Mực xà được mùa, được giá

VIỆT NGUYỄN 17/06/2022 06:50

Hàng loạt tàu câu mực khơi và chụp mực cập cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành) bán mực xà rồi lại tranh thủ thời tiết thuận lợi, vươn khơi ngay. Được mùa được giá, ngư dân rất phấn khởi.

Mực xà được mùa lại được giá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Mực xà được mùa lại được giá. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trong bối cảnh, giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh mới, lương thực, thực phẩm, đá cây, các vật dụng thiết yếu khác tăng giá, chi phí chuyến biển cao, việc “ăn nên làm ra” với nghề lưới chụp và câu mực khơi là điểm nhấn của nghề biển Quảng Nam vào thời điểm này.

Vui mùa mực khơi

Tàu câu mực QNa-90039 có công suất 989CV của ngư dân Lương Căn Cam (thôn Đông An, xã Tam Giang) vừa cập bờ bán hải sản. Ông Cam cho biết, chuyến biển ở ngư trường Trường Sa với 50 bạn biển thu được 36 tấn mực xà khô, bán được 6,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được 1,4 tỷ đồng, mỗi bạn biển được chia trung bình 80 triệu đồng.

“Mực xà to hoạt động rất dày nên các thuyền thúng đều câu mực đạt. Chuyến biển dự kiến diễn ra 3 tháng nhưng kết thúc sớm hơn 1 tháng. Niềm vui được mùa càng nhân lên khi giá mực ở mức rất cao” - ông Cam nói.

Ngư dân Phạm Trọng Cầu (thôn Đông An, xã Tam Giang) - bạn biển lâu năm của ông Cam cho biết: “Chúng tôi rất vui vì nghề câu mực khơi đang làm ăn phát đạt. Nhiều thời điểm giá mực xà chỉ ở mức 50 - 70 nghìn đồng/kg nay tăng lên hơn 180 nghìn đồng/kg nên ra sức sản xuất”.

Ông Ngô Văn Định - Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá & quản lý cảng cá Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 92 lượt tàu câu mực khơi và lưới chụp cập cảng cá An Hòa, bán hải sản với sản lượng 920 tấn mực xà khô. Được mùa, được giá, sản phẩm mực xà là điểm sáng của nghề cá Quảng Nam. Trong khi đó với các nghề lưới vây, lưới cản, lưới rê, ngư dân Quảng Nam cập cảng cá Tam Quang không nhiều, sản lượng lại không cao, thu nhập thấp do giá xăng dầu tăng liên tục, chi phí chuyến biển cao.

Tàu lưới chụp QNa-91612 của ngư dân Đỗ Văn Trầm (thôn Đông Bình, xã Tam Giang) cũng vừa cập cảng cá An Hòa để bán mực khô. Ông Trầm cho biết, chuyến biển kéo dài trong 15 ngày với 12 bạn biển ở ngư trường Hoàng Sa thu được 10 tấn mực khô, bán được 1,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, chủ tàu thu được gần 500 triệu đồng, mỗi bạn biển được chia gần 50 triệu đồng.

“Cùng khai thác mực xà nhưng nghề lưới chụp năng động hơn, an toàn hơn nghề câu mực khơi. Chúng tôi sẽ lại vươn khơi ngay sau khi thu mua đủ nhiên liệu, nước uống, lương thực, gas...” - ông Trầm nói.

Ở ngay cảng cá An Hòa có cơ sở thu mua mực xà khô của bà Phan Thị Tuyết (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) và ông Trần Văn Nhân (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang).

Bà Tuyết cho biết đang thu mua mực xà khô cỡ lớn với giá 185 nghìn đồng/kg, cỡ nhỏ 160 nghìn đồng/kg. Thị trường mực xà hiện rộng mở hơn mọi năm, có thể bán cho Trung Quốc, Thái Lan và cả thị trường nội địa. Cơ sở đã mở rộng diện tích, sân phơi rộng, kho bảo quản cũng rộng rãi, thoáng mát, có hơn 20 lao động, nên lượng mực xà ngư dân đem đến bao nhiêu bà đều thu mua.

Bám biển quanh năm

Tàu câu mực QNa-90039 của ngư dân Lương Văn Cam sắp sửa ra khơi để thực hiện chuyến câu mực khơi thứ 3 trong năm. Ông Cam cho biết, nghề câu mực khơi chỉ thực hiện tối đa 4 chuyến/năm do mỗi chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng nên phải tranh thủ thời gian.

Các tàu chụp mực và câu mực khơi sắp sửa vươn khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các tàu chụp mực và câu mực khơi sắp sửa vươn khơi. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Nghề này rất cực nhưng thu nhập ổn định. Công việc câu mực khơi được tiến hành vào ban đêm, mỗi người một chiếc thúng được thả từ thuyền lớn, lênh đênh câu mực giữa đại dương đến sáng hôm sau.

Mực thường bị hấp dẫn bởi ánh sáng trong đêm nên khi câu mực khơi, ngư dân trưng dụng bóng điện công suất lớn thắp sáng để thu hút mực. Sau một đêm lao động, chủ tàu đi đón từng bạn biển, đưa thúng và người lên tàu để phơi khô mực. Ngoài đối diện với thiên tai, sóng lớn thất thường, các thuyền thúng còn có nguy cơ bị tàu hàng tông phải.

Ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết, đội tàu câu mực khơi trên địa bàn hiện có hơn 50 chiếc, đội tàu lưới chụp gần 20 chiếc. Rất đáng mừng là trong khi ở nhiều địa phương, nghề câu mực khơi không thể duy trì thì nghề này lớn mạnh đem lại thu nhập khá cho ngư dân.

“Dù có khó khăn, vất vả, nguy hiểm đến đâu, ngư dân câu mực xà Tam Giang vẫn can trường bám biển. Họ luôn ý thức trách nhiệm của mình là bám biển đi đôi với gìn giữ ngư trường, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Châu nói.

Nghề câu mực khơi và lưới chụp hiện cũng lớn mạnh ở xã biển Bình Minh (Thăng Bình). Bà Đinh Thị Lan - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Minh cho biết, trên địa bàn hiện có 32 tàu câu mực khơi, hàng chục tàu lưới chụp. Ở cả 2 chuyến biển từ đầu năm đến nay, các tàu câu mực đều thu được sản lượng khá, trung bình 20 tấn/tàu/chuyến biển. Nghề lưới chụp thực hiện nhiều chuyến biển hơn (chừng 15 - 20 ngày/chuyến), sản lượng khá.

“Câu mực khơi cùng với lưới vây, lưới chụp là 3 nghề khai thác hải sản xa bờ chủ lực của ngư dân trên địa bàn. Nhiều ngư dân đi bạn với nghề câu mực khơi, lưới chụp đã tích lũy được vốn liếng, đóng tàu mới để vươn khơi làm giàu từ biển” - bà Lan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mực xà được mùa, được giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO