Núi Thành ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản

TRIÊU NHAN 21/10/2021 08:58

Ứng dụng khoa học và công nghệ, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu tư giống mới, xen ghép, đa dạng đối tượng nuôi thủy sản là định hướng của huyện Núi Thành.

Mô hình nuôi xen ghép cá chim trắng vây vàng và cá bớp trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế khá ở xã Tam Hòa. Ảnh: H.L
Mô hình nuôi xen ghép cá chim trắng vây vàng và cá bớp trong lồng bè cho hiệu quả kinh tế khá ở xã Tam Hòa. Ảnh: H.L

Đa dạng đối tượng nuôi mới

Những năm qua, tại Núi Thành, nhiều loại thủy sản mới được đưa vào nuôi nhằm đa dạng đối tượng nuôi, tăng thu nhập cho nông hộ. Hình thức nuôi thủy sản cũng đa dạng như nuôi trong ao đất, nuôi lồng, nuôi hồ chứa thủy lợi, nuôi trong bể xi măng, trong ao lót bạt.

Phong trào nuôi tôm thẻ lót bạt thâm canh, nuôi cá lồng bè với nhiều đối tượng nuôi mới có giá trị trong vùng quy hoạch bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Với thủy sản nước lợ, ngoài con tôm chân trắng, còn có tôm sú, cua, tôm rảo, ngao, cá rô phi đơn tính, cá bớp, cá chim vây vàng, cá măng, cá chẻm, rong câu chỉ vàng...

Trong nuôi nước ngọt, ngoài các loài truyền thống như mè, trắm, chép... còn có thêm cá chim, trê lai, tràu lai, chép lai, ba ba, ếch Thái Lan... bước đầu cho hiệu quả khá.

3 năm nay, mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong ao lót bạt, trong lồng bè xã Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Hải được đầu tư nuôi hiệu quả với doanh thu khá. Nhận thấy tiềm năng của cá chim trắng vây vàng, ông Nguyễn Văn Đức (xã Tam Tiến) vào Nha Trang, Ninh Thuận học hỏi kinh nghiệm, cải tạo ao nuôi, nhập cá giống, thả nuôi 3 - 4 lứa cá giống xen kẽ, lượng cá giống thả nuôi mỗi đợt lên tới cả vạn con.

Ông Đức sử dụng 1 ao nuôi hơn 1.000m2 làm khu ươm nuôi cá giống dành cho cá mới nhập về đến khi đạt 1 tháng tuổi. Với 2 ao nuôi hơn 2.000m2 còn lại, ông thả nuôi cá đạt 1 tháng tuổi trở lên và nuôi liên tiếp 4 tháng, tới khi xuất bán. Mỗi năm, ông Đức thả 3 - 4 lứa cá theo hình thức cuốn chiếu, xuất bán với giá bán 120 - 140.000 đồng/kg.

Mô hình nuôi cá chim trắng vây vàng trong lồng bè cũng phát triển ven sông Trường Giang và Cửa Lở với gần 10 hộ nuôi. Điển hình, anh Đỗ Văn Thảo (Tam Hòa) thả nuôi hơn 20 lồng cá chim trắng vây vàng xen cá bớp tại Cửa Lở, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Đến nay, ngành nông nghiệp Núi Thành phối hợp với Công ty TNHH Tầm nhìn chất lượng PROQ tư vấn, hướng dẫn xây dựng quy trình VietGAP cho cơ sở nuôi tôm thẻ của ông Mai Văn Thạnh (Tam Xuân II) với diện tích 7ha, gồm 14 ao nuôi, 3 ao lắng, 1 ao chứa bùn.

Mô hình giúp chủ cơ sở nuôi thấy được hạn chế về cơ sở hạ tầng để tiến hành cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu VietGAP, biết cách quản lý thức ăn, cho ăn, quản lý chất lượng nước nuôi và sức khỏe tôm nuôi theo đúng yêu cầu VietGAP. Huyện đã mở 3 lớp đào tạo về “Quy phạm VietGAP trong nuôi trồng thủy sản” tại 3 xã Tam Xuân II, Tam Tiến, Tam Hòa. Ngoài ra còn hỗ trợ ông Phạm Đăng Nghĩa (Tam Hải) mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn; hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng bằng lồng bè cho hộ ông Hoàng Anh Thi (Tam Hòa)...

Việc hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nuôi thủy sản cho hộ nuôi được huyện Núi Thành chú trọng. Huyện tập trung phát triển nuôi thủy sản tại vùng cửa sông, vùng biển kín gió (Hòn Mang, Hòn Dứa) và quy hoạch các vùng nuôi lồng bè trên sông (khoảng 1.200 lồng).

Huyện chú trọng xây dựng các mô hình nuôi hàu, rong sụn, ngao vùng triều ở Tam Hải, Tam Hòa... Hỗ trợ các vùng nuôi tôm theo hướng VietGAP ở các xã có vùng nuôi tôm tập trung từ 20ha trở lên; hỗ trợ người dân chuyển đổi giống vật nuôi với các đối tượng giá trị kinh tế cao, hỗ trợ kiểm dịch con giống môi trường vùng nuôi định kỳ để phòng chống dịch bệnh.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện chia sẻ, thời gian qua, một số đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đầu tư giống loài mới (như cá bớp nuôi lồng bè, cá ngựa, hàu Thái Bình Dương...) cho giá trị kinh tế cao, được người dân phát triển mạnh.

Từ đó, người dân được chuyển giao kỹ thuật nuôi, nhân rộng mô hình; đối với những đề tài khi triển khai nuôi nhận thấy đối tượng không phù hợp, ngành khuyến cáo người dân không nên đầu tư nuôi.

“Huyện còn có cơ chế hỗ trợ người dân học hỏi, tiếp cận các mô hình, kinh nghiệm nuôi. Hiện, các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn, nuôi tôm 3 giai đoạn rất phát triển và có mô hình đầu tư nuôi tôm 4 giai đoạn. Năm 2022, huyện định hướng triển khai nuôi các đối tượng mới như nuôi cá lăng tại các hồ thủy lợi, mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao lót bạt và trên ruộng lúa” - ông Hiệp cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Núi Thành ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO