Nuôi tôm thích ứng biến động thời tiết

VIỆT NGUYỄN 02/06/2022 07:33

Thời tiết cực đoan, nắng nóng gay gắt kéo dài cộng với mưa dông đột ngột trong những ngày qua khiến môi trường nước biến động, tôm nuôi chết hàng loạt.

Để hạn chế tác hại của nắng nóng, người nuôi tôm nên sử dụng lưới che phủ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Để hạn chế tác hại của nắng nóng, người nuôi tôm nên sử dụng lưới che phủ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ứng phó với sự bất thường của thời tiết, ngành thủy sản và người nuôi tôm tích cực triển khai nhiều giải pháp như kiểm soát môi trường nước; sử dụng tôm giống chất lượng; chăm sóc tôm nuôi với các quy trình kỹ thuật tiên tiến...

Kiểm soát môi trường nước

Xã Bình Hải (Thăng Bình) có 45ha diện tích nuôi tôm trên cát, 10ha diện tích nuôi tôm ở vùng triều ven sông nhưng từ đầu năm đến nay, diện tích có tôm chết đã là 40ha. Nhiều khu vực nuôi tôm ở xã này đang bỏ hoang.

Ông Nguyễn Xuân Lộc (ở thôn Đồng Trì, xã Bình Hải) là một trong những hộ đang cầm cự nuôi tôm. Cuối tháng 5, nắng như đổ lửa, khi chúng tôi có mặt, ông Lộc đang xi phông đáy ao nuôi để hút những chất thải, vỏ tôm, thức ăn thừa... ra khỏi ao nuôi tôm.

Ông Lộc nói, nhiệt độ nước trong ao nuôi tôm luôn biến động, chênh lệch lớn giữa ban ngày và ban đêm. Đặc biệt khi có mưa dông, môi trường nước biến động khiến cho tôm nuôi dễ bị sốc, suy giảm miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh. “Tôi luôn xi phông đáy ao nuôi tôm mỗi ngày để cải thiện chất lượng nước, hạn chế tác động xấu của thời tiết biến đổi đột ngột ảnh hưởng đến tôm nuôi” - ông Lộc nói.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, từ đầu năm đến nay diện tích có tôm nuôi bị bệnh chết khoảng 260ha, trong đó 15,31ha bị bệnh đốm trắng, 5,8ha bị bệnh hoại tử gan tụy, còn lại bị bệnh do các yếu tố môi trường. Một trong các giải pháp thiết thực để nuôi tôm mùa nắng nóng cực đoan là áp dụng xi phông mỗi ngày. Việc thường xuyên xi phông sẽ giúp cho nước ao luôn sạch, giúp tôm phòng chống dịch bệnh và sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh.

Trên quỹ đất 3.500m2, ông Lộc bố trí 2 ao nuôi tôm thương phẩm, 1 ao ương nuôi tôm giống và 1 ao chứa lắng. Ông Lộc dùng vôi, chlorin và thuốc tím để xử lý nước, làm sạch nước ở ao chứa lắng trước khi cho vào ao nuôi tôm thương phẩm.

Do nhiệt độ cao khiến cho môi trường nước trong ao nuôi thương phẩm tăng cao nên ông Lộc phải thay nước thường xuyên từ ao lắng để ổn định. Nuôi tôm 2 giai đoạn cũng là cách để ông Lộc giảm tác hại của nắng nóng.

Ở ao tôm giống, ông Lộc ương nuôi tôm giai đoạn 1 với thời gian 1 tháng để tôm sinh trưởng ổn định, tăng sức đề kháng rồi mới cho vào ao nuôi thương phẩm và “kích” cho lớn nhanh, vượt qua biến động của thời tiết.

Nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Núi Thành cho rằng, chỉ có quản lý chặt môi trường nước mới có thể nuôi tôm thành công trong mùa nắng nóng. Họ luôn sử dụng men vi sinh, các chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường nước, diệt vi khuẩn gây bệnh, giúp tôm nuôi ổn định phát triển. Thức ăn được bổ sung vitamin, men tiêu hóa giúp tôm nuôi tăng sức đề kháng.

Ông Cao Văn Trọng - hộ nuôi tôm có thâm niên ở thôn Hòa Bình (xã Tam Hòa, Núi Thành) cho biết: “Nuôi tôm mùa nắng nóng nhất thiết phải sục khí liên tục để cung cấp đủ ô xy. Với thời tiết cực đoan, tảo gây bệnh hoạt động mạnh nên phải dùng chế phẩm từ gừng, sả, tỏi để ngăn chặn, hạn chế tác hại gây các bệnh đường ruột, gan tụy ở tôm nuôi”.

Ông Nguyễn Xuân Lộc xi phông đáy ao nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Nguyễn Xuân Lộc xi phông đáy ao nuôi tôm. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cần kỹ lưỡng chăm sóc

Trước diễn biến bất thường của thời tiết - nắng nóng kéo dài, mưa dông bất chợt ảnh hưởng xấu đến nghề nuôi tôm nước lợ, bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y khuyến cáo hộ nuôi tôm thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động biện pháp quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của tôm nuôi. Người nuôi tôm cần chú trọng quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi tôm.

Đối với những khu vực có nguồn nước nguy cơ ô nhiễm, hạ tầng chưa đảm bảo, hệ thống thủy lợi còn sơ sài, không nên nuôi tôm mà có thể nuôi các loại cá dìa, chẽm, điêu hồng kết hợp với nuôi cua.

Để vượt qua khó khăn do nắng nóng kéo dài, hộ nuôi cần mua tôm giống của công ty có uy tín, đã được xét nghiệm, kiểm định không có mầm bệnh và thả nuôi với mật độ phù hợp, chăm sóc đúng kỹ thuật.

Ông Trần Quảng Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiệp vụ thủy sản - Chi cục Thủy sản cho biết, tôm là động vật thủy sản rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết. Đặc biệt, mùa nắng nóng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giảm năng suất và sản lượng tôm nuôi thương phẩm.

Người nuôi tôm cần lưu ý các biện pháp chăm sóc, quản lý. Cụ thể, chỉ được thả giống khi nhiệt độ nước dưới 30 độ C, nên thả nuôi với mật độ thấp. Để hạn chế tác hại của nắng nóng, người nuôi nên sử dụng lưới che phủ. Khi có mưa dông lớn, cần tiến hành xả nước tầng mặt.

Đồng thời tăng tần suất quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng gây thiếu ô xy tầng đáy, phát sinh khí độc. Mùa nắng nóng này người nuôi cần giảm lượng thức ăn chừng 20 - 30% hoặc cắt bỏ bữa ăn vào buổi trưa, khẩu phần ăn cần bổ sung thêm các khoáng chất, chất bổ dưỡng để tăng miễn dịch cho tôm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tôm thích ứng biến động thời tiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO