Mở đường cho nghề nuôi biển - Bài 1: Tiềm năng

VIỆT NGUYỄN 06/06/2022 05:33

Phát triển tự phát thời gian khá dài, với quy mô nhỏ lẻ nên nghề nuôi hải sản tại các vùng biển (nghề nuôi biển) trên địa bàn tỉnh bộc lộ nhiều hạn chế. Quảng Nam đang xây dựng giải pháp đồng bộ nhằm tạo cú hích cho nghề nuôi biển. Trong đó đặc biệt chú trọng đến các chính sách, cơ chế hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết tạo chuỗi giá trị để cụ thể hóa mục tiêu nuôi biển công nghiệp, bền vững.

Ngư dân thả nuôi hải sản trong lồng bè. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ngư dân thả nuôi hải sản trong lồng bè. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Với chiều dài bờ biển 125km2 qua 6 huyện, thị xã, thành phố; 3 cửa biển lớn là Cửa Đại (Hội An), An Hòa và Cửa Lở (Núi Thành) cùng 2 xã đảo Tân Hiệp (Hội An), Tam Hải (Núi Thành), Quảng Nam có lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Tuy vậy, các mô hình nuôi hải sản trên biển trong thời gian qua diễn ra tự phát, giá trị kinh tế chưa cao.

Quy mô nhỏ lẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành nuôi biển Quảng Nam như một bức tranh đa sắc màu. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp các mảng chưa hài hòa, hợp lý, thiếu chặt chẽ. Cụ thể, phát triển nuôi biển không theo quy hoạch, còn lãng phí tài nguyên mặt nước, nguồn cung chưa nhiều nhưng đôi khi sản phẩm lại ế ẩm do phụ thuộc vào tư thương...

Ở khu vực biển Cửa Đại (phường Cửa Đại, TP.Hội An), ông Trương Minh Nghĩa và Huỳnh Nhẹ (khối phố Phước Trạch) đầu tư nuôi 1 bè với 40 lồng gồm 10 nghìn con cá bớp và 10 vạn cá chim. Cá giống được mua ở tỉnh Khánh Hòa (cá bớp giống có giá 20 - 30 nghìn đồng/con, cá chim giống có giá 8 nghìn đồng/con).

Ông Nghĩa cho biết, mỗi năm nuôi 1 vụ, sau 7 - 8 tháng thì thu hoạch. Cá bớp chỉ ăn cá tươi sống còn cá chim ăn thức ăn công nghiệp là chủ yếu.

“Cá bớp khi thu hoạch có trọng lượng trung bình 3kg/con. Năm vừa rồi tôi thu hoạch được 30 tấn cá bớp, bán được 3,6 tỷ đồng. Tiền thức ăn quá lớn, chiếm đến gần 2/3 chi phí. Cá chim lãi khá cao vì chi phí ít. Nhìn chung, nghề này giúp chúng tôi có sinh kế ổn định, muốn nuôi biển lâu dài” - ông Nghĩa nói.

Hiện khu vực biển Cửa Đại có 9 hộ dân nuôi biển, ngoài 2 loại cá nói trên, đối tượng nuôi còn có thêm cá dìa, cá chẽm, cá măng. Ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, nhiều nông hộ nuôi biển có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. 

Vùng biển Cửa Đại có nguồn nước trong sạch, các loại hải sản nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cần khơi thông thêm thế mạnh để phát triển bền vững. Hạn chế là đối tượng nuôi biển ở Cửa Đại còn ít, chủ yếu là cá, người dân chưa dám nuôi tôm hùm, bào ngư, điệp, ốc nhảy, ốc hương...

Tiềm năng nuôi biển đang được khai phóng ở vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An). Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tiềm năng nuôi biển đang được khai phóng ở vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An). Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“Mong các cơ quan của tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân phát triển đa dạng các đối tượng nuôi biển mới có giá trị kinh tế cao. Mong tỉnh có cơ chế thoáng để thu hút các cơ quan nghiên cứu, quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi biển tập trung ứng dụng công nghệ cao. Nuôi biển cần phát triển theo hình thức hữu cơ, sinh thái, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa không gây ô nhiễm môi trường” - ông Sỹ nói.

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, theo số liệu cuối năm 2021, nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh khá đa dạng đối tượng gồm nuôi các loại cá mú, cá hồng, nuôi cua, rong câu chỉ vàng. Riêng nuôi biển ở khu vực Cửa Lở và Cửa Đại có 3.308 lồng (quy cách 50 - 70m3/lồng, khung lồng bằng gỗ, thép, lưới PE).

Quảng Nam chưa chủ động về con giống mà phải nhập từ tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận; kích cỡ con giống khá lớn, ít hao hụt. Thời gian nuôi biển tùy thuộc vào từng đối tượng nhưng dao động 6 - 9 tháng.

Năng suất nuôi cá bớp đạt 12 - 15kg/ m3; cá chim 9 - 11kg/m3, cá dìa 7 - 9kg/m3. Sản lượng thu hoạch nuôi biển đạt 3.000 tấn.

Nuôi hải sản trong lồng bè trên biển được thí điểm với mô hình nuôi ốc hương, tu hài, vẹm tại vùng biển Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, Hội An), Bàn Than (xã đảo Tam Hải, Núi Thành).

Ở khu vực cửa An Hòa, diện tích nuôi hàu, nghêu khoảng 20ha, sản lượng 20 tấn/năm. Do lồng bè chưa đạt tiêu chuẩn nên sức chịu sóng gió chưa đạt, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Hướng sản xuất hàng hóa

Thực tế sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, nghề nuôi biển mang lại giá trị kinh tế khá, các vùng biển của tỉnh phù hợp để phát triển nghề này với nhiều đối tượng nuôi thương phẩm.

PGS-TS.Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tại hội thảo “Phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Quảng Nam” cho rằng, với tiềm năng và lợi thế, Quảng Nam cần đầu tư mạnh để tạo đột phá cho nghề nuôi biển.

Trên cơ sở Chiến lược nuôi biển Việt Nam, tỉnh cần mời gọi doanh nghiệp vào để nghiên cứu sản xuất giống và đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa.

Nuôi biển công nghiệp, bền vững là hướng phát triển ngành thủy sản của Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Nuôi biển công nghiệp, bền vững là hướng phát triển ngành thủy sản của Quảng Nam. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

“Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về nuôi biển không chỉ giúp ngành thủy sản Quảng Nam trở thành ngành sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu xuất khẩu mà còn đáp ứng nhu cầu trong nước, nhất là cung ứng ẩm thực đặc trưng, nổi trội cho khách du lịch vốn rất đông đảo” - PGSTS.Nguyễn Hữu Dũng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, Quảng Nam có dư địa rất lớn để phát triển nghề nuôi biển. Định hướng của tỉnh là trước mắt phát triển nuôi biển ở gần bờ (khu vực Cửa Đại), Cửa Lở, An Hòa (Núi Thành); khu vực biển quanh mũi Bàn Than, Hòn Thơm, Hòn Dứa (xã đảo Tam Hải), từng bước phát triển nuôi biển ở các khu vực xa hơn là bên ngoài Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Về đối tượng nuôi biển, ưu tiên phát triển các loài hải sản có thị trường tiêu thụ rộng lớn và có lợi thế cạnh tranh như nhóm cá biển (cá bớp, cá chim, cá mú, cá hồng, cá bè); nhóm nhuyễn thể (bào ngư, ốc hương, hàu, vẹm xanh), nhóm rong biển, tảo biển. Phương thức nuôi biển là nuôi công nghiệp, sử dụng lồng nuôi hiện đại chất liệu HDPE, composite.

“Không thể không tổ chức lại sản xuất và thương mại, xây dựng các chuỗi giá trị, gắn kết các khâu từ sản xuất giống, sản xuất thức ăn, công nghiệp phụ trợ đến nuôi hàng hóa lớn, thu hoạch, bảo quản, chế biến tại chỗ đáp ứng các tiêu chí khắt khe về an toàn thực phẩm để xuất khẩu và cung ứng thị trường nội địa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói.

Ông Phạm Viết Tích cho rằng về lâu dài, Quảng Nam phát triển nghề nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Đối với vùng ven bờ, ưu tiên cho các hộ sinh sống tại địa phương vốn có kinh nghiệm nuôi hải sản.

Sở NN&PTNT đang tham mưu UBND tỉnh chiến lược nuôi biển theo hướng từng bước hình thành các vùng nuôi biển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái cho người dân; đồng thời thực hiện giao mặt nước biển cho người dân theo quy định của Luật Thủy sản 2017.

Theo đó, đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi biển; hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nuôi biển theo hướng đa chức năng, từ vận chuyển giống, thức ăn đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài phù hợp với từng vùng sinh thái, sức tải môi trường, gắn với bảo vệ, phát triển nguồn lợi và đồng quản lý ở vùng bãi triều, đầm phá, rừng ngập mặn ven biển…

Nuôi biển Quảng Nam từng bước chuyển biến theo hướng công nghiệp, hiện đại, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng hệ thống lồng, bè có kết cấu và vật liệu phù hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết.

------------------------
Bài 2: Nhận diện thách thức

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở đường cho nghề nuôi biển - Bài 1: Tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO