Ngư dân loay hoay bám biển

VIỆT NGUYỄN 30/06/2022 08:58

Giá xăng dầu tăng liên tiếp gần đây khiến nghề khai thác hải sản đối mặt với nhiều khó khăn. Ngư dân loay hoay tìm cách chuyển đổi nghề vì khó cân đối thu nhập và thiếu bạn biển.

Tại Quảng Nam, ngành thủy sản địa phương cho biết, qua rà soát sơ bộ, lượng tàu cá “nằm bờ” do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng cao là hơn 30%. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tại Quảng Nam, ngành thủy sản địa phương cho biết, qua rà soát sơ bộ, lượng tàu cá “nằm bờ” do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng cao là hơn 30%. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Đổi nghề khai thác hải sản

Chi phí chuyến biển của ngư dân tăng đột biến trong thời gian qua do giá dầu diesel liên tiếp lập đỉnh mới (hiện ở mức hơn 30 nghìn đồng/lít). Ngư dân Trần Trắng (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) - chủ tàu cá QNa-90794 cho biết, giá nhiên liệu tăng cao kéo theo giá lương thực, thực phẩm, đá cây cũng tăng vọt khiến chi phí đầu vào của chuyến biển tăng mạnh. Trong khi đó, đầu ra hải sản èo uột, cá nục, cá ngừ loại 1 hiện ở mức 30 nghìn đồng/kg.

Theo ông Trắng, thông thường mỗi chuyến biển bằng nghề lưới vây ở ngư trường Hoàng Sa của tàu QNa-90794 cần 14 bạn biển. Do không có thu nhập trong thời gian qua nên các lao động không gắn bó, phải “nài nỉ” mới có thể thực hiện chuyến biển.

“Trữ lượng cá nục, cá ngừ ngày càng ít dần, bán giá rất thấp trong khi giá mực xà tăng cao trong vài năm gần đây. Tôi muốn chuyển sang nghề lưới chụp nhưng chưa đủ vốn, cần huy động thêm cả tỷ đồng nữa mới có thể cải hoán tàu cá, trang bị 4 tăng gông, vàn lưới cũng thiết kế lại” - ông Trắng nói.

Do giá nhiên liệu tăng cao, theo ước tính của Bộ NN&PTNT, trên cả nước số tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40 - 55% tổng phương tiện. Tại Quảng Nam, ngành thủy sản địa phương cho biết, qua rà soát sơ bộ, lượng tàu cá “nằm bờ” là hơn 30%. Ngành chức năng đang tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ ngư dân, trước mắt là an sinh xã hội, lâu dài là khuyến khích, hỗ trợ thiết thực để ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị như máy dò cá, sử dụng đèn led, trang bị hầm bảo quản hải sản hiện đại... để vừa nâng cao năng lực khai thác hải sản vừa nâng cao giá trị hải sản sau khai thác, qua đó tăng giá trị kinh tế thu được sau chuyến biển.

Ông Trắng cho biết đã loay hoay năm lần bảy lượt đổi nghề nhưng chưa đạt được kỳ vọng. Gắn bó với nghề lưới vây cá nục, cá ngừ truyền thống 20 năm ròng, ông Trắng chuyển sang câu cá hố vào năm 2015, đến năm 2018, chuyển sang nghề vây bắt mực rồi lại chuyển sang lưới vây vào năm 2021.

Theo ông Trắng, dậm chân tại chỗ với nghề thì trách mình bảo thủ không dám năng động thích ứng. Chuyển nghề rồi lại muốn an toàn vì đầu tư quá lớn, dễ rủi ro.

Ở xã Tam Giang (Núi Thành), ngư dân Phạm Ngọc đã đầu tư 2 tỷ đồng để cải hoán tàu vỏ thép QNa-91304 theo nghề lưới vây sang câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa. Sau 2 năm chuyển nghề, đến nay ông Ngọc đã thu hồi vốn và có lãi bởi câu mực khơi đang ăn nên làm ra, mực khô có giá xấp xỉ 200 nghìn đồng/kg.

Trong khi tại Cửa Đại (Hội An), theo ông Lê Công Sỹ - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại nói, ngư dân theo các nghề câu cá hố chuyển sang lưới rê 3 lớp hỗn hợp và ngược lại thì hiệu quả không rõ ràng, mỗi nghề đều có chuyến đạt, chuyến lỗ, có năm đạt, năm thất thu...

Cân nhắc khi chuyển nghề mới

Thực tiễn nghề khai thác hải sản cho thấy nhiều chủ tàu cá tự phát tiếp cận nghề mới, chuyển nghề nhưng làm ăn thua lỗ đã nằm bờ.

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho rằng, cần phải đánh giá nghề mới đó có triển vọng hay không, có ưu điểm hay nhược điểm nhiều hơn và cũng nên xem xét bản thân ngư dân khi chuyển nghề mới đã tìm hiểu kỹ càng chưa và khi ứng dụng, họ đã thay đổi, áp dụng quy trình kỹ thuật mới thấu đáo đến đâu.

“Đáng tiếc là có nhiều chủ tàu, nhất là các chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã vội vàng chuyển nghề rồi phát sinh nhiều bất cập, bất trắc trong quá trình sản xuất” - ông Long nói.

Theo ông Long, lựa chọn nghề và thay đổi nghề mới được pháp luật chấp nhận là quyền của ngư dân, ngành chức năng không thể can thiệp. Có điều trước khi chuyển đổi, các chủ tàu cần tìm hiểu kỹ càng và khi áp dụng thì nên chú trọng “3 phù hợp” - gồm năng lực sản xuất, đầu tư về công nghệ mới và lựa chọn ngư trường đánh bắt hải sản.

Có vậy mới phát huy các tính năng ưu việt của nghề mới. Ngành thủy sản khuyến khích ngư dân theo các nghề sản xuất xa bờ như lưới rê 3 lớp hỗn hợp, lưới vây, lưới chụp, câu mực khơi vì đã có luận chứng khoa học và phát huy giá trị trong thực tế. Các nghề cấm như giã cào, pha xúc, không cấp phép thêm cho ngư dân đánh bắt hải sản.

“Về lâu dài, chúng tôi rà soát, đánh giá lại các nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh, đối sánh với các nghề cũ và mới ở các tỉnh bạn để làm đề tài khoa học, khắc phục nếu phát sinh lỗi nhỏ, qua đó, khuyến khích, đồng hành, tiếp sức ngư dân vươn khơi hiệu quả, bền vững, làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải” - ông Long nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngư dân loay hoay bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO