọng của mô hình là tỷ lệ sống của cua xanh đạt 40%, tôm sú đạt 40% và cá dìa đạt 60%. Trọng lượng thủy sản nuôi khi thu hoạch với cua xanh sẽ là 0,3kg/ con, tôm sú đạt 40 con/kg, cá dìa đạt 4 con/kg. Lợi nhuận thu được ước chừng 120 - 150 triệu đồng/ha, tăng hơn 20% so với sản xuất đại trà” - ông Thịnh nói.

Một số hộ tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh như Trần Văn Hạ, Phạm Hoàng, Võ Hồng Hải (cùng thôn Bình An, xã Tam Hòa) cho rằng, mức hỗ trợ của ngành chức năng khá thấp. Trong khi đó, hạ tầng các vùng nuôi ghép thủy sản sơ sài, chất bẩn từ sông Trường Giang, Thu Bồn vốn tăng mạnh trong thời gian qua dễ xâm nhập ao nuôi khiến tỷ lệ hao hụt sẽ cao.

Thời gian triển khai mô hình chưa dài, nếu thủy sản không lớn nhanh, khó thu hoạch trước mùa mưa bão, dễ thất thoát ra bên ngoài hoặc chết do bão lụt khiến môi trường nước biến động. Một vấn đề khác là ngoài cua giống do ngành chức năng hỗ trợ 50% chi phí, các giống cá dìa và tôm sú được bán trôi nổi trên thị trường, không có kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo.

“Chúng tôi tự nuôi ghép thủy sản hay được hỗ trợ thì chung quy cũng là hình thức quảng canh, tự phát, thành công hay thất bại chủ yếu dựa vào may rủi. Khi tích lũy được nguồn vốn lớn, chúng tôi sẽ đầu tư lại, đồng bộ các yếu tố từ hạ tầng kiên cố đến con giống chất lượng, kỹ thuật quy củ, nhất là ký kết hợp đồng để ổn định đầu ra thủy sản, tránh bị tư thương ép giá” - ông Võ Hồng Hải nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng mô hình nuôi ghép thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO