Kỳ vọng vụ nuôi tôm mới

VIỆT NGUYỄN 21/01/2022 08:49

Nuôi tôm nước lợ vụ 1 năm 2022 đã bắt đầu với nhiều kỳ vọng của nông hộ và ngành chức năng.

Nuôi tôm vụ 1 năm 2022 đã bắt đầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nuôi tôm vụ 1 năm 2022 đã bắt đầu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 được Sở NN&PTNT ban hành, vụ 1 đã chính thức bắt đầu từ ngày 15.1. Ở các vùng cao triều, nhiều hộ nuôi đã bắt đầu thả tôm giống sau khi chuẩn bị kỹ càng.

Ông Phan Phú Bài (thôn Diêm Trà, xã Tam Tiến, Núi Thành) cho biết, những năm qua, nhờ được tập huấn về khoa học - kỹ thuật và tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên các vụ nuôi tôm khá thành công. Tiêu biểu như vụ 2 năm 2021, nuôi tôm đạt thu lãi gần 1 tỷ đồng. Ở vụ 1 năm nay, ông Bài đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng trên 3 ao nuôi có tổng diện tích 1.200m2.

Trong vòng gần tháng qua, ông Bài phơi khô các ao nuôi, cải tạo kỹ, diệt vi khuẩn gây bệnh bằng vôi, chlorin sau đó cho nước đã lắng lọc vào ao, thử độ pH, độ mặn đạt yêu cầu rồi thả tôm đã được kiểm dịch, chất lượng tốt để nuôi thương phẩm.

“Tôi dứt khoát nói không với tôm giống giá rẻ trôi nổi ở các chợ, mà chọn giống ở các công ty uy tín để nuôi. Quy trình của tôi là tôm giống sạch, môi trường nước sạch, thức ăn sạch và chỉ dùng chế phẩm sinh học, không dùng kháng sinh, hóa chất. Điều kiện đủ để vụ nuôi tôm này thành công là tôm thương phẩm khi thu hoạch đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm” - ông Bài nói.

Ở các khu vực xã Tam Anh Bắc, Tam Anh Nam, Tam Hòa, Tam Giang (Núi Thành), người nông dân cũng đã bước vào vụ nuôi tôm mới. Trong khi đó, ở các vùng nuôi tôm thuộc các xã Tam Thăng, Tam Phú (Tam Kỳ), Bình Nam, Bình Hải, Bình Sa (Thăng Bình), các hộ nuôi tôm đang cải tạo ao, chờ thời tiết thuận lợi sẽ thả tôm giống để bước vào vụ mới.

Ông Phan Đình Đông (thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam) cho biết, ở cả 2 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng trong năm 2021 đều đạt năng suất nhưng giá cả không đạt do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19.

“Ở vụ 1 năm nay, tôi áp dụng nuôi tôm VietGAP để kỳ vọng giá bán sẽ cao hơn. Truy xuất được nguồn gốc tôm thương phẩm là yếu tố rất cần thiết để doanh nghiệp, tư thương tìm đến mình mua tôm làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu” - ông Đông nói.

Do nước sông Trường Giang bị ô nhiễm nặng trong thời gian qua nên ở vụ 1 năm 2022, hầu hết hộ nuôi đóng giếng để lấy nước ngầm rồi pha loãng nuôi tôm. Nhiều hộ áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi tôm 2, 3 giai đoạn với các ao chứa lắng, ao nuôi từng giai đoạn được xử lý bằng thuốc tím. Tín hiệu vui nữa là các hộ đầu tư hạ tầng cho nuôi tôm kỹ càng với đường, điện, các công trình thủy lợi, kênh cấp, kênh thoát nước bài bản.

Để vụ nuôi thành công

Năm nay được các ngành chức năng dự báo sẽ có nhiều diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn nên nuôi tôm nước lợ đối diện không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản (Chi cục Thủy sản Quảng Nam) cho biết, để hỗ trợ người nuôi tôm, đơn vị đang phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, tổng hợp báo cáo việc thực hiện lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ vụ 1, tham mưu Sở NN&PTNT có các giải pháp chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Cùng với đó, chú trọng thực hiện chương trình quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi tôm, kịp thời thông báo đến địa phương và người nuôi để chủ động ứng phó, hạn chế bất trắc.

“Để nuôi tôm thành công, điều kiện cần là ổn định về tôm giống, thức ăn, vật tư thủy sản nên chúng tôi kiểm soát điều kiện của cơ sở ương dưỡng tôm giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường để nghề nuôi tôm nước lợ đảm bảo” - ông Toàn nói.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu ngành chăn nuôi & thú y thực hiện tốt công tác kiểm dịch tôm giống, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngành chăn nuôi & thú y phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai phương án phòng chống dịch bệnh, quản lý chặt thuốc thú y nuôi tôm, tuyên truyền người nuôi tôm sử dụng thuốc thú y đúng quy định.

Để đạt năng suất, sản lượng và giá cả bán tôm thương phẩm, ngành thủy sản khuyến cáo các hộ nuôi tôm thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, môi trường, quản lý chặt tôm nuôi, định kỳ bổ sung khoáng chất, tăng sức đề kháng cho tôm, nhất là có kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh.

Hộ nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe tôm nuôi, nếu phát hiện dấu hiệu bệnh, lấy mẫu tôm đi xét nghiệm để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh và có những biện pháp chữa trị phù hợp. Trong mọi trường hợp, cần tránh xáo động môi trường nước ao nuôi. Đặc biệt, với bệnh do vi rút gây ra, người nuôi tôm phải báo ngay cho trạm thú y, chính quyền địa phương để được hướng dẫn xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ vọng vụ nuôi tôm mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO