Mưu sinh bằng nghề vá lưới

PHƯỚC HIẾU 16/09/2022 08:26

Nghề vá lưới ở các xã ven biển huyện Núi Thành giúp cho nhiều người phụ nữ có thêm thu nhập. Nghề này tuy không khó nhưng đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn để làm cho tấm lưới thêm bền chặt, thẩm mỹ.

Đội vá lưới thường có tầm 4 - 10 người, mỗi ngày làm 8 tiếng trên các tàu cá ở cảng biển. Ảnh: N.Q
Đội vá lưới thường có tầm 4 - 10 người, mỗi ngày làm 8 tiếng trên các tàu cá ở cảng biển. Ảnh: N.Q

Sau mỗi chuyến ra khơi, lưới cá thường hư hỏng do nhiều nguyên nhân như sử dụng lâu ngày, tải trọng cá nặng, cọ sát với máy tời khi kéo, hoặc bị các rạn đá, san hô làm rách…

Vì thế, khi cập bờ cân cá cho thương lái, các chủ tàu thường gia cố lại ngư lưới cụ trước khi ra khơi đánh bắt. Đây cũng là thời điểm những người làm nghề vá lưới hành nghề và có thêm thu nhập.

Ở các cảng cá An Hòa và Tam Quang (Núi Thành), lúc nào cũng có người hành nghề vá lưới. Mỗi đội vá lưới thường từ 5 - 10 người, phần lớn là phụ nữ ở độ tuổi trung niên. Hằng ngày, họ chia nhau đi vá lưới cho các tàu cá khi chủ tàu thuê.

Mỗi lần đi vá lưới, người thợ mang theo chiếc kim chuyên dụng, còn dây nhợ do chủ tàu sắm sẵn. Công việc của họ bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều hằng ngày.

Tùy theo tình trạng của tấm lưới mà người thợ làm những công việc khác nhau như cột lại viền lưới, vá lưới, cột phao… Tiền công được chủ tàu tính theo ngày, dao động từ 300 - 350 nghìn đồng/ngày.

Bà Phạm Thị Linh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho biết, bà làm nghề vá lưới hơn 15 năm nay. Đội vá lưới của bà có 4 người, đều là phụ nữ có độ tuổi từ 40 trở lên. Mỗi ngày đội của bà làm việc 8 tiếng trên các tàu cá.

“Nghề vá lưới thì ai cũng làm được, nhưng để trở thành thợ chuyên nghiệp thì cần phải trau dồi kinh nghiệm. Tôi hành nghề lâu nên giờ chỉ cần nhìn vào là biết ô lưới vá như thế nào, tùy theo từng loại lưới mà cách vá khác nhau.

Trước khi vá, tôi dùng một chân duỗi thẳng để cố định đoạn lưới, tay dùng dao nhỏ cắt chỗ lưới rách cho đều nhau, sau đó lấy nhang thắp thui chỗ đầu mối để dây nhợ không tua ra. Xong các công đoạn trên mới bắt đầu vá lưới” – bà Linh chia sẻ.

Bà Bùi Thị Lân (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho hay, nghề vá lưới không nặng nhọc nhưng phải tập trung đôi mắt nên rất mỏi mắt. Tùy theo từng loại lưới mà dùng các loại dây nhợ để vá các ô lưới. Mỗi ngày, bà vá được hàng trăm mét lưới, sau khi vá xong dùng dây nhợ kết nối các đoạn lưới lại với nhau thành một tấm lưới hoàn chỉnh.

“Công việc vá lưới giúp cho chị em phụ nữ vùng biển chúng tôi có thêm thu nhập lúc rảnh rỗi, nhưng nghề này không diễn ra thường xuyên. Mỗi tháng làm được vài ngày vào những tuần trăng, tàu thuyền không ra khơi.

Ngoài ra, tôi và nhiều phụ nữ khác nhận lưới về nhà vá gia công hoặc đan lưới mới cho các chủ tàu. Bình quân mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 7 triệu đồng, có thêm kinh phí để trang trải gia đình” – bà Lân nói.

Ở các xã ven biển Tam Quang, Tam Giang, Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến nghề vá lưới hình thành cùng với nghề đánh bắt thủy sản. Đa số các chủ tàu đánh bắt thủy sản đều tự làm lưới thủ công để việc đánh bắt đạt hiệu quả và độ bền lâu hơn.

Ông Nguyễn Thanh Thành (một chủ tàu cá ở thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) cho biết: “Sau mỗi chuyến ra khơi khoảng 20 - 25 ngày, lưới thường bị sự cố do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, tôi thường tìm thuê thợ gia cố lưới trước khi ra khơi chuyến mới, chi phí gia cố khoảng 7 - 10 triệu đồng, tùy theo lưới rách nhiều hay ít. Đội thợ vá lưới ở cảng cá Tam Quang đều có kinh nghiệm, tỉ mỉ, tấm lưới vá xong rất bền nên tôi rất yên tâm”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưu sinh bằng nghề vá lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO