"Lỏng lẻo" với nghề cá ven bờ

VIỆT NGUYỄN 23/03/2023 06:29

Nghề cá ven bờ thu nhập bấp bênh nhưng tiềm ẩn nguy cơ tàn phá nguồn lợi, môi trường biển. Trong khi đó, việc quản lý phương tiện và chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm được thực hiện bền bỉ với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng gặp không ít khó khăn.

Không đăng ký, không được cấp phép khai thác hải sản, những chiếc thuyền không số hiệu vẫn ngày đem bám biển ven bờ với nhiều hệ lụy. Ảnh: V.N
Không đăng ký, không được cấp phép khai thác hải sản, những chiếc thuyền không số hiệu vẫn ngày đem bám biển ven bờ với nhiều hệ lụy. Ảnh: V.N

Thuyền… không số

Bến cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) xôn xao buổi chiều bởi hàng chục tàu thuyền nhỏ nối đuôi nhau ra biển đánh bắt hải sản. Đáng chú ý là nhiều tàu thuyền trong số này không có đăng ký số hiệu. Khi được hỏi về việc này, ngư dân Huỳnh Chiêm (thôn An Lương) nói: “Mình lén khai thác hải sản từ đêm đến sáng”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, không thể tiếp tục thả nổi các tàu thuyền nhỏ. Các địa phương, ngành thủy sản phải kiểm soát tốt để đưa nghề cá vào nền nếp.

“Đã là nghề cấm thì ngư dân không được sử dụng. Là vùng cấm khai thác hải sản thì ngư dân không được điều tàu thuyền đến khai thác. Những quãng thời gian các loài sinh sôi, đã có thời gian cấm thì ngư dân phải tuân thủ. Các loài hải sản quý hiếm, nguy cấp và hải sản có kích cỡ nhỏ hơn quy định thì ngư dân không được khai thác” - ông Bửu nói.

Nghề cá ven bờ với tàu thuyền nhỏ lâu nay chủ yếu khai thác kiểu được chăng hay chớ, nhưng chuyển hình thức đánh bắt này sang nghề cá có trách nhiệm không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ngư dân Phạm Văn Chút (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cho biết, trước đây ông đi bạn cho các tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Các chuyến biển kéo dài gần tháng trời nhưng thu nhập không cao, có khi sản lượng ít không được chia đồng nào.

Từ tiền gom góp lâu cộng với vay mượn của người thân, ông Chút đóng chiếc thuyền 10m, trang bị máy thủy 30CV để hành nghề lờ mực. Chiếc thuyền của ông Chút không số hiệu, máy thủy cũng không rõ xuất xứ, vỏ thuyền lâu ngày va vấp trên biển đã bong tróc, vá víu sơ sài nhiều chỗ.

“Mình đánh bắt gần bờ nên cũng ít lo thuyền bị chết máy hay hư hỏng. Nghề cá chừ khó khăn lắm, hải sản ít, đầu ra bấp bênh. Đắp đổi qua ngày nên không dành dụm đủ tiền để tân trang lại chiếc thuyền… câu cơm này” - lời ông Chút.

Các phương tiện đánh bắt thủy hải sản như ông Chút thường khai thác từ đêm đến sáng là vào bờ. Các dụng cụ đánh bắt mà ngư dân sử dụng chủ yếu là lờ Trung Quốc, xiệc điện…, gây nhiều nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi hải sản, hủy hoại môi trường biển.

Bài toán nan giải

Hàng chục năm nay việc chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm được thực hiện bền bỉ với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng “cái phao” đã có là đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/3.

 Quảng Nam đang thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nghề nuôi biển. Với đề án trên, ngành thủy sản và các địa phương ven biển có thể giúp ngư dân tiếp cận chính sách để chuyển từ nghề cá ven bờ sang nuôi biển - sinh thái quen thuộc với họ bấy lâu nay.

Còn một cách khác, như ở cộng đồng ngư dân Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An), thay vì bám nghề cá ven bờ nhiều người đã chuyển sang nghề cá giải trí, giúp du khách trải nghiệm nghề biển gắn liền với tìm hiểu, khám phá tập quán của vùng đất.

Còn ở địa phương đông ngư dân với nghề cá ven bờ truyền thống như xã Tam Tiến (Núi Thành), ông Nguyễn Xuân Luận - Chủ tịch UBND xã nói đã thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu. Ngư dân sẽ từng bước chuyển nghề cá sang phục vụ giải trí cho du khách. Trước mắt tuyền truyền để ngư dân “nói không” với kiểu khai tận diệt.

Bảo vệ nguồn lợi hải sản, môi trường biển, ngăn chặn tình trạng đánh bắt hải sản không đăng ký, không giấy phép, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, trên hết vẫn là ý thức tự giác chấp hành pháp luật của ngư dân.

Ngành thủy sản, các địa phương có nghề cá của tỉnh cần rà soát lại tất cả phương tiện nhỏ, vận động ngư dân đăng ký, thực hiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để được cấp giấy phép khai thác hải sản.

Ngư dân cần được tuyên truyền, tập huấn, vận động cam kết đánh bắt thân thiện với sinh thái, nguồn lợi biển. Mỗi khi ra khơi cần trang bị đầy đủ phương tiện cứu sinh, phương tiện tín hiệu, thiết bị vô tuyến điện, máy móc hàng hải... để đảm bảo an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Lỏng lẻo" với nghề cá ven bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO