Ngư dân Hội An bỏ tàu bỏ biển

KHÁNH LINH 26/04/2023 06:34

Nguồn lợi cạn kiệt, chi phí khai thác tăng cao, thu nhập bấp bênh, thiếu bạn biển… là những nguyên nhân khiến đội tàu đánh bắt hải sản trên biển TP.Hội An ngày càng sụt giảm.

Số lượng tàu thuyền đánh bắt cá trên biển tại xã Cẩm Kim ngày càng ít dần. Ảnh: V.LỘC
Số lượng tàu thuyền đánh bắt cá trên biển tại xã Cẩm Kim ngày càng ít dần. Ảnh: V.LỘC

Tàu nằm bờ

Ông Huỳnh Kim Trị - Tổ trưởng Tổ Đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển xã Cẩm Kim thoáng ưu tư khi nhắc đến số lượng thành viên ngày càng ít dần. Chỉ riêng từ năm ngoái đến nay, số tàu thuyền đánh bắt hải sản đã sụt giảm từ 20 xuống còn 13 chiếc, nguyên nhân do các chủ tàu lớn tuổi và thiếu lao động làm nghề (bạn biển). Gần 40 năm bám biển, ở tuổi 67 sức khỏe dần suy giảm, ông Trị thấy công việc càng trở nên nặng nhọc.

“Trong tổ tôi hầu như anh em đã trên 60 tuổi nên việc đưa tàu ra biển đánh bắt cũng bấp bênh, bữa nào khỏe mạnh tìm được bạn biển thì đi, không thì tàu nghỉ nằm bờ” - ông Trị cho biết.

Mỗi tháng ông đi nhiều nhất khoảng 20 chuyến, chủ yếu đánh bắt gần bờ về trong ngày, trừ chi phí, mỗi chuyến ông và bạn chia nhau mỗi người được 400 nghìn đồng.

Xã Cẩm Kim là một trong số địa phương có ngư dân bỏ biển nhiều ở Hội An. Nếu giai đoạn trước năm 2015 toàn xã có khoảng 50 phương tiện lớn nhỏ thì hiện tại số tàu thường xuyên ra biển chỉ còn trên dưới 10 chiếc.

Ông Huỳnh Ngọc Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, đội tàu sụt giảm chủ yếu do lao động trẻ tuổi không muốn theo nghề biển, đi học hoặc qua phố làm những công việc nhẹ nhàng hơn trong ngành du lịch dịch vụ, trong khi lao động, ngư dân bám biển hầu hết lớn tuổi, sức khỏe ngày càng giảm sút nên bỏ nghề dần.

“Mặc dù chúng tôi khuyến khích người dân bám biển vươn khơi nhưng quan điểm của xã vẫn ủng hộ lao động chuyển đổi ngành nghề nếu có điều kiện. Thật ra, việc luân chuyển lao động này cũng phù hợp với quy luật phát triển xã hội, người dân có quyền chọn những công việc họ thấy hiệu quả và có thu nhập” - ông Hùng chia sẻ.

Khảo sát sơ bộ một số địa phương ở Hội An cho thấy, hầu như nơi nào cũng có tàu thuyền nằm bờ. Tại phường Cửa Đại, dù số phương tiện không thay đổi nhiều (145 chiếc, bao gồm 60 tàu xa bờ) nhưng sản lượng khai thác sụt giảm hơn 40% so với trước đây.

Cụ thể, năm 2022 khai thác được khoảng 2.000 tấn hải sản, giảm 1.400 tấn so với những năm trước. Nguyên nhân vì nguồn hải sản khan hiểm, khai thác không hiệu quả nên một số phương tiện phải chuyển đổi ngành nghề hoặc khai thác cầm chừng, có lúc đi biển, có lúc lên bờ làm du lịch.

Chuyển đổi nghề

Tính đến cuối năm 2022, TP.Hội An có khoảng 800 tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển (trong đó có 106 tàu đánh bắt xa bờ), tập trung chủ yếu ở các xã, phường Cửa Đại, Thanh Hà, Cẩm Nam, Tân Hiệp… Tuy số lượng tàu thuyền không thay đổi nhưng thực tế số phương tiện ra khơi đánh bắt không nhiều.

Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An thông tin, ngoài một số tàu lớn (dài hơn 12m) thường xuyên ra khơi đánh bắt nhờ chính sách hỗ trợ dầu của nhà nước, các phương tiện nhỏ hầu như nằm bờ, thời gian bám biển ít do thiếu bạn và nguồn hải sản cạn kiệt.

Chưa kể, lực lượng lao động trẻ chuyển sang phục vụ du lịch, không còn mặn mà với nghề chài lưới. Trong khoảng 3 năm trở lại đây tổng sản lượng đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn thành phố bình quân mỗi năm đạt hơn 12 nghìn tấn, giảm khoảng 3 nghìn tấn so với trước đó.

Cũng theo ông Lê Đình Tường, vươn khơi bám biển tuy được xác định là cần thiết nhưng thành phố cũng chỉ vận động bà con cố gắng bám trụ, khó có giải pháp gì hữu hiệu; bởi muốn phát triển lên đội tàu lớn đi xa đòi hỏi phải có nguồn lực, nhưng không phải ngư dân nào cũng có điều kiện, còn đánh bắt gần bờ thì không hiệu quả nên nhiều ngư dân đành bỏ tàu lên bờ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm mới.

“Trước đây, thành phố cũng vận động một số bà con có thuyền chuyển sang chạy dịch vụ du lịch nhưng hiện nay dịch vụ này cũng đã hạn chế không cho tăng nữa nên cũng khó, do đó bà con đành tự chuyển đổi ngành nghề chứ hiện nay nhà nước cũng không có chính sách, đề án nào hỗ trợ cụ thể” - ông Tường cho biết.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, mặc dù ngành khai thác thủy sản chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu các ngành kinh tế thành phố nhưng việc ngư dân bỏ biển cũng mang đến những vấn đề tích cực lẫn tiêu cực.

“Cơ cấu kinh tế thành phố hiện nay và những năm tới vẫn xác định du lịch dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là chủ đạo nhưng không phải vì thế chúng tôi coi nhẹ việc phát triển ngành khai thác thủy sản. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vấn đề này ở 2 góc độ phát triển kinh tế và an ninh quốc gia.

Đơn cử, tại xã Cẩm Thanh, khi người dân chuyển qua làm du lịch, thu nhập cũng tốt hơn, đời sống ổn định. Tuy nhiên, về mặt bảo vệ chủ quyền biển đảo, sự xuất hiện của mỗi tàu thuyền ngư dân trên biển cũng chính là một cột mốc chủ quyền, do đó khi số lượng tàu thuyền trên biển giảm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sự hiện diện của các cột mốc chủ quyền của đất nước” - ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, bất kỳ sự chuyển dịch của ngành nghề kinh tế nào cũng là sự bình thường của xã hội, kể cả với ngành khai thác thủy sản. Do vậy, việc ngư dân bỏ thuyền bỏ biển khi nguồn lợi thủy sản không nhiều, thu nhập không đảm bảo cũng là điều dễ hiểu, mặc dù hàng năm thành phố vẫn thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân cố gắng vươn khơi bám biển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân Hội An bỏ tàu bỏ biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO